Giáo viên thở phào vì không phải viết nhận xét cho hàng trăm học sinh

17/05/2021 06:30
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Giáo viên không phải nhận xét cho từng học sinh

Ngày 15/5/2021, Báo Thanh Niên dẫn văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh.

Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào sổ theo dõi đánh giá học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).

Bộ Giáo dục đề nghị các Sở giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và giáo viên hiện đúng quy định tại Thông tư 26; đặc biệt lưu ý giữ nguyên các mẫu sổ điểm và học bạ theo quy định hiện hành, không phát sinh thêm hồ sơ, sổ sách không thiết thực, gây quá tải cho giáo viên. [1]

(Ảnh minh hoạ: Kim Oanh)

(Ảnh minh hoạ: Kim Oanh)

Phải ghi nhận xét cho hàng trăm học sinh là vô lí

Năm học 2020-2021, giáo viên trên cả nước phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 1 như sau:

b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. [2]

Chiếu theo quy định này, trừ các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật thì giáo viên sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với tất cả các môn học còn lại.

Vậy nên, nhiều trường yêu cầu giáo viên phải có 2 loại sổ - “sổ ghi điểm” và “sổ theo dõi đánh giá học sinh” để ghi chép, nhận xét sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học. Cũng có trường chỉ quy định giáo viên một loại sổ - “sổ ghi điểm”, nhưng “chế” thêm phần nhận xét bên cạnh để giáo viên ghi chép lời nhận xét.

Còn giáo viên thì đa phần ghi nhận xét theo kiểu đối phó, không mất lòng ai, kiểu như “học có tiến bộ”, “cần cố gắng hơn trong học tập”…

Điều đáng nói là, với giáo viên dạy các môn ít tiết như Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Tin học… phải ghi nhận xét cho khoảng 500 đến 700 học sinh là quá vất vả.

Hơn nữa, giáo viên không thể theo dõi và nhớ tên hàng trăm học sinh thì làm sao có thể nhận xét cho chính xác? Chưa kể, việc nhận xét như thế này là không cần thiết, vì khi chấm bài, giáo viên đã ghi kèm lời phê chi tiết trên từng bài làm của học sinh.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều bài phản ánh về những bất cập của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT.

Chẳng hạn như các bài viết: “Quy định mới làm tăng áp lực sổ sách với giáo viên như thế nào? (11/11/2020); “Giáo viên bậc phổ thông bơ phờ với nhận xét học sinh cuối kì” (14/1/2021); “Giáo viên viết nhận xét mỏi tay chỉ để đủ thủ tục, học sinh không được đọc” (ngày 17/1/2021). [3], [4], [5]

Thế nhưng cho đến lúc kết thúc năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có văn bản chỉ đạo “không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh” là chậm trễ.

Dĩ nhiên, đây không phải là lỗi của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước mà do nội dung của văn bản chưa tường minh, khiến các cơ sở giáo dục hiểu sai, kéo theo giáo viên càng thêm gánh nặng về hồ sơ sổ sách.

Tuy vậy, giáo viên trên cả nước cũng rất cảm ơn Bộ Giáo dục đã lắng nghe những phản ánh về bất cập của việc đánh giá bằng nhận xét để kịp thời điều chỉnh sự bất hợp lí này.

Nhìn chung, hiện nay giáo viên chủ nhiệm đánh giá học sinh là hợp lí nhất, bởi thầy cô có điều kiện tiếp xúc, gần gũi các em qua từng giờ, từng ngày. Và cứ sau mỗi học kì, năm học, giáo viên chủ nhiệm đã nhận xét học sinh vào phiếu liên lạc và học bạ - thế là đủ.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/giao-duc/co-giao-vien-phai-ghi-hon-500-phieu-nhan-xet-hoc-sinh-bo-gd-dt-chan-chinh-1384053.html

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-viet-nhan-xet-moi-tay-chi-de-du-thu-tuc-hoc-sinh-khong-duoc-doc-post214895.gd

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-bac-pho-thong-bo-pho-voi-nhan-xet-hoc-sinh-cuoi-ki-post214530.gd

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quy-dinh-moi-lam-tang-ap-luc-so-sach-voi-giao-vien-nhu-the-nao-post213556.gd

Cao Nguyên