Hiệu trưởng trường Ams: Nên khuyến khích tư thục phát triển trường chuyên

29/12/2020 06:47
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cả hai hệ thống trường chuyên cùng tồn tại phát triển song song thì lợi ích mà nó mang lại là rất lớn, sẽ thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.

“Theo tôi với trường chuyên là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước chúng ta nên có hai hệ thống, một của hệ trường công lập được Nhà nước đầu tư cung cấp ngân sách. Hệ thống thứ hai hiện nay cũng đang rất phát triển, mang tính cạnh tranh cao trong giáo dục, đó là hệ thống trường tư thục, chúng ta nên để khối này cùng tham gia.

Khi cả hai hệ thống trường chuyên cùng tồn tại phát triển song song thì lợi ích mà nó mang lại rất là lớn, nó thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh. Học sinh và phụ huynh các em sẽ có nhiều sự lựa chọn, và đã là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước thì càng đào tạo được nhiều sẽ càng tốt. Nên khuyến khích.

Với những em học sinh giỏi nhưng điều kiện kinh tế chưa được dư giả nhưng nếu các em đó đỗ vào hệ thống trường chuyên do ngân sách nhà nước đầu tư thì đó là điều rất tốt, tính nhân văn cao.

Còn với những em có điều kiện kinh tế tốt hơn, muốn học ở những trường chuyên có cơ sở vật chất tốt, điều kiện học rất hiện đại thì khối trường tư thục cũng là một lựa chọn”.

Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo cô Dương: "Khi cả hai hệ thống trường chuyên cùng tồn tại phát triển song song thì lợi ích mà nó mang lại rất lớn, thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục". Ảnh: Tùng Dương.

Theo cô Dương: "Khi cả hai hệ thống trường chuyên cùng tồn tại phát triển song song thì lợi ích mà nó mang lại rất lớn, thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục". Ảnh: Tùng Dương.

Cô Dương cho biết: “Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được học tập trong một môi trường tốt, nơi những thầy cô giáo có kinh nghiệm, bạn bè chăm ngoan, học giỏi…để con mình có chí tiến thủ. Điều này kể cả trường công lập hay tư thục đều hoàn toàn làm được.

Nếu trường công và trường tư đều có hệ thống trường chuyên thì tôi nghĩ việc dư luận xã hội về chạy trường chạy lớp sẽ ít đi bởi lúc đó sự lựa chọn sẽ nhiều hơn. Đó là điều tốt.

Tôi không đề đạt đến chuyện Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đang từ công lập chuyển sang tư thục, tôi không nghĩ đến điều đó, trường công lập vẫn là trường công lập. Tuy nhiên ta mở thêm khối chuyên của hệ thống tư thục, khuyến khích họ đầu tư, tạo hành lang pháp lý để các trường chuyên của tư thục cùng phát triển.

Xã hội càng có nhiều trường uy tín thì phụ huynh và học sinh sẽ thoải mái hơn trong việc lựa chọn, góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống trường công, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước ”.

Theo cô Dương: “Trường tư thục có danh tiếng và uy tín thì ban giám hiệu sẽ phải làm tốt việc quản lý chất lượng đầu vào, nhất là đối với hệ chuyên.

Nhiều trường bán công qua nhiều năm họ đã chứng minh được mô hình này rất tốt, tất nhiên họ chưa có khối chuyên nhưng với khối phổ thông họ đã tạo được uy tín, ví dụ như Trường Phan Huy Chú, Hà Nội, cách đây 20 năm còn khó khăn trong việc tuyển sinh nhưng họ đã xây dựng được một thương hiệu cho trường bằng việc tuyển sinh, bằng việc chăm lo cho học sinh, bằng chất lượng đầu ra.

Vậy nếu họ mở trường chuyên thì cần phải có hành lang pháp lý ủng hộ cho họ, ví dụ các em học sinh trường đó cũng sẽ tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi tuyển chọn như các trường công lập.

Nhà nước cân đối thế nào đó giữa hai hệ thống để cho học sinh học trường chuyên ở các trường tư thục, hoặc lớp chọn ở trường tư thục cũng có những thành tích nào đó, như vậy thì phụ huynh các em rất vui, sẵn sàng chọn lựa bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện về kinh tế nhưng mong muốn con mình được học trường chuyên là như nhau.

Và có như vậy thì cũng giúp cho khối tư thục có một vị thế, chỗ đứng, danh tiếng của họ trong nền giáo dục nước nhà và quốc tế. Họ có phát triển thì nền giáo dục nước ta cũng sẽ phát triển theo”.

Tôi lấy ví dụ một số trường cấp 2 ở Hà Nội mới được thành lập, đương nhiên là học phí sẽ cao hơn trường công lập nhưng qua quá trình hoạt động đã khẳng định danh tiếng của trường bằng nhiều thành tích mà học sinh đạt được trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Như vậy họ đã tạo được sự tin tưởng nhất định đối với xã hội và đặc biệt là các phụ huynh. Rất nhiều học sinh Trường Ams hiện nay ở khối cấp 3 đều có xuất phát từ một số trường cấp 2 tư thục. Điều đó rõ ràng là lớp chất lượng cao, lớp chọn ở khối trường tư thục họ đã làm được những việc đó.

