Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28, 32/2020/TT-BGDDT Ban hành Điều lệ trường Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nhiều cấp học, giáo viên trên cả nước rất phấn khởi vì tử nay giáo án sẽ được quản lý và sử dụng dạng điện tử, sẽ giảm được phần in giáo án gây tốn kém, lãng phí so với trước đây.
Thế nhưng, niềm vui đó không đến với tất cả giáo viên trên cả nước, vẫn còn đó một số địa phương... trung thành với giáo án giấy, vẫn coi giáo án giấy là... pháp lệnh.
Cơ sở giáo dục thì không dám mạnh dạn áp dụng thông tư, Sở giáo dục thì “không thấy con khóc nên mẹ không cho bú”, không có văn bản chỉ đạo, cứ thế, trên “rải thảm” dưới “rải đinh” giáo viên vẫn phải in giáo án.
Sử dụng giáo án điện tử sao... cắt văn phòng phẩm giáo viên?
Ở một số địa phương thực hiện hồ sơ điện tử, lại nảy sinh vấn đề khác, giáo viên đã sử dụng hồ sơ điện tử nên nhà trường ... cắt tiền văn phòng phẩm của giáo viên!
Phần đa trường học hiện nay trên cả nước đều không có máy tính cho giáo viên soạn bài. Để có hồ sơ điện tử, giáo viên cần có máy tính, đường truyền internet, hai điều kiện này đều do giáo viên bỏ tiền túi đầu tư.
Như vậy, dù không in giáo án, giáo viên cũng phải mất tiền mới có được hồ sơ điện tử nộp cho nhà trường kiểm tra. Chỉ khác là, số tiền đó chi hợp lý, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, không gây lãng phí xã hội.
Vì vậy cắt văn phòng phẩm của giáo viên khi sử dụng hồ sơ điện tử là vô lý, máy móc, thể hiện sự thiếu quan tâm chia sẻ của lãnh đạo nhà trường với giáo viên, cũng như thiếu thực tế cuộc sống.
Sử dụng giáo án điện tử sao... cắt văn phòng phẩm giáo viên? (Ảnh minh hoạ: Hoatieu.vn) |
Tiền văn phòng phẩm của giáo viên được quy định như thế nào?
Hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định về việc tiền văn phòng phẩm của giáo viên mỗi tháng, mỗi năm là bao nhiêu.
Bên cạnh đó cũng chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định về việc giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử là không được cấp tiền văn phòng phẩm.
Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thì văn phòng phẩm của giáo viên là khoản chi thường xuyên.
“Chi thường xuyên: - Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý
Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;
Đối với các nội dung chi chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.”[1]
Theo Thông tư 71/2014/TTLT-BTC-BNV về Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
Chi văn phòng phẩm: Đơn vị căn cứ vào mức kinh phí thực hiện của năm trước liền kề, xây dựng mức khoán kinh phí văn phòng phẩm (bút, giấy, sổ, bìa tài liệu...) theo đơn vị (Cục, Vụ, Phòng, Ban... chuyên môn), theo từng cá nhân, theo tháng, quý hoặc năm để thực hiện khoán.[2]
Như vậy, tiền văn phòng phẩm của giáo viên được chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế chi tiêu nội bộ do tập thể người lao động thảo luận, nhất trí, phù hợp thực tế và không trái với quy định của pháp luật.
Muốn cắt hay duy trì tiền văn phòng phẩm của giáo viên đều phải thay đổi quy chế chi tiêu nội bộ.
Vì thế, giáo viên và các cơ quan trong trường học phải lên tiếng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên. Giáo viên sử dụng giáo án điện tử vẫn được cấp tiền văn phòng phẩm là phù hợp quy định của pháp luật và thực tế cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-16-2015-nd-cp-tu-chu-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-41134.html
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-71-2014-TTLT-BTC-BNV-che-do-tu-chu-tu-chiu-trach-nhiem-su-dung-kinh-phi-nha-nuoc-235366.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả.