Chính phiếu đánh giá tiết dạy buộc giáo viên dự giờ phải soi mói đồng nghiệp?

02/11/2020 06:51
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những quy định đánh giá tiết dạy chủ yếu nhắm vào giáo viên bảo sao người dự giờ lại không phải để ý từng lời ăn tiếng nói, từng cách đi cách đứng của người dạy..

Nói đến việc dạy dự giờ, nhiều giáo viên nói với chúng tôi chưa bao giờ sợ phải dạy dự giờ thao giảng cả. Cái điều họ không thích là bị đồng nghiệp góp ý theo kiểu soi mói.

Có người còn bức xúc, người góp ý không đặt mình vào vị trí người dạy nên góp ý đồng nghiệp rất nhiều, đôi khi góp ý rất hay nhưng đến bản thân dạy lại chẳng thể thực hiện được những điều mình đã từng góp ý.

Những quy định trong phiếu dự giờ thế này, bảo sao giáo viên ngồi dự không chú ý nhiều đến hoạt động của giáo viên? (Ảnh: Phan Tuyết)

Những quy định trong phiếu dự giờ thế này, bảo sao giáo viên ngồi dự không chú ý nhiều đến hoạt động của giáo viên? (Ảnh: Phan Tuyết)

Tuy thế, lỗi góp ý tiết dạy theo hướng nhắm vào hoạt động của người dạy là chủ yếu mà bỏ qua việc phải tập trung vào hoạt động của học sinh là do giáo viên buộc phải thực hiện theo phiếu đánh giá tiết dạy dự giờ hiện nay ở các trường học.

Quy định trong phiếu đánh giá tiết dạy buộc giáo viên dự giờ phải soi mói đồng nghiệp?

Hiện phiếu đánh giá giờ dạy mà giáo viên nhiều trường học đang thực hiện đều được thiết kế theo một mẫu chung.

Phiếu có 4 cột để ghi các hoạt động hướng dẫn học, đó là thời gian, hoạt động giáo viên, hoạt động học sinh, ghi chú.

Yêu cầu bắt buộc, khi nhận xét tiết dạy, giáo viên phải bám vào 4 lĩnh vực: Kiến thức; Kĩ năng sư phạm; Thái độ sư phạm; Hiệu quả.

Từng lĩnh vực này đều có các tiêu chí rõ ràng nhưng chủ yếu là đánh giá giáo viên.

Ví như lĩnh vực Kĩ năng sư phạm yêu cầu đánh giá trên các tiêu chí:

2.1. Hướng dẫn học/giao việc đúng đặc trưng bộ môn, đúng loại bài (lí thuyết, luyện tập, thực hành, ôn tập…).

2.2. Vận dụng phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học phù hợp với các đối tượng theo hướng phát huy tính tự học, mô tả và trình bày, năng động sáng tạo của học sinh.

2.3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học theo thông tư đánh giá học sinh hiện hành.

2.4. Xử lý các tình huống sư phạm phù hợp với đối tượng, có hiệu quả và tác dụng giáo dục.

2.5. Sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học (kể cả tự làm) thiết thực, có hiệu quả.

2.6. Ngôn ngữ mạch lạc, truyền cảm, chữ viết đúng, trình bày bảng hợp lý (nếu có).

2.7. Phân bố thời gian hợp lý phù hợp với nội dung từng hoạt động và thực tế lớp học.

Lĩnh vực thái độ sư phạmyêu cầu đánh giá trên các tiêu chí:

3.1. Tác phong sư phạm chuẩn mực.

3.2. Tôn trọng đối xử công bằng với học sinh.

3.3. Kịp thời giúp đỡ học sinh có khó khăn trong học tập, động viên để mỗi học sinh đều được phát triển năng lực tự học, hợp tác, tự điều chỉnh đúng hướng.

Với những quy định đánh giá tiết dạy chủ yếu nhắm vào giáo viên thế này thì bảo sao người dự giờ khi ngồi dự tiết dạy của thầy cô nào đó lại không phải để ý từng lời ăn tiếng nói, từng cách đi cách đứng…của người dạy cho được?

Cần xóa bỏ kiểu quy định dự giờ đánh giá tiết dạy mà chủ yếu nhắm vào hoạt động của người dạy, tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học

Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học được thực hiện theo chu trình 4 bước. Bước 2 là Tiến hành bài giảng minh họa và dự giờ được quy định rất rõ ràng:

Giáo viên dự giờ phải đảm bảo nguyên tắc: Không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh; Không gây khó khăn cho giáo viên dạy minh họa;

Khi dự giờ phải tập trung vào việc học của học sinh, cách phản ứng của học sinh trong giờ học, cách làm việc nhóm học sinh, những khó khăn vướng mắc, thái độ tình cảm của học sinh…Quan sát tất cả đối tượng học sinh, không được “bỏ rơi” một học sinh nào.

Giáo viên cần từ bỏ thói quen đánh giá giờ qua hoạt động của giáo viên dạy, người dự cần học tập, hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy. Đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện những khó khăn trong việc học của học sinh để tìm cách giải quyết.

Luyện tập cách quan sát và suy nghĩ về việc học của học sinh trong giờ học, có khả năng phán đoán nhanh nhạy, chính xác để điều chỉnh việc dạy phù hợp, việc học của học sinh.

Quy định rõ ràng như thế nhưng nhiều trường học hiện nay chưa áp dụng cách sinh hoạt chuyên môn như thế này mà vẫn trung thành với kiểu sinh hoạt, dự giờ góp ý tiết dạy của hơn 20 năm về trước.

Vì thế, dẫn đến tình trạng cả người dạy, người dự đều mệt mỏi do luôn phải đối phó lẫn nhau, đây cũng chính là nguyên nhân để những tiết dạy “diễn” ra đời và tồn tại mãi.

Phan Tuyết