Đánh giá các vấn đề của Đại học Tôn Đức Thắng cần tổng kết Đề án 158

12/01/2021 13:17
Trung Hiếu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ quan có thẩm quyền tổng kết Đề án này là cơ quan đã phê duyệt Đề án chứ không phải ai khác, PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

LTS: Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là một số ít cơ sở giáo dục đại học được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá là mô hình tự chủ đại học khá thành công, đồng thời Hiệp hội đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà trường. Tuy nhiên, những biến cố vừa qua xảy ra tại TDTU đang gây ra không ít khó khăn trong hiện tại cũng như tương lai của cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ toàn diện này, nhất là khoảng 2000 sinh viên đã ra trường 4 tháng nhưng chưa thể nhận bằng tốt nghiệp khi Hiệu trưởng bị cơ quan chủ quản cách chức.

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội để giúp quý bạn đọc quan tâm có thêm thông tin, góc nhìn để hiểu thêm về TDTU cũng như khó khăn, thách thức đối với tự chủ đại học của đất nước trong thực tiễn.

- PV: Thưa PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, năm 2020 TDTU xảy ra khá nhiều biến cố khiến dư luận quan tâm đến giáo dục đại học, đặc biệt là tự chủ đại học rất quan ngại với nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong bối cảnh đó Hiệp hội vẫn thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho trường này, chắc hẳn TDTU có thành tựu gì đặc biệt?

- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Năm 2019 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đến thăm Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng tôi rất ngạc nhiên ở Việt Nam đã có một trường đại học có môi trường giáo dục không kém gì các trường đại học rất tốt ở trên thế giới. Sau đó, Hiệp hội đã có nhiều lần gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các đồng chí đã từng đến thăm Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cũng có nhận xét như vậy. Tuy nhiên năm 2020, TDTU xảy ra nhiều biến cố, nhưng cũng thời gian này Trường tiếp tục được tăng hạng rất ấn tượng bởi các tổ chức đánh giá, kiểm định và xếp hạng đại học quốc tế uy tín. Ví dụ:

Trong bảng xếp hạng các đại học phát triển bền vững nhất thế giới năm 2020 của Tổ chức xếp hạng UI GreenMetric World University Ranking (UI GreenMetric) TDTU đã tăng 82 bậc so với thứ hạng năm 2019; đứng thứ 83 (với tổng điểm 7675) trong tổng số 992 đại học trên toàn thế giới tham gia bảng xếp hạng; thuộc TOP 10% toàn cầu.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xem như một cơ sở giáo dục đại học tự chủ toàn diện khá thành công, ảnh minh họa, nguồn: TDTU.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xem như một cơ sở giáo dục đại học tự chủ toàn diện khá thành công, ảnh minh họa, nguồn: TDTU.

Những kết quả mà TDTU đạt được không phải chuyện một sớm một chiều, mà là thành quả của sự nỗ lực liên tục; sự cố gắng vượt bậc; cùng cơ chế quản trị hiệu quả của toàn thể cán bộ giáo viên, sinh viên dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Nhà trường và người đứng đầu chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch kế hoạch 30 năm (2007-2037) phát triển Đại học bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Đại học Tôn Đức Thắng, TDTU ngày nay) thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 500 đại học tốt nhất thế giới.

Chỉ trong 13 năm (kể từ 2007) phát triển đúng hướng, quản trị xuất sắc và quyết tâm, TDTU đã bước vào hàng ngũ những đại học hàng đầu của những nước tiên tiến. Tôi tin với đà này, nếu không có những biến động vừa qua thì có lẽ chỉ cần khoảng 3 năm nữa TDTU sẽ đạt đích đại học trong TOP 500 tốt nhất thế giới.

Đây là một minh chứng sống động và thiết thực nhất về sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương tự chủ đại học mà Đảng, Nhà nước đang quyết liệt thúc đẩy. Đây cũng là lý do tại sao Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho TDTU.

- PV: Vậy theo PGS, những gì đã và đang xảy ra tại TDTU, nhất là với người đứng đầu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 30 năm đang giúp trường phát triển ngoạn mục, dù mới chỉ thực hiện hơn nửa chặng đường, sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến tương lai phát triển của Trường nói riêng và chủ trương tự chủ đại học nói chung?

- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, mô hình tự chủ thành công tại TDTU có tiếp tục giữ được và phát triển hay không, phụ thuộc vào cách ứng xử với người xây dựng và quyết liệt triển khai kế hoạch 30 năm ấy như thế nào; bởi vì nếu thiếu thuyền trưởng đủ đức đủ tài, thì con thuyền tự chủ đại học rất dễ bị nhấn chìm trong bão tố, khó vượt qua được những sự xung đột lợi ích giữa cơ chế quản lý cũ - cơ chế chủ quản, với cơ chế quản lý mới - tự chủ đại học; rất đáng để nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo, không chỉ cho TDTU, mà cho nền giáo dục đại học Việt Nam phát triển bền vững nói chung.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ảnh: Thùy Linh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ảnh: Thùy Linh.

Câu chuyện của TDTU vì thế không còn là câu chuyện của Hiệu trưởng, của Đảng ủy với cơ quan chủ quản, mà là câu chuyện giữa “tự chủ hay không tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập? đổi mới giáo dục hay quay lại như cũ hoặc chỉ đổi mới nửa vời? vấn đề phù hợp giữa thực tiến phát triển và luật pháp hiện hành.

Những câu hỏi này đang rất cần câu trả lời.

Vào năm 2008, TDTU là một trường nhỏ cả về quy mô nhân lực, sinh viên, ngành nghề, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; và không có gì về khoa học-công nghệ. 10 năm sau, mọi cái đã thay đổi một cách không thể tưởng được. Tháng 7/2008, tổng đội ngũ nhân sự Trường có 360 người, đến cuối 2018, Trường đã có đội ngũ 1.340 cán bộ, giảng viên, viên chức. Nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất Nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%.

Về đầu vào, trước 2008, TDTU mỗi năm tuyển sinh hơn 1.000 sinh viên cho 12 ngành học ở cả 04 bậc đào tạo (sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp). Tỷ lệ sàng lọc đầu vào lúc đó bắt đầu từ chỗ lấy 1 người nhập học từ 1 thí sinh dự tuyển (1 chọi 1). Sau 10 năm (2018), mỗi năm trường tuyển sinh trên dưới 6.000 sinh viên với quy mô đào tạo hơn 23.000 học viên, sinh viên học tập trung trong 27 ngành đào tạo tiến sĩ, 18 ngành cao học, 39 ngành đại học, 23 ngành cao đẳng, 17 ngành trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ sàng lọc trong 3 năm gần đây là chọn lấy 1 sinh viên từ 10 thí sinh dự tuyển.

Với khởi đầu gần như bằng những bàn tay trắng, không có ngân sách nhà nước; chỉ có một ít đầu tư từ Tổ chức công đoàn Việt Nam, TDTU sau 21 năm làm việc kiên cường đã xây dựng và tích lũy được một tổng tài sản khổng lồ cho đất nước khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.

Điều đặc biệt là, trong vòng 10 năm, TDTU mặc dù là trường công được tự chủ quyết định mức thu học phí, nhưng Trường áp dụng chính sách học phí ổn định trong nhiều năm (2008-2014) với mức bình quân học phí đại trà 10 triệu đồng/năm/sinh viên. Đây là mức thu học phí thấp hơn rất nhiều so với các trường đại học ngoài công lập, và cũng nhiều trường đại học công lập.

Sự thành công của Trường về chất lượng giáo dục, khoa học-công nghệ là thực tiễn rất rõ ràng về tính đúng đắn của chủ trương thí điểm tự chủ đại học.

- PV: PGS có thể cho biết, TDTU thực hiện tự chủ theo cơ sở pháp lý nào?

- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đổi tên Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng (công lập) và chuyển "chủ quản" từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 3995/VPCP-KGVX ngày 18/06/2008 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của TDTU, theo đó:

Trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước và từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của Trường. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như một trường đại học ngoài công lập.

Trên cơ sở chỉ đạo này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại Quyết định số 820/QĐ-TLĐ ngày 18/6/2010. Khoản 1, Điều 7 của Quy chế này quy định:

"Hội đồng trường là cơ quan quản trị, đại diện chủ sở hữu đối với Trường; Hội đồng trường quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Trường được Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng liên đoàn".

Ngày 27/11/2014, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có Tờ trình số 1653/2014/TĐT-TT gửi Thủ tướng Chính phủ, đăng ký được vận dụng thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2 đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất các nội dung kiến nghị tại Tờ trình số 1653/2014/TĐT-TT gửi Thủ tướng Chính phủ; kính đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Trường Đại học Tôn Đức Thắng được vận dụng thí điểm đổi mới cơ chế giai đoạn 2.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chỉ đạo, xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng phù hợp với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện giai đoạn 2 theo tinh thần của Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.

Trên cơ sở văn bản đồng thuận nói trên của Tổng liên đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 về việc phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017. Khi Nghị quyết 77/NQ-CP sắp kết thúc thời gian; để có cơ sở cho các đại học đã và đang thí điểm theo từng quyết định phê duyệt đề án riêng của Thủ tướng Chính phủ (thí dụ Quyết định 158/QĐ-TTg của Trường đại học Tôn Đức Thắng) tiếp tục hoạt động, ngày 09/11/2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10/2017 (Nghị quyết 117/NQ-CP), theo đó:

Đối với các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được giao thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ tiếp tục thực hiện cho tới khi có Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập và Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành.

Như vậy, cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý của quyền tự chủ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng là rất rõ ràng, có tính liên tục từ năm 2008 đến nay; và ngày càng hoàn thiện.

Trong vai trò Bí thư Đảng ủy TDTU nhiệm kỳ 2015-2020, Giáo sư Lê Vinh Danh đã quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong vai trò Hiệu trưởng, Tôi cho rằng Giáo sư Lê Vinh Danh có nhiều cố gắng lãnh đạo trường thực hiện tốt Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 - 2017 nói riêng, Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 nói chung.

Vì thế, đánh giá các vấn đề liên quan đến Giáo sư Lê Vinh Danh trong vai trò Bí thư đảng ủy kiêm Hiệu trưởng TDTU cần căn cứ vào các nghị quyết trên của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Đề án 158. Nhận định Giáo sư Lê Vinh Danh làm đúng hay sai, làm tốt hay chưa tốt, trước hết phải tổng kết Đề án 158, vì ông là người thực hiện đề án này. Cơ quan có thẩm quyền tổng kết Đề án này là cơ quan đã phê duyệt Đề án chứ không phải ai khác.

Trên cơ sở đó, những gì đã làm đúng, làm tốt cần tiếp tục bảo vệ và phát huy; những gì làm chưa tốt với Đề án nhưng có hiệu quả trong thực tiễn cần được bổ sung hành lang pháp lý trong giai đoạn tiếp theo, những gì chưa đúng, chưa hiệu quả thì cần chấn chỉnh. Có như vậy, những bùng nhùng vừa qua mới được giải quyết tận gốc, chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước cũng như mô hình tự chủ thành công tại TDTU mới được bảo vệ và phát triển.

- PV: Trân trọng cảm ơn PGS!

Trung Hiếu