Muốn có giáo dục THẬT, Bộ trưởng nên bắt đầu chấn chỉnh từ các cục vụ tham mưu

24/05/2021 06:53
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên hỏi một đằng thì được trả lời một nẻo, chưa kể cách trả lời của Bộ qua báo chí [2] [8] hay qua công văn [3] [4] đều rất có vấn đề.

Ngày 6/5, tại trụ sở Chính phủ, nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nêu rõ những kết quả, thành tựu đạt được, những mặt chưa được, các bài học kinh nghiệm, rút ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đột phá, tổng thể cho thời gian tới.

Về các kiến nghị cụ thể của Bộ, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT trao đổi, phân loại, làm rõ nội dung nào thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh theo Thông tư 26 gây phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)Phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh theo Thông tư 26 gây phản ứng mạnh mẽ từ phụ huynh Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xử lý, những vấn đề liên ngành, liên bộ thì cùng các bộ, cơ quan liên quan thảo luận, tháo gỡ. Vấn đề nào nằm tại các luật thì đề xuất, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung. [1]

Nên bắt đầu chữ THẬT từ chính các vụ, cục tham mưu của Bộ

Người viết không chỉ rất tâm đắc với quan điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải "học thật, thi thật, nhân tài thật", mà còn đặc biệt tán thành quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ về các kiến nghị cụ thể của Bộ.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin được nêu một vấn đề thời sự giáo giới cả nước đặc biệt quan tâm, thuộc thẩm quyền của Bộ mà Bộ trưởng có thể chỉ đạo làm ngay, để bắt đầu quá trình thúc đẩy chữ THẬT trong giáo dục.

Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học này sau mỗi học kỳ, các giáo viên phổ thông phải tập trung cao độ để viết từ hàng trăm đến hàng nghìn tờ phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh.

Khi vấn đề được phản ánh trên báo chí, ngày 15/5 Báo Tuổi trẻ đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản phủ nhận việc yêu cầu giáo viên viết phiếu nhận xét trong sổ theo dõi, học bạ cho học sinh với các môn học đánh giá bằng nhận xét như dư luận bức xúc. [2]

Tuy rất phấn khởi trước thông tin này, nhưng người viết và đồng nghiệp nhanh chóng thất vọng khi không thể tìm được văn bản hướng dẫn nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vào đó chỉ là một văn bản không số hiệu, con dấu và chữ ký, được cho là của Vụ Giáo dục trung học. [3] [4]

Về văn bản "không đầu, không đuôi" được cho là của Vụ Giáo dục trung học, ngày 21/5 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phỏng vấn luật sư phân tích khá đầy đủ về văn bản "thư công tác" đề ngày 14/5/2021, một loại văn bản không có trong các thể loại văn bản hành chính theo quy định của Nhà nước. [5]

Đến nay chưa thấy Vụ Giáo dục trung học có ý kiến gì về "thư công tác" này cũng như phân tích của luật sư. Chưa nghe được quan điểm chính thức của Vụ Giáo dục trung học, nhưng người viết đặc biệt quan tâm đến phản ánh của một bạn đọc lấy "nick name" là "CB quản lý" trong bài viết [5]:

Không chỉ riêng Vụ Trung học có "thư công tác" đâu, còn Vụ tiểu học và một số Vụ nữa. Cái này mới có từ vài năm nay, chỉ đạo theo kiểu "nói mà không thừa nhận", nhưng các Sở đều phải làm theo dù biết không có giá trị pháp lý, rất bực mình. Nhà báo cứ tìm hiểu thêm xem. Lỡ có chuyện gì thì phủi tay, còn ở dưới không làm thì "đã có thư công tác tại sao không làm".

Tò mò, người viết vào Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (moet.gov.vn) tìm kiếm từ khóa "thư công tác", thì thấy một "thư công tác" của Vụ Giáo dục trung học ngày 10/4/2020 triển khai kế hoạch phát sóng của Chương trình dạy học trên truyền hình, thư công tác này cũng không số hiệu, không chữ ký, không con dấu [6].

Giáo viên bức xúc thắc mắc một đằng, "Bộ Giáo dục" giải thích một nẻo?

Việc giáo viên phải ghi quá nhiều phiếu nhận xét đánh giá học sinh là đang thực hiện theo khoản 1 và khoản 2 điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, cụ thể:

1. Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 6 như sau:

"b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành [...]

2. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 6 như sau:

"a) Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số: nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học;".

Phản hồi về thông tin này, "Bộ Giáo dục và Đào tạo" đã có ý kiến như thế nào?

Do không thể tìm thấy thông tin liên quan trên cổng thông tin điện tử của Bộ [7], nên người viết đành tìm kiếm trên báo chí và Google. Báo VOV.vn [8] dẫn thông tin được cho là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết:

Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kỳ theo phân công của Hiệu trưởng; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi - đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.

Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kì, cả năm học và trực tiếp vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.

Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào 2 hồ sơ này.

Nội dung các báo phản ánh hướng dẫn được cho là của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất giống với hướng dẫn/chỉ đạo trong "thư công tác" không đầu, không đuôi được cho là của Vụ Giáo dục trung học [3] [4].

"Thư công tác" 4 không được cho là của Vụ Giáo dục trung học, nguồn: [3] [4]

"Thư công tác" 4 không được cho là của Vụ Giáo dục trung học, nguồn: [3] [4]

Giáo viên, các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương đang lúng túng trong việc áp dụng khoản 1 và khoản 2 điều 1 Thông tư 26 thì hướng dẫn được cho là của Vụ Giáo dục trung học lại hướng dẫn khoản 9 điều 1 Thông tư 26.

Nói cách khác là giáo viên hỏi một đằng thì được trả lời một nẻo, chưa kể cách trả lời của Bộ qua báo chí [2] [8] hay qua công văn [3] [4] đều rất có vấn đề. Cho nên hiện nay giáo viên đang rất rối não.

Nói như "thư công tác" này, ghi phiếu nhận xét không phải việc của giáo viên bộ môn, lẽ nào đó là việc của giáo viên chủ nhiệm? Ai sẽ thực hiện việc đánh giá, nhận xét theo khoản 1, khoản 2 điều 1 Thông tư 26?

Vậy nên, cách đặt vấn đề của bạn đọc "CB quản lý" không phải không có lý, với kiểu chỉ đạo qua "thư công tác 3 không - không số hiệu, không con dấu, không chữ ký" sẽ dẫn đến cái không thứ 4 - không ai chịu trách nhiệm, trả lời cho có?

Ngoài ra, truyền thông cũng đang phản ánh một vụ việc nghiêm trọng khác, dấu hiệu làm giả kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ chính một vụ chức năng của bộ này, liên quan trực tiếp đến một phó vụ trưởng [9].

Học trò "nhất quỷ nhì ma" làm giả văn bản của cơ quan chức năng thì người viết đã thấy, nhưng làm giả kế hoạch của Bộ xuất phát từ chính một cơ quan tham mưu cho Bộ thì đây là lần đầu tiên người viết nghe đến.

"Sư tử trùng thực sư tử nhục", chủa tể sơn lâm có khi không chết vì đối thủ bên ngoài, mà bởi chính những con vi trùng, vi khuẩn trên người của nó. Cho nên việc làm trong sạch bộ máy, làm THẬT bắt đầu từ chính các cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết nghĩ là việc làm cấp bách, khả thi và có thể làm ngay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://mpm.chinhphu.vn/hoat-dong/nganh-giao-duc-phai-vuon-len-manh-me-doi-moi-tu-duy-quan-ly-19976.html

[2]https://tuoitre.vn/khong-yeu-cau-viet-danh-gia-hoc-sinh-vao-so-theo-doi-hoc-ba-20210515191103373.htm

[3]https://thpt-tayninh.violet.vn/entry/ve-viec-trien-khai-danh-gia-bang-nhan-xet-theo-thong-tu-26-tt-bgddt-13061249.html

[4]http://thpthiepthanh.sgddtbaclieu.edu.vn/thong-bao/thu-cong-tac-cua-vu-giao-duc-ve-trien-khai-thong-tu-26..html

[5]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-giao-duc-trung-hoc-huong-dan-bang-van-ban-khong-so-khong-chu-ky-con-dau-post217910.gd

[6]https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=6605

[7]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/default.aspx

[8]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/buoc-giao-vien-nhan-xet-tung-hoc-sinh-vao-so-theo-doi-la-sai-quy-dinh-858178.vov

[9]https://nongnghiep.vn/vu-lam-gia-ke-hoach-26-lien-quan-den-mot-nu-pho-vu-truong-d291382.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM