Học trò, cha mẹ học sinh nghĩ sao khi bắt gặp thầy cô đi làm thêm ngoài giờ?

06/12/2020 06:18
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo cho đi vô điều kiện những kiến thức, sự hiểu biết, điều tốt đẹp đến bao thế hệ học sinh nhưng không hề đòi hỏi quyền lợi. Đó là đáng quý, rất trân trọng.

“Học sư phạm xong ra trường không xin được việc mặc dù thực tế ngành giáo dục vẫn đang rất thiếu giáo viên, có khá nhiều dư luận xã hội phản ánh rằng phải “chi” nhiều tiền mới vào được trường nào đó.

Áp lực trong công việc của nhà giáo rất cao, ngay như mới đây nhất là Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành không phê bình, kỷ luật học sinh, và nếu như vậy thì khó dạy được bọn trẻ.

Việc đãi ngộ với các nhà giáo hiện nay theo tôi là quá thấp, mới đây tôi có trở lại thăm trường Cao đẳng nghề Hà Nội, nơi có nhiều học trò của tôi đang giảng dạy ở đó.

Các em đều có chung tâm sự và thực tế hiện nay trường đang rất khó “giữ chân” các giáo viên nói chung chứ chưa nói đến những giáo viên giỏi. Là giáo viên dạy phổ thông thì đơn thuần là dạy kiến thức nhưng đối với giáo viên dạy nghề thì anh phải rất giỏi lý thuyết và cả phần tay nghề thực hành.

Mà những người giỏi tay nghề thực hành thì họ xin ra ngoài làm việc hết, một giờ dạy thực hành trong trường ngoài lương thì có phụ cấp thêm một số tiền rất ít, không đáng là bao.

Trong khi tay nghề thợ sửa ô tô, điện lạnh, điện tử…như các thầy trong trường thì với thời gian đó nếu làm ở ngoài sẽ kiếm được số tiền khá hơn, xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Chỉ riêng trong năm ngoái tại trường tôi đã có 4 thầy xin nghỉ việc, và thực tế hiện nay các khoa đều rất thiếu thầy, có khoa thiếu tới 16 giáo viên.

Theo tôi cứ đà này thì chỉ thời gian ngắn nữa sẽ có tình trạng thiếu nguồn nhân lực sư phạm nói chung, và đặc biệt là các giáo viên trường nghề sẽ không còn mặn mà với đãi ngộ của nhà trường.

Vậy hiện nay cần tháo gỡ ở chỗ nào để động viên các thầy cô gắn bó với nghề? Theo tôi cần phải thay đổi chính sách và nhất là việc tuyển dụng, mức đãi ngộ nhà giáo”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu - Nguyên giáo viên Trường Cao đẳng nghề Hà Nội, đã chia sẻ quan điểm.

Hai vợ chồng nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Tùng Dương.

Hai vợ chồng nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Tùng Dương.

Theo bà Thu: “Sinh viên sư phạm cũng phấn đấu, trau dồi kiến thức không kém gì các ngành học khác trong xã hội, ra trường xin việc đúng nghề đã khó, nhưng khi đi làm rồi thì thực tế là chỉ nuôi bản thân thôi đã không ổn chứ chưa nói đến nuôi con ăn học.

Một số ngành khác còn có thể đi làm thêm được nhiều nghề nhưng là giáo viên thì muốn làm thêm cái gì cũng phải “ngó trước ngó sau” vì sợ gặp học sinh của mình. Vậy nên anh không thể lao ra đường để làm mọi việc được như những nghề khác.

Đành rằng việc làm thêm của thầy cô không vi phạm nhưng nếu gặp học sinh, gặp phụ huynh các em thì đó sẽ là những hình ảnh không “đẹp” trong mắt mọi người, nó có một cái gì đó hơi khó nói. Gặp thầy cô chẳng lẽ không chào, mà chào lại gây khó xử cho thầy cô.

Ngày trước đi dạy học thì đãi ngộ so với những ngành khác cũng đã không bằng, nhưng vẫn có một cái gì đó được tôn trọng, an ủi, nhưng giờ đây tôi thấy sự tôn trọng của xã hội với thầy cô giảm đi rất nhiều.

Cứ nói nghề giáo là nghề cao quý, dạy làm người…nhưng bản thân “các vị” có coi trọng nghề đâu, thử hỏi xem con cháu “các vị” có mấy người theo ngành sư phạm, hay toàn cho đi du học nước ngoài ở những ngành có thu nhập cao?

Thực tế mấy năm gần đây điểm thì vào sư phạm nếu không nói là quá thấp, 9 điểm thi 3 môn vẫn đỗ vào ngành sư phạm, đó cũng là nguyên nhân làm cho uy tín của ngành đi xuống, không được xã hội coi trọng, mà đã không được coi trọng thì làm sao khuyến khích được mọi người theo nghề”.

Cũng vấn đề này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy môn Toán của Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ:

“Cốt lõi của vấn đề này là xã hội ngày nay coi trọng kinh tế hơn, điều đó góp phần thúc đẩy con người ta đua nhau làm giàu, nghề nào kiếm tiền nhiều sẽ thu hút được mọi người. Vậy nên nghề giáo đãi ngộ thấp sẽ ít người chọn.

Xã hội kính trọng người thầy, kính trọng đạo lý bởi ở nơi đó người ta tìm thấy cốt lõi của con người, tính nhân bản, sự kiểu mẫu của cuộc sống, của hành vi và lời nói, giúp hình thành đạo đức con người…

Nhưng hiện nay mọi việc có vẻ không còn được như trước, và đã không chuẩn như vậy thì làm sao mà xã hội chọn lựa nghề? Sự giả dối của một số ít giáo viên là hành vi tối kị của một người thầy, làm giảm uy tín của ngành.

Không thầy đố mày làm nên. Ngày xưa xã hội thấy rằng phải có thầy dạy thì mới có kiến thức để bước vào đời làm người tử tế, nhưng hiện nay sự giàu có và coi thường người thầy của một vài bộ phận trong xã hội cũng đã làm giảm uy tín của ngành sư phạm vì họ thấy trước mắt đi buôn là nhanh có tiền”.

Theo thầy Ngọc: "Nếu sống vì mục đích mang lại điều tốt đẹp cho người khác, giúp người khác phát triển, đưa xã hội đi lên thì theo tôi không có nghề gì hay và cao quý như ngành sư phạm". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo thầy Ngọc: "Nếu sống vì mục đích mang lại điều tốt đẹp cho người khác, giúp người khác phát triển, đưa xã hội đi lên thì theo tôi không có nghề gì hay và cao quý như ngành sư phạm". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo thầy Ngọc: “Những cái khuôn mẫu, hình tượng cao cả của ngành sư phạm xưa kia thì hiện nay lại làm cho cả xã hội phải giật mình, một số nhà giáo đạo văn, có trường hợp xâm hại học sinh, vài người mua bằng cấp, rồi người đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương lại can thiệp tiêu cực điểm thi trong thi cử như ở tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La…

Không ít những vụ ăn bớt cả tiền bữa trưa của học sinh, toàn những chuyện mang tiếng xấu như vậy thì thử hỏi ai còn dám bước chân vào nghề nữa?

Người ta vẫn nói Tiên học lễ - Hậu học văn, nhưng có nhiều trường hợp học sinh vô lễ, phạm lỗi trong nhà trường thì thầy cô đâu có dám xử lí? Ban giám hiệu còn che chắn, giải quyết êm thấm mọi chuyện để khỏi mất thành tích của nhà trường, vậy thì học sinh sẽ mất niềm tin vào chính những người dạy mình hàng ngày.

Xã hội cần phải tôn trọng tri thức, trí thức dạy làm người, họ là những người đi trước và khi đã tôn trọng những người thầy rồi thì họ mới cho con em mình theo học. Chứ người đi học lại thiệt thòi không bằng người đi buôn thì còn ai theo nữa? Mà cái sự học để thành tài, thành người là rất vất vả”.

Nếu được chọn lại tôi vẫn quyết theo nghề giáo

Thầy Ngọc nêu quan điểm: “Suy xét đến cùng thì những điều trái với quy luật cuộc sống sẽ dần bị đào thải, anh giả dối, tiêu cực…che đậy đến đâu đi nữa thì rồi cũng bị lộ ra và xã hội sẽ ghi nhận.

Cho nên không phải vì những điều tôi nêu trên, không vì những “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà cả xã hội được phép coi thường ngành sư phạm. Những người nhìn gần, thiển cận thì mới thấy không cần phải đi học mà theo nghề buôn bán, làm hàng giả…sẽ có thể giàu lên ngay.

Điều cốt lõi của vấn đề và quy luật của xã hội thì giới trí thức vẫn là những người có trách nhiệm với xã hội, với sự hùng mạnh của đất nước, bảo vệ lẽ phải, chỉ ra cái cần làm. Không có đội ngũ trí thức sẽ không làm được việc gì hết. Họ là tiên phong trong mọi lĩnh vực.

Trong xã hội thì những người giàu xổi, giàu nhanh, gian lận, mua bán bằng cấp…thì có thể hôm nay vẫn ổn nhưng ngày mai sự việc đã hoàn toàn khác. Xã hội nhìn vào sẽ thấy những hành động như vậy là không ổn, không bền và không ai học theo.

Đến giờ phút này tôi vẫn nói với học trò của mình rằng những người có trí thức, có đạo đức, có lương tâm trách nhiệm với xã hội thì vẫn sẽ mãi tồn tại, mà muốn có được những đức tính đó thì phải biết ơn những người thầy đã giúp chúng ta kiến thức từ những bước đi đầu đời.

Tôi dạy 11 khóa, mỗi khóa 3 lớp học sinh và tôi cũng đã hướng được cho rất nhiều em vào ngành sư phạm, giờ đây nhiều học trò cũng đã là đồng nghiệp của tôi, tôi vui lắm.

Nếu đứng ở góc độ mình được đi dạy thì mình dạy con, cháu, dạy lớp trẻ và đó là điều rất tốt. Tất cả những điều mà xã hội cho là hạn chế, gò bó trong sinh hoạt hàng ngày thì đó lại là những cái rất mẫu mực thể hiện bản chất của người thầy.

Với cương vị người thầy đi dạy người khác, vô hình đã giúp chúng ta phải sống gương mẫu, có một giới hạn về đạo đức, không thể thả mình xô bồ mà đó là những điều tốt, những điều xã hội rất cần.

Nếu anh sống vì mục đích mang lại điều tốt đẹp cho người khác, giúp người khác phát triển, đưa xã hội đi lên thì theo tôi không có nghề gì hay và cao quý như ngành sư phạm.

Thử hỏi có ngành nào cho đi vô điều kiện đâu, trong khi nhà giáo cho đi những kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm… những điều tốt đẹp cho bao thế hệ học sinh mà đâu có đòi hỏi quyền lợi.

Những người thầy chân chính, yêu nghề là cho đi hết kiến thức một cách vô tư để bao thế hệ học sinh trở thành những con người có ích cho xã hội. Vậy đó là cái hay của nghề giáo chứ sao lại bảo là không hay”.

Tùng Dương