Thầy thuốc, thầy giáo làm quản lý mà vi phạm pháp luật càng phải xử lý nghiêm

30/06/2021 06:38
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã là Luật phì phải công bằng, tất cả mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật, nhất là trong thời điểm cả nước và nhân dân đang “nước sôi lửa bỏng".

“Hiện tượng khai khống nâng giá khi mua sắm trang thiết bị, máy móc, vật tư, đấu thầu như vụ việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), hoặc vụ 15 bị can bị khởi tố vừa qua có một cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh xảy ra sai phạm trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học.

Việc sai phạm về kinh tế trong nhiều lĩnh vực nói chung hiện nay có thể nói đang gây bất bình rất lớn trong dư luận xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục vì 2 ngành này ảnh hưởng đến mọi nhà, mọi người. Tham những lớn nhất hiện nay là lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm.

Ngành Y tế và Giáo dục luôn luôn được xã hội tôn trọng với danh xưng nghề thầy thuốc, nghề thầy giáo nên đòi hỏi rất khắt khe về đạo đức, khi để xảy ra tiêu cực trong đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị…đó là tội tham nhũng, càng phải xử lý nghiêm”, bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, đã chia sẻ quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trả lời thẩm vấn tại tòa. Ảnh: Danh Trọng.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trả lời thẩm vấn tại tòa. Ảnh: Danh Trọng.

Bà Túy cho biết: “Lợi dụng chức quyền trong khi làm nhiệm vụ để nâng khống giá cả, thông đồng với các nhà thầu, các đối tác để xà xẻo ngân sách và đó cũng là tiền thuế của nhân dân.

Điểm cần phải xét xử tăng nặng hơn nữa là khi cả nước đang căng mình “chống dịch như chống giặc”, đất nước và nhân dân đang cần rất nhiều vật tư chống dịch để cứu người, ngành Y tế hơn ai hết phải nếu gương, nhưng lại để xảy ra vụ việc như vậy thì không biết những vị lợi dụng chức vụ để tham nhũng kia nghĩ gì?

Ngay như chuyện cá nhân những người dân trốn tránh khai báo ý tế, khai man làm cho công tác truy vết gặp nhiều khó khăn, khiến cho bệnh dịch phát triển khó kiểm soát, và những người đó đã phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Vậy không có lý gì để "xin xỏ" cho những cán bộ khai khống để bớt xén tiền mua sắm trang thiết Y tế trong khi cả nước căng mình ra chống dịch lại được xử nhẹ tội.

Chính phủ và nhân dân cả nước đang rất cần những trang thiết bị y tế đó để xét nghiệm, nắm bắt chính xác tình hình lây lan dịch bệnh để kịp thời có biện pháp xử lý cứu người, tình hình dịch bệnh khiến mọi người đã khốn khổ lắm rồi mà những cán bộ đó còn “móc túi” người dân thì thử hỏi lương tâm y đức ở đâu?

Nhân dân đang ngày đêm trông mong có thêm nhiều thiết bị xét nghiệm, máy thở, thuốc men…Chính phủ vừa chống dịch đồng thời vẫn phải duy trì phát triển kinh tế nên mỗi một đồng tiền đều là xương máu của nhân dân, vậy mà họ nỡ ăn bớt?

Với số tiền thực chất đó có thể mua được 2 -3 chiếc máy để phục vụ cho tuyến đầu phòng chống dịch, nhưng giờ đây vì lợi ích cá nhân anh khai khống giá nên chỉ mua được 1 chiếc máy, số còn lại anh bỏ túi riêng, nếu có thêm máy sẽ cứu sống thêm được nhiều