Áp chỉ tiêu tối đa 20% xuất sắc, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn quá thiệt thòi

25/06/2021 06:36
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Áp chỉ tiêu tối đa 20% tổ trưởng, tổ phó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là không đúng với Nghị định 90/2020/NĐ-CP, dễ khiến giáo viên giỏi bất mãn với công việc.

Giáo viên ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bức xúc phản ánh, Công văn số 78/NV-CBCC quy định các giáo viên giữ chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chỉ được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với số lượng tối đa 20% số lượng lãnh đạo, quản lý.

Thế nhưng, trước đó Công văn 3594/UBND-NV của Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch còn áp tỉ lệ xuất sắc cho hiệu trưởng, hiệu phó.

Công văn 3594/UBND-NV áp tỉ lệ xuất sắc cho hiệu trưởng, hiệu phó có đúng?

Ngày 11/6/2021, Phòng Nội vụ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) ban hành Công văn số 78/NV-CBCC về việc thực hiện tỷ lệ đánh giá, xếp loại viên chức lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập.

Nội dung công văn cho biết: “Thực hiện công văn số 3594/UBND-NV ngày 11/5/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch về việc xếp loại, đánh giá chất lượng tập thể và viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.

Theo đó, tỉ lệ không quá 20% lãnh đạo quản lí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thực hiện đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục và đào tạo công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện.” [1]

Sinh hoạt tổ chuyên môn trong trường học, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Sinh hoạt tổ chuyên môn trong trường học, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Như thế, Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch áp tỉ lệ không quá 20% lãnh đạo quản lí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thực hiện đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục và đào tạo công lập theo cá nhân người viết là không phù hợp với Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Ngày 13/8/2020, Chính phủ ra Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, Điều 12 tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quy định:

Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này;

b) Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao;

c) Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chi tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;

d) 100% đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. [2]

Từ 1/7/2020, hiệu trưởng không còn là công chức mà là viên chức quản lí. Vậy nên, hiệu trưởng, hiệu phó thỏa mãn các tiêu chí trên thì được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không bị khống chế số lượng %.

Sở Giáo dục áp tỉ lệ xuất sắc cho tổ trưởng, tổ phó dựa vào đâu?

Công văn số 78/NV-CBCC ngày 11/6/2021 của Phòng Nội vụ huyện Nhơn Trạch cho biết thêm, “ngày 7/6/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh ban hành Công văn số 2326/SGDĐT-TCCB về việc gửi công văn số 2481/SNV-QLBC&CCVC ngày 2/6/2021 của Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai về việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.

Trong đó quy định “tổ trưởng chuyên môn và tương đương, tổ phó chuyên môn và tương đương” được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% lãnh đạo quản lí.”

Theo quy định tại Mục IV Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT thì tại phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ trưởng chuyên môn và tương đương tại trường trung học phổ thông là 0,25; tại trường trung học cơ sở là 0,2; tại trường tiểu học và trường mầm non là 0,2. [3]

Vì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thuộc chức vụ lãnh đạo quản lí nên tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải dựa vào Điều 12 Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Một điều nữa mà người viết rất băn khoăn là, tương đương tổ trưởng/tổ phó chuyên môn ở trường công lập là các nhóm trưởng, khối trưởng. Nhóm trưởng, khối trưởng có thể hưởng phụ cấp theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị, không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định, trong khi phải kiêm nhiệm công việc.

Vậy thì, việc áp chỉ tiêu “tổ trưởng chuyên môn và tương đương, tổ phó chuyên môn và tương đương” được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% lãnh đạo quản lí” có vô lí không?

Áp chỉ tiêu 20% tổ trưởng, tổ phó xuất sắc dễ khiến giáo viên giỏi bất mãn công việc

Hiện nay, công việc của tổ trưởng/tổ phó chuyên môn được quy định tại Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.

Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn. [3]

Ngoài những nhiệm vụ trên, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn còn là đầu mối quản lý mà hiệu trưởng nhất thiết phải tập trung dựa vào đó để quản lý nhà trường trên nhiều phương diện, nhưng cơ bản nhất là hoạt động giáo dục, dạy học và các hoạt động sư phạm của giáo viên.

Đặc biệt, tổ trưởng/tổ phó còn là nơi tập hợp, đoàn kết, tìm hiểu nắm vững tâm tư, tình cảm và những khó khăn trong đời sống của các giáo viên trong tổ, kịp thời động viên, giúp đỡ tổ viên trong tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường học.

Như thế để thấy rằng, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn phải thực hiện một khối lượng lượng lớn công việc theo từng năm học. Nếu nếu tổ trưởng/tổ phó không giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu năng lực quản lí thì không thể nào hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vậy nên, nếu áp chỉ tiêu tối đa 20% tổ trưởng, tổ phó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo người viết không những không phù hợp với Nghị định 90/2020/NĐ-CP, mà còn dễ khiến giáo viên giỏi bất mãn với công việc, kéo theo chất lượng chuyên môn của nhà trường sẽ bị giảm sút.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/so-giao-duc-dong-nai-phong-noi-vu-len-tieng-ve-chi-tieu-20-xuat-sac-post218748.gd

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-90-2020-ND-CP-danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-450113.aspx

[3] //thukyluat.vn/vb/thong-tu-33-2005-tt-bgddt-huong-dan-tam-thoi-thuc-hien-che-do-phu-cap-chuc-vu-lanh-dao-co-so-giao-duc-cong-lap-1d55.html

[4] /hoatieu.vn/nhung-viec-can-lam-cua-to-truong-chuyen-mon-truong-thcs-124191

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài