Cựu học sinh chuyên Ams tốt nghiệp từ nước ngoài về cũng đang dạy hợp đồng

26/12/2020 06:41
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi cũng khá ngạc nhiên vì các em học chuyên Anh ở nước ngoài về nhưng qua tâm tư tôi biết các em rất thích và muốn theo ngành sư phạm.

“Tôi thường khuyên học trò của mình nhất là những em có tố chất, đam mê với ngành sư phạm thì hãy theo nghề. Tôi vẫn gặp lại nhiều học sinh cũ của mình và các em rất thành công, nhiều em tự mở trường tư thục.

Có em nói rằng: Cô ạ, thời gian đầu con đi dạy tiếng Anh như cô và con thấy rất vui, tiền công dành dụm hơn 10 năm đi dạy con đã dùng để học thêm Thạc sĩ ở Anh, hiện nay về nước con đã mở trường tư thục.

Người xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chúng ta có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó kể cả những nghề như cắt tóc, thợ xây…nhưng nếu đam mê và sống hết mình với nghề đó thì cũng sẽ thành công và cơ hội có thu nhập cũng không hề kém”.

Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Dương nói: “Bản thân tôi cũng đã được khuyên câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” khi tôi bước chân vào ngành sư phạm, mặc dù lúc đó tôi không có ý định theo nghề vì thấy quá nhiều khó khăn. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Dương nói: “Bản thân tôi cũng đã được khuyên câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” khi tôi bước chân vào ngành sư phạm, mặc dù lúc đó tôi không có ý định theo nghề vì thấy quá nhiều khó khăn. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Dương nói: “Khi các con có duyên và năng khiếu với ngành sư phạm, lại được trưởng thành từ những ngôi trường chuyên, lớp chọn trên cả nước thì với những kinh nghiệm, kiến thức thu nhận được cộng với niềm đam mê thì chắc chắn tôi tin các con sẽ thành công.

Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam hiện nay có rất nhiều giáo viên là cựu học sinh của trường, có nhiều người là con của cựu giáo chức đang dạy ở đây, thậm chí là đến thế hệ thứ 3. Tôi nghĩ đây là một điều rất đáng quý.

Rất nhiều cựu học sinh của trường đi du học ở Mỹ, ở Anh… về vẫn muốn quay lại trường giảng dạy, nhiều em nói: Cô ơi cô, nếu có lớp nào cho chúng con dạy thì chúng con rất sẵn lòng.

Tôi cũng khá ngạc nhiên vì các em học chuyên Anh ở nước ngoài về nhưng qua tâm tư tôi biết các em rất thích và muốn theo ngành sư phạm và số lượng các em như vậy hàng năm có khá nhiều.

Chúng ta nên khuyến khích thế hệ trẻ và đặc biệt là những sinh viên như vậy, bởi không có thầy giỏi thì cũng sẽ không có trò, nhưng ngược lại không có trò giỏi thì lấy đâu ra các thế hệ học sinh như hiện nay”.

Sinh viên ít chọn ngành sư phạm, đâu là nguyên nhân?

Với quan điểm cá nhân, cô Dương chia sẻ: “Tôi nghĩ việc sinh viên sư phạm ra trường đi xin việc thì quả là vất vả. Tôi chứng kiến một bạn học sinh cũ chuyên Lý của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam thi đỗ vào Học viện ngân hàng.

Sau khi tốt nghiệp em đó có nói với gia đình là con không thích nghề Ngân hàng, giờ con sẽ học thêm Sư phạm Hóa và cũng đã tốt nghiệp. Điều đó chứng tỏ niềm đam mê sư phạm ở bạn đó quá mãnh liệt, nhưng điều đáng buồn là em đó cho đến nay vẫn chưa xin được việc, chưa được đi dạy học theo lòng đam mê của mình.

Tôi thấy đây là một trở ngại, một khó khăn thực tế đối với nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ngành sư phạm. Nhiều cựu học sinh của trường Amsterdam tốt nghiệp ở nước ngoài về hiện cũng đang dạy hợp đồng tại trường, tất nhiên cũng có nhiều lý do để được làm giáo viên chính thức.

Các em đó đều hiểu nếu được làm chính thức và hưởng mức lương theo quy định chưa được cao, nhưng rõ ràng ở đây các em đó muốn được cống hiến, được công nhận và có một công việc ổn định nhất là với những bạn nữ.

Tất nhiên xã hội vẫn đãi ngộ những người chăm chỉ có năng lực thực sự. Thực tế là cơ hội việc làm cho các bạn trẻ vẫn rất nhiều khó khăn, nhất là đối với ngành sư phạm.

Còn nếu cơ hội tìm việc làm không nhất thiết là trường chuyên hoặc các trường ở thành phố lớn đầy đủ cơ sở vật chất, thì có thể ở trường cận chuyên hoặc những trường bình thường có mở rộng cửa, có ưu tiên với những em tốt nghiệp ở nước ngoài về, những em tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng, những bạn thủ khoa đầu ra hoặc những em có năng lực thật sự sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường thì tôi nghĩ sẽ có nhiều sinh viên theo ngành sư phạm hơn.

Ngay như việc hiện nay có rất nhiều sinh viên sư phạm trẻ ra trường cũng đã xung phong lên vùng sâu, vùng xa, các điểm trường đặc biệt khó khăn để giảng dạy đó thôi, với mức đãi ngộ thấp nhưng họ vẫn miệt mài cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình.

Vậy có thể nói là do khó khăn trong tìm việc làm chứ không phải là do việc đãi ngộ thấp của ngành sư phạm nên đã không thu hút được nhiều sinh viên theo ngành này. Qua những gì tôi quan sát thì cơ hội việc làm vẫn là ưu tiên lựa chọn số 1 đối với sinh viên hiện nay khi lựa chọn ngành học”.

Các em sinh viên hãy tự tin chọn nghề, hãy tự tin với năng khiếu của mình, làm theo chuyên môn là mặt mạnh của bản thân, khi các em có đam mê, yêu nghề, có năng lực thì chắc chắn nghề sẽ không phụ. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Các em sinh viên hãy tự tin chọn nghề, hãy tự tin với năng khiếu của mình, làm theo chuyên môn là mặt mạnh của bản thân, khi các em có đam mê, yêu nghề, có năng lực thì chắc chắn nghề sẽ không phụ. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cần lắm sự đam mê với nghề giáo

Theo cô Dương: “Về mức đãi ngộ của nghề giáo thì các em sinh viên cũng có thể an tâm phần nào vì hiện nay hệ thống trường tư thục phát triển rất nhanh và mạnh, vì vậy những em giỏi, có năng lực thật sự sẽ luôn có cơ hội tìm được chỗ đứng cho mình.

Mức đãi ngộ ở những trường tư hiện nay theo tôi cũng sẽ làm an tâm các bạn trẻ theo đuổi đam mê ngành sư phạm của mình. Hiện nay chúng ta đều sống bằng đồng lương của nhà nước, tuy nhiên có sự chênh lệch giữa các trường, các địa phương, các vùng miền và điều này không tránh khỏi. Nhưng có rất nhiều người chấp nhận làm việc một cách vui vẻ, tất nhiên nếu mức đãi ngộ tốt hơn thì đó là điều rất tốt, còn như hiện nay họ vẫn cống hiến đấy thôi”.

Cô Dương nói: “Trên góc độ cá nhân, tôi thấy nên chăng với một số sinh viên không phải trường sư phạm nhưng đã học và tốt nghiệp ở một số chuyên ngành khác, sau đó có thể tiếp tục theo học một khóa nghiệp vụ sư phạm, ví dụ khóa nghiệp vụ 1 năm gì đó.

Với những sinh viên như vậy mình cũng có thể cho các em đó đủ tiêu chuẩn giảng dạy, có thể mở rộng đối tượng đào tạo giáo viên chứ không nhất thiết là phải học sư phạm.

Bản thân tôi cũng đã được khuyên rằng “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” khi tôi bước chân vào ngành sư phạm, mặc dù lúc đó tôi không có ý định theo nghề vì thấy quá nhiều khó khăn.

Ban đầu tôi sang làm văn phòng Luật nhưng một người cô có khuyên tôi rằng: Theo nghề Luật có lẽ em sẽ không phát triển được bằng nghề sư phạm vì tố chất của em là sư phạm.

Và ngẫm lại những gì mà tôi đã đạt được thì đều rất đúng với lời khuyên đó, tôi cũng cảm ơn bố mẹ mình vì lúc đó cương quyết bắt tôi theo nghề sư phạm. Nếu giờ được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nghề này.

Vậy nên các em sinh viên hãy tự tin chọn nghề, hãy tự tin với năng khiếu của mình, hãy làm theo chuyên môn là mặt mạnh của bản thân, khi các em có đam mê, yêu nghề, có năng lực thì chắc chắn nghề sẽ không phụ các em nhất là trong tương lai các trường công lập, trường quốc tế…phát triển thì những người có năng lực thực sự sẽ không lo thiếu việc”.

Tùng Dương