Một tuần in 30 bản giáo án để ký, giáo viên không đi mua thì sức đâu mà soạn?

30/11/2020 09:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên giảm quy định kiểm tra, ký duyệt giáo án thay bằng việc kiểm tra tiết dạy, giao chất lượng từng lớp cho giáo viên và nghiệm thu chặt chẽ đầu ra mỗi khối lớp.

Việc xin cho giáo án diễn ra trong ngành giáo dục đã trở thành chuyện bình thường. Nhưng vì sao giáo án phải đi xin, đi mua mà giáo viên không tự mình soạn?

Giáo viên phải mua bán, xin cho giáo án còn vì những lý do cụ thể sau:

Thứ nhất: Có những giáo viên nhiều năm liền chỉ dạy một khối lớp. Khi chỉ cần đọc tên bài trong sách giáo khoa là nói vanh vách nội dung bài, dạy thế nào, tổ chức lớp học ra sao sẽ hiệu quả…nhưng trong thực tế vẫn phải soạn giáo án, in ra để ký.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vậy là, người ta xin nhau giáo án và chỉ cần sửa lại ngày tháng, cắt dán theo thời khóa biểu dạy học hằng ngày của mình rồi để in ra ký cho đủ hồ sơ sổ sách còn khi dạy sẽ triển khai bài dạy theo ý của mình.

Thứ hai, giáo viên tiểu học một ngày dạy 7 tiết phải soạn tới 7 giáo án. Một tuần dạy 30 tiết đương nhiên phải có tới 30 cái giáo án. Nếu không mua hoặc xin giáo án soạn sẵn thì thầy cô giáo nào có đủ thời gian để ngồi soạn đủ mỗi tuần tới 30 cái giáo án đem nộp?

Thứ ba, hiện theo chương trình mới giáo án đã đổi mẫu (không còn quy định kiểu soạn cũ) nên giáo viên phải mua cho đỡ mất công ngồi soạn.

Thứ tư, một số địa phương lại liên tục thay đổi cách soạn giáo án. Có đồng nghiệp nói rằng, mới học kỳ năm nay, đã đổi 3 lần. Nào là Công văn 3280 nào, là thông tư 26 của Bộ Giáo dục, nào là đi tập huấn mỗi lần về làm mỗi lần đổi.

Việc này dẫn đến thay đổi luôn cả hệ thống kế hoạch. Mỗi giáo viên Toán và Văn ít nhất 8 đến 10 kế hoạch bài dạy 1 tuần, giáo viên tiểu học mỗi tuần cũng gần 30 cái giáo án. Ăn rồi chỉ lo soạn giáo án không kịp. Mà 1 giáo án điện tử cho tốt cũng phải mất 2 ngày, không mua sẽ soạn thế nào?

Đầu tư để soạn giáo án, giáo viên tiểu học có đủ thời gian?

Nếu giáo viên ở 2 bậc trung học một tuần chỉ phải soạn một vài bản giáo án dạy cho nhiều lớp (thậm chí có thầy cô soạn 1 giáo án dạy tới 8 lớp) thì giáo viên tiểu học mỗi ngày phải soạn nhiều nhất là 7 cái giáo án.

Một tuần cũng ngót nghét 30 cái giáo án hoặc hơn thế. Giáo viên có đủ thời gian, công sức để ngồi tự mình soạn hay không?

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh việc giáo viên ở huyện Kỳ Sơn một tuần phải soạn gần 30 giáo án viết tay (không cho soạn máy vì sợ giáo viên copy và chỉ với 2 thao tác cắt, dán).

Nhiều thầy cô giáo cho biết, sáng đi dạy từ 7 giờ đến 11 giờ trưa. Chiều đi từ 1 giờ 30 đến 5 giờ mới về đến nhà, về nhà là lao vào làm việc ngay để kịp ngồi vào bàn soạn bài. Từ 7 giờ tối đến 1-2 giờ sáng mới soạn xong giáo án trong ngày.

Hôm nào bài ít sẽ xong sớm hơn là 12 giờ. Một tuần phải soạn từ 29 đến hơn 30 cái giáo án mà chẳng làm được gì nữa.

Nếu dạy học cả ngày, không phải lo lắng thêm chuyện cơm áo, gạo tiền mà dành trọn buổi tối cho việc soạn 7 cái giáo án ngày mai lên lớp còn khó chứ nói gì đến việc bước chân ra khỏi cổng trường là bao việc còn bộn bề vây quanh.

Nhưng không thể lấy lý do không đủ thời gian để không soạn giáo án, không thể lấy lý do cuộc sống còn vất vả để được phép lơ là việc đầu tư chuyên môn. Có điều, ngành giáo dục cần có quy định thầy cô giáo nào được miễn soạn giáo án mà chủ yếu chỉ để ký? Giáo viên nào buộc phải thực hiện nghiêm túc?

Nên miễn giáo án cho giáo viên dạy 3 năm một khối lớp trở lên

Về lý thuyết, người giáo viên lên lớp giảng dạy phải có giáo án giống như người nông dân phải có con trâu cái cày. Thế nhưng, với nhiều nhà giáo hiện nay dạy học đã thoát ly giáo án mà tiết dạy vẫn đạt hiệu quả cao.

Chúng tôi khẳng định rằng, giáo viên xin cho hoặc mua giáo án không để nghiên cứu để dạy cho tốt mà mục đích để có giáo án cho tổ, cho trường, cho đoàn thanh tra khi cần.

Không có thầy cô giáo nào mua giáo án để nghiên cứu làm tư liệu dạy học. Bởi, để dạy hay, dạy tốt phải tự mình soạn, người khác soạn sao mình có thể dạy?

Bởi thế, cũng cần phải có quy định miễn soạn giáo án (cụ thể là miễn phải nộp cuốn giáo án để ký chứ thực chất nhiều giáo viên vẫn phải nghiên cứu bài trước khi dạy) cho giáo viên dạy một khối lớp từ 3 năm trở lên.

Nếu muốn kiểm tra tiết dạy, cần vào dự giờ đột xuất là biết ngay các thầy cô giáo ấy có soạn bài, nghiên cứu bài trước khi lên lớp hay không.

Với giáo viên mới ra trường, yêu cầu soạn đầy đủ và khá chi tiết. Nếu bộ giáo án được đánh giá tốt nhà trường cũng nên miễn soạn bộ mới mà dành thời gian cho giáo viên nghiên cứu bài dạy sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Trong thực tế, tiết dạy thành công hay không đâu phụ thuộc vào nội dung ghi trên từng trang giáo án? Vì tiết kiệm thời gian, giáo án chỉ ghi vắn tắt các bước lên lớp, quy trình dạy…lấy lệ để có cái chuyên môn kiểm tra.

Những kiến thức sẽ được triển khai trong tiết dạy như sử dụng phương pháp nào? Hình thức tổ chức lớp học ra sao? Triển khai tiết dạy thế nào…thầy cô thường hình thành ngay trong suy nghĩ của mình.

Bởi thế, giảm quy định kiểm tra, ký duyệt giáo án thay bằng việc kiểm tra tiết dạy, giao chất lượng từng lớp cho giáo viên và nghiệm thu chặt chẽ đầu ra mỗi khối lớp.

Chúng tôi nghĩ rằng, giáo viên nào cũng phải nỗ lực hết mình nghiên cứu bài dạy, giáo dục học sinh hiệu quả chứ không phải kiểu như hiện nay mua bán, xin cho để làm đẹp những bộ giáo án mà chất lượng giảng dạy lại ít được quan tâm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Phan Tuyết