Hợp đồng thỉnh giảng, cách Bà Rịa-Vũng Tàu giải bài toán thiếu giáo viên

17/03/2021 06:44
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xét trong tình hình nếu địa phương nào đang thiếu giáo viên thì đây được xem là giải pháp tốt nhất nhưng chỉ nên coi đó mang tính tạm thời.

Nhiều địa phương hiện nay đang có tình trạng thiếu giáo viên. Và một giải pháp được Quảng Ngãi đề xuất là một giáo viên có thể dạy nhiều trường.

Có địa phương đã giải quyết việc thiếu giáo viên bằng việc ký hợp đồng thỉnh giảng.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ về đề xuất phương án giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Cô Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Báo bariavungtau.com.vn

Cô Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Báo bariavungtau.com.vn

Cô Châu cho hay: “Thỉnh giảng thực chất là hình thức dạy trước giờ đã được Bộ Giáo dục cho phép. Tuy nhiên, trong thỉnh giảng nó có hai dạng đó là, loại hợp đồng với giáo viên là viên chức, trong dạng hợp đồng này thì yêu cầu giáo viên đó phải đảm bảo và ưu tiên thời gian dạy của mình ở trường chính. Mục đích làm sao, việc dạy đó không trùng với thời gian mà giáo viên đó ký hợp đồng thỉnh giảng với trường thứ 2 là được.

Và một loại hợp đồng thỉnh giảng nữa là ký với giáo viên chưa phải là viên chức, thì nó sẽ được ký theo dạng hợp đồng lao động. Việc này trong thông tư 44/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục cũng đã đề cập cụ thể.

Vì thế, khi nói đến mặt tích cực, lợi hại của việc này thì cũng cần xét đến chuyện, giáo viên đó có phải là viên chức hay không. Nếu viên chức đó dạy chính cố định vào buổi sáng thì họ hoàn toàn có thể ký hợp đồng thỉnh giảng với trường khác vào buổi chiều.

Tóm lại, nếu nó không ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng dạy ở trường chính của họ là được. Trong hợp đồng thỉnh giảng, cũng như thông tư 44 cho phép các giáo viên có thể làm các việc đó bình thường, không phạm luật”.

Nêu quan điểm về việc nên hay không duy trì việc làm này hoặc có nên mở rộng mô hình này cho các địa phương khác có thể làm đại trà, cô Châu cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, xét trong tình hình nếu địa phương nào đang thiếu giáo viên thì đây được xem là giải pháp tốt nhất nhưng chỉ nên coi đó mang tính tạm thời.

Bởi có những giáo viên họ có thâm niên công tác, nếu họ cân đối được thời gian, đem kiến thức của mình truyền giảng cho nhiều nơi, đem chất lượng môn học đó đi lên là điều hoàn toàn ai cũng muốn.

Tuy nhiên, tính về lâu dài thì bắt buộc các trường, các địa phương vẫn phải tính đến chuyện làm sao để có thể đáp ứng đủ giáo viên giảng dạy các bộ môn trong trường của mình. Việc thỉnh giảng ở một trường mà cứ để kéo dài mãi là không hay và để lại không ít hệ luỵ.

Việc chủ động nguồn giáo viên nó sẽ đảm bảo được chất lượng bài giảng và sức khoẻ cho giáo viên đó. Không những thế, thỉnh giảng thường chỉ áp dụng với một số bộ môn nhất định bị thiếu giáo viên, các giáo viên bộ môn còn lại nơi nào cũng đủ, các trường không có nhu cầu. Bộ phận giáo viên này sẽ có tâm lý so sánh với các giáo viên được thêm tiết dạy về chuyện kinh tế, rất dễ gây mất đoàn kết, ganh tị”.

Đánh giá về hiện trạng “chia sẻ giáo viên” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cô Châu cho biết: “Từ một vài năm nay, chúng tôi đã có những hướng dẫn cụ thể và cho phép việc thỉnh giảng theo thông tư 44 của Bộ Giáo dục diễn ra trong một số trường của tỉnh. Nơi nào thiếu giáo viên thì căn cứ vào đề xuất của nhà trường chúng tôi sẽ xem xét và tạo điều kiện. Tất nhiên, con số các trường ở Bà Rịa – Vũng Tàu phải dùng đến mô hình này là rất ít.

Như tôi đã nói ở trên, nếu như giáo viên nào có thể cân đối được việc giảng dạy ở trường cũ và trường mới một cách hài hoà, đảm bảo chất lượng tiết học thì có thể ký hợp đồng thỉnh giảng.

Việc thỉnh giảng với giáo viên của tỉnh cũng bắt nguồn từ cách đây hai năm trước, khi ấy chúng tôi gặp khó khăn trong việc triển khai tiếng Anh 4 tiết cho bậc học từ lớp 3 trở lên. Do đó mới dẫn đến tìn trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở một số trường trong địa bàn tỉnh.

Trước tình thế đó, chúng tôi nghĩ đến phương án thỉnh giảng, tuy nhiên trước khi bắt tay vào việc này chúng tôi cũng phải họp bàn và đọc đi đọc lại rất nhiều lần hướng dẫn, cơ sở căn cứ của Chính phủ, của Bộ Giáo dục để đưa ra những quyết định thật đúng đắn.

Đến thời điểm hiện tại thì việc thiếu giáo viên cũng đã được chúng tôi tập trung cải thiện rất nhiều. Việc hợp đồng thỉnh giảng chỉ phải buộc áp dụng một vài địa phương, con số rất ít.

Trong việc này, nó còn liên quan đến cả hợp đồng nghỉ thai sản mà chúng tôi cũng tính đến trong các phương án dự phòng. Nghĩa là, để đảm bảo được thông suốt đội ngũ giáo viên các bộ môn còn thiếu, chúng tôi sẽ cho các trường xem xét, theo dõi.

Nếu giáo viên đang trong thời gian hợp đồng thỉnh giảng mà phải nghỉ sinh, trường đó phải đề xuất tìm kiếm giáo viên thay thế. Làm sao để không bị động và gián đoạn nguồn giáo viên. Các môn hiện tại chúng tôi đang còn thiếu giáo viên và phải dùng đến hợp đồng thỉnh giảng đó là: Môn tiếng Anh, Thể dục, Mỹ thuật”.

Trung Dũng