Tôi nghĩ rằng khi trường tư thục mở ra trường chuyên họ sẽ phải có phương án tạo vị thế của mình, bảo vệ và xây dựng thương hiệu cũng như những thành tích họ đã đạt được bằng các phương pháp giáo dục, nguồn giáo viên chất lượng cao. Khi việc đào tạo có chất lượng và những thành tích của nhiều thế hệ học sinh thì mới có thể thu hút học sinh”.

Xã hội càng có nhiều trường uy tín thì phụ huynh sẽ thoải mái hơn trong việc lựa chọn và góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống trường công, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Xã hội càng có nhiều trường uy tín thì phụ huynh sẽ thoải mái hơn trong việc lựa chọn và góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống trường công, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trường chuyên lớp chọn có bị học lệch?

Theo cô Dương: “Ví dụ các cháu thi môn Sinh và có năng khiếu với môn Sinh thì xu hướng các cháu sẽ có niềm đam mê với môn chuyên đó, đầu tư thời gian nhiều hơn thì mọi người cho rằng các cháu sẽ học nhiều hơn so với các môn khác.

Tôi không nghĩ đấy là bị học lệch, các môn khác vẫn học bình thường và không bị coi nhẹ. Ngay như ở trường Ams tôi quan sát khi các cháu đã học một môn chuyên thì môn đó sẽ được ưu tiên hơn về thời gian, còn các môn khác điểm số vẫn rất cao.

Khi học sinh đã học được môn chuyên tốt thì đều là những học sinh có tư duy, khi đã có tư duy thì đó là cả một phương pháp học để làm sao có hiệu quả nhất.

Còn tất nhiên để học sinh học các môn khác với những kiến thức cơ bản, có niềm đam mê học tập thì cũng còn nhờ các thầy cô phải có trách nhiệm, tạo niềm hứng khởi, có độ nghiêm khắc nhất định.

Đó cũng là điều tôi mong muốn phát triển trường chuyên của Hà Nội phải vừa hồng vừa chuyên, với địa vị trường Ams đào tạo học sinh giỏi, đào tạo nhân tài nhưng nhân tài phải có cái tâm, cái đức và đó là cách học làm người.

Triết lý giáo dục này tôi cũng đã học và thừa hưởng ở các bậc tiền bối, đôi khi thầy cô mải mê, chuyên tâm đào tạo các con về mặt kiến thức, nhưng có đôi lúc tạm quên mất rằng học sinh cần phải được phát triển toàn diện, sau này các em cần một chỗ đứng trong xã hội, phải là một công dân tốt.

Tôi vẫn luôn dạy học sinh cho dù các con có đi học ở đâu thì cũng đều rất tốt, học được cái tinh hoa của thế giới nhưng các con phải luôn hướng về cội nguồn của mình. Học trong nước cũng rất tốt, tôi không đề cập phải học ở đâu”.

Cô Dương chia sẻ thêm: “Thực tế hiện nay khối trung học cơ sở không có khối trường chuyên nhưng mọi người ngầm hiểu rằng mỗi quận đều có một trường hoặc có một số lớp nào đó tập trung học sinh giỏi.

Trong các kỳ thi Olympic quốc tế thì đều là học sinh ở các lớp đó, các trường đó đạt giải cao. Ai cũng muốn vào trường đó là nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay nên để có một số trường, lớp hay câu lạc bộ ở quận với mục đích đào tạo mũi nhọn, phát hiện và phát triển năng khiếu của các con thì đó là điều rất tốt.

Ta có thể không gọi nó là chuyên nhưng dù muốn hay không thì thực tế hiện nay điều đó vẫn tồn tại. Và cũng không có gì sai nếu trong một quận có vài trường như vậy, mỗi trường tốt lại có vài câu lạc bộ phát triển năng khiếu, và những em đó thực sự là những mầm non trong các kỳ thi quốc tế và là nguồn nhân tài cho đất nước thì cũng nên khuyến khích.

Đối với trung học phổ thông thì cá nhân tôi vẫn cho rằng ta vẫn nên duy trì trường chuyên để tập chung đào tạo nhân tài cho Thủ đô, cho đất nước và hiện nay ở các tỉnh đều có và Hà Nội cũng vậy.

Tuy nhiên để thực sự xứng đáng là nhân tài cho đất nước theo đúng ý nghĩa của nó thì chúng ta nên nghiên cứu lại xem những gì đã đạt được và những gì cần phải đạt được để điều chỉnh cho tốt hơn.

Để có nguồn nhân tài chất lượng cao quay trở về nước, chứ không phải là chỉ vào trường chuyên với mục đích đi du học và không quay về phục vụ đất nước. Tất nhiên là Nhà nước không chi ngân sách ra để làm những việc như vậy”.

Tùng Dương