Giải mật toàn bộ báo cáo của Bộ Giáo dục về Trường Đại học Tôn Đức Thắng

05/02/2021 10:28
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những kết quả có được của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ yếu nhờ sự đóng góp của cả tập thể nhà trường trong đó có vai trò quan trọng của ông Lê Vinh Danh.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Đoàn công tác liên ngành để rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trên tinh thần khách quan và xây dựng, vì sự phát triển của Trường, Đoàn công tác đã làm việc với nhiều bên liên quan và có hướng dẫn để Trường Đại học Tôn Đức Thắng triển khai, sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và ổn định các hoạt động.

Trên cơ sở kết quả làm việc của Đoàn công tác, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Phó Thủ tướng như sau:

Một là, về quá trình thành lập và hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Trường Đại học Tôn Đức Thắng được thành lập năm 1997 là một trường dân lập do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và đầu tư, năm 2003 được chuyển đổi thành trường bán công trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2008 được chuyển thành trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây viết tắt là Tổng liên đoàn).

Từ ngày thành lập cho đến nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được giao quyền tự chủ cao trong nhiều lĩnh vực đồng thời tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Các cơ quan chủ quản hỗ trợ đầu tư đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng về tài chính, tài sản, thủ tục xin cấp đất và huy động vốn; thực hiện vai trò quản lý chủ yếu thông qua quy chế tổ chức và hoạt động, công tác tổ chức, nhân sự Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng trường) và Ban giám hiệu.

Trong các nhiệm kỳ trước đây, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Chủ tịch Tổng liên đoàn luôn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng trường.

Năm 2015, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Theo đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được thực hiện một số nội dung theo Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, căn cứ pháp luật về giáo dục đại học và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Khác với hầu hết cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong số ít trường đại học công lập và là trường duy nhất trong số 23 trường đại học thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP mà cơ quan quản lý trực tiếp không nằm trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Phát huy ưu thế của một trường đại học công lập được giao quyền tự chủ cao, trong những năm qua Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả được xã hội ghi nhận, đặc biệt trong đầu tư mở rộng khuôn viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất và môi trường học tập, thúc đẩy hội nhập và tăng vị trí xếp hạng quốc tế.

Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Những kết quả có được chủ yếu nhờ sự đóng góp của cả tập thể nhà trường trong đó có vai trò quan trọng của ông Lê Vinh Danh; đồng thời nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng liên đoàn; các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình điều hành hoạt động, lãnh đạo trường và cá nhân ông Lê Vinh Danh đã có những sai phạm tới mức bị kỷ luật; trong một thời gian dài Hội đồng trường và Ban giám hiệu chưa được kiện toàn theo quy định của pháp luật.

Hai là, về việc thành lập Hội đồng trường và kiện toàn Ban giám hiệu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34)

Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2014-2019 được công nhận vào ngày 03/11/2014, kết thúc nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng vào ngày 20/7/2019.

Trong thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 9/2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hai lần thực hiện quy trình thành lập Hội đồng trường nhưng không được Tổng liên đoàn công nhận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn trao đổi, hướng dẫn và cử cán bộ tham gia tổ công tác do Tổng liên đoàn thành lập vào giữa tháng 8 năm 2019, tuy nhiên Tổng liên đoàn đã không nhất trí với tập thể lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng về quy trình nhân sự Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường.

Do chưa thành lập được Hội đồng trường nhiệm kỳ mới và vì thế cũng chưa thực hiện được quy trình nhân sự Ban giám hiệu nhiệm kỳ mới, Tổng liên đoàn đã hai lần ra quyết định kéo dài thời gian nhiệm kỳ của Hội đồng trường và Ban giám hiệu trên cơ sở đề nghị của Hội đồng trường nhiệm kỳ 2014-2019, lần cuối theo quyết định đến khi có hướng dẫn của Chính phủ thực hiện Luật 34/2018/QH14 (Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2020).

Tổng liên đoàn cũng yêu cầu trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ khi có hướng dẫn của Chính phủ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có trách nhiệm thực hiện quy trình, thủ tục thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ mới theo đúng quy định.

Tại thời điểm Nghị định 99 có hiệu lực, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy trường và cá nhân đồng chí Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng.

Trong khi thời gian kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng trường và Ban giám hiệu đã hết, đại diện Tổng liên đoàn và tập thể lãnh đạo Trường đã có quyết định không phù hợp khi thống nhất tạm dừng triển khai thành lập Hội đồng trường cho đến khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Một phần do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cuối tháng 7/2020 Ủy ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới kết thúc quá trình kiểm tra và có thông báo kết luận.

Trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều công văn trao đổi và đôn đốc, tuy nhiên việc thành lập Hội đồng trường của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn chưa được triển khai, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ những bất ổn liên quan tới các nhân sự chủ chốt của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và căn cứ pháp lý khi Hội đồng trường nhiệm kỳ cũ không còn hoạt động.

Tháng 8/2020, sau khi có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh, Tổng liên đoàn mới có quyết định giao cho ông Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019, thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động nhà trường, là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của Trường Đại học Tôn Đức Thắng; được thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và theo quy định của pháp luật.

Ba là, về hướng giải quyết các vấn đề thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc hiện nay của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc triển khai thành lập Hội đồng trường và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý bao gồm:

Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa được ban hành mới để cập nhật các quy định phù hợp với Luật 34. Theo quy định của Nghị định 99, trong trường hợp này tập thể lãnh đạo sẽ phải thống nhất được với đại diện Tổng liên đoàn và các thành viên đương nhiên khác của Hội đồng trường một số nội dung chi tiết về cơ cấu, số lượng và quy trình giới thiệu, bầu thành viên Hội đồng trường.

Tập thể lãnh đạo có vai trò chỉ đạo quy trình thành lập Hội đồng trường, nhưng hiện nay chỉ có 03 người, trong đó 02 người là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy trường và 01 người thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng. Đảng ủy trường nhiệm kỳ mới chưa được bầu nên Đảng ủy trường nhiệm kỳ 2015-2020 được lưu nhiệm, trong đó có nhiều người đã bị kỷ luật đảng.

Quy hoạch các chức danh Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khác chưa được phê duyệt. Nhân sự dự kiến được phê duyệt quy hoạch chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, công nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý (nhất là về tiêu chuẩn cao cấp lý luận chính trị). Quy trình xem xét kỷ luật, khiếu nại về hình thức kỷ luật của các cấp có thẩm quyền đối với một số đảng viên, cán bộ chủ chốt có thể còn kéo dài.

Việc điều hành Trường Đại học Tôn Đức Thắng được giao cho một viên chức là Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019 nhưng hiện không có chức danh lãnh đạo, quản lý chính thức nên gặp nhiều khó khăn.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường chưa đồng thuận việc quyết định hay không quyết định giao Quyền Hiệu trưởng cho một người trong thời gian chưa có Hội đồng trường.

Việc lựa chọn một nhân sự đứng đầu bộ máy lãnh đạo, quản lý ngay trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Thực tế cho thấy, uy tín đối với đội ngũ cán bộ, viên chức cũng như vai trò và ảnh hưởng đối với sự phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng của cá nhân đồng chí Lê Vinh Danh là khá lớn so với các đồng chí khác trong bộ máy lãnh đạo, quản lý Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Thứ hai, kến nghị hướng giải quyết

Để giải quyết những khó khăn trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5363/BGDĐT-TCCB ngày 11/12/2020 gửi Trường Đại học Tôn Đức Thắng hướng dẫn thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý theo hướng như sau:

- Tập thể lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẩn trương thực hiện quy trình thành lập Hội đồng trường, trong đó để khuyết một số vị trí thành viên đương nhiên. Nếu chưa có nhân sự đáp ứng ngay tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Chủ tịch Hội đồng trường thì chỉ thực hiện giới thiệu và bầu các thành viên Hội đồng trường và đề nghị Tổng liên đoàn công nhận Hội đồng trường; chưa tiến hành thủ tục giới thiệu và bầu Chủ tịch Hội đồng trường.

- Sau khi thành lập, Hội đồng trường thống nhất với tập thể lãnh đạo quy trình giới thiệu nhân sự và quyết nghị giao một người phù hợp đảm nhiệm vị trí Quyền Hiệu trưởng từ nguồn nhân sự tại chỗ; hoàn thiện và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động mới, trong đó bổ sung tiêu chuẩn và quy trình nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với quy định của Đảng, quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng liên đoàn.

Thực hiện quy trình giới thiệu và bầu Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Hội đồng trường; quy trình bổ nhiệm một số vị trí Phó Hiệu trưởng để Trường Đại học Tôn Đức Thắng sớm ổn định hoạt động.

- Khi có nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn Hiệu trưởng thì có thể thực hiện quy trình nhân sự Hiệu trưởng và bổ sung thành phần đương nhiên trong Hội đồng trường. Khi có nhân sự đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường thì thực hiện quy trình giới thiệu bổ sung, kiện toàn Hội đồng trường; tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng trường và đề nghị Tổng liên đoàn công nhận.

Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Đảng ủy trường xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên về việc xem xét các tiêu chuẩn, vận dụng giải quyết cho phù hợp đặc điểm thực tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp về việc tạm đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh như sau:

Trong thời gian qua, bên cạnh việc chưa thành lập được Hội đồng trường và chưa kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt như báo cáo của Đoàn công tác đã làm rõ, một số vấn đề khác của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng được các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội và xã hội quan tâm, đặc biệt việc tạm đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh.

Thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo như sau:

Luật Giáo dục đại học năm 2012 có quy định về hình thức xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục đại học (Điều 71), nhưng không quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm.

Luật số 34 có quy định về việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học công lập (khoản 10 Điều 1), nhưng cũng không có quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục tạm đình chỉ công tác và kỷ luật hiệu trưởng.

Tuy nhiên, ông Lê Vinh Danh là đảng viên và khi giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn là viên chức quản lý nên việc xử lý vi phạm được áp dụng theo quy định của Đảng, Luật Viên chức và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, khoản 5 Điều 52 Luật Viên chức quy định: “Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức”. Khoản 1 Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức quản lý. Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng.

Ông Lê Vinh Danh được Tổng liên đoàn bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng theo Quyết định số 789/QĐ-TLĐ ngày 02/7/2014.

Tại thời điểm tháng 8/2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường theo quy định tại Luật số 34, Tổng liên đoàn đã áp dụng Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; đồng thời căn cứ kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, khoản 1 Điều 71 Luật phòng chống tham nhũng và khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP để ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh do có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ngày 17/9/2020, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 04-QĐ/ĐUK thi hành kỷ luật đồng chí Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Khoản 6 Điều 2 Quy định số 102-QĐ/TW quy định:

“Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể”.

Tại thời điểm tháng 10/2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường theo quy định tại Luật số 34 và cũng không có khả năng thành lập Hội đồng trường theo Luật số 34 trong thời hạn 30 ngày, Tổng liên đoàn đã áp dụng Khoản 1 Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP và những quy định liên quan khác để tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh.

Thùy Linh