Lương giáo viên là câu chuyện quanh quẩn, mãi không giải quyết đến nơi đến chốn được. Trong nhiều văn bản đã nêu rất rõ đó là, lương giáo viên phải được ưu tiên nhưng ưu tiên thế nào.
Khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta trở lại đúng định nghĩa của C.Mác về đồng lương đối với người lao động, nếu chưa làm được tất cả đội ngũ lao động thì hãy làm với đội ngũ làm công tác phụng sự xã hội như giáo viên, y tế, công an, quân đội, an sinh xã hội.
C.Mác nói lương phải đảm bảo cho người lao động đủ để tái sản xuất sức lao động xã hội của họ, tức là có thời gian nghỉ ngơi, có thể nuôi được bản thân và những người phụ thuộc.
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Nhưng đồng lương của ta chưa đúng với định nghĩa của C.Mác mà đang dừng ở trợ cấp xã hội thì đúng hơn.
Bản thân nhà giáo cũng là người lao động trong cơ chế thị trường thì phải được mặc cả tiền lương với cơ sở giáo dục chứ không phải tính theo hệ số đồng loạt như nhau hiện nay và chính điều này tạo ra căn bệnh thành tích thi đua giả vờ nhằm mục đích tăng lương.
Điều này theo ông đang làm rẻ rúng danh dự nhà giáo và không mang lại bất cứ sự phát triển nào cả.
“Một lần nữa tôi nhắc muốn làm thế nào cho tốt thì trường công sang học trường tư”, thầy Phạm Hồng Tung nói.
Thầy Tung lý giải, trường tư thục họ ký hợp đồng với giáo viên là có thương lượng, kể cả giáo sư ở nước ngoài cũng thế. Giáo viên không đạt thì bị trừ lương, vượt thì được thưởng và theo định kỳ rà soát lại để xem có thể tiếp tục hợp đồng không, nếu không thì trả mức thấp hơn, lúc đó giáo viên có quyền tiếp tục ở lại trường hoặc xin chuyển công tác, chẳng khác gì cầu thủ bóng đá.
Đó cũng là cách để người thầy cảm thấy vinh dự, tự hào mỗi khi nhận lương và mức thu nhập đó thể hiện sự công bằng, sòng phẳng, đúng năng lực của họ, nếu nhà trường trả đúng năng lực thì giáo viên có quyền chuyển công tác. Còn giáo viên công lập giờ vẫn theo hệ số của nhà nước, muốn tăng lương thì ra sức thi đua dạy giỏi, giáo viên giỏi, dự giờ...
“Tôi đề nghị một trong những chuyện phải bỏ ngay lập tức đó là dự giờ giáo viên hiện nay. Bởi tôi biết có chuyện, pử một số nơi, khi giáo viên được thông báo hôm nay có thầy cô của trường, phòng hay sở xuống dự giờ thì học sinh yếu kém được đi gửi ở lớp khác còn các bạn giỏi ở lớp khác thế chỗ vào đó.
Trong khi chúng ta tối kỵ dạy học trò giả dối trong môi trường giáo dục thì có nơi nhà trường, thầy cô cùng nhau dung túng cho trò giả dối. Đây là quả bom phá tan tất cả nỗ lực của ngành, do đó nếu phát hiện trường hợp nào thì cần xử lý thật nghiêm khắc, thật nặng”, thầy Tung nhấn mạnh.
Thầy Tung thông tin thêm: “Từ năm 1992 khi đi du học ở Đức thì điều đầu tiên tôi ngạc nhiên đó là họ bỏ chấm thi “rọc phách” từ lâu rồi mà không bao giờ kiện cáo nhau về tiêu cực, mất công bằng, đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ thì người khiến tôi sợ nhất chính là người hướng dẫn chứ không phải những người phản biện.
Còn ở ta thì đổi vị trí chỗ ngồi, đảo mã đề, chấm thi trên máy nhưng vẫn không trung thực, “giáo bất nghiêm, sư chi đọa” là thế, nền giáo dục ứng thí, chạy theo thành tích, bao giờ cũng hàm chứa yếu tố nảy sinh tiêu cực.
“Rất tiếc những tiêu cực này chủ yếu ở khối trường công lập còn ở trường tư thì phụ huynh bỏ tiền đầu tư cho con học hành nên họ có quyền mong muốn và yêu cầu giáo dục đó phải là thật, còn tốt đến đâu là do đầu tư của gia đình”, thầy Tung nhận định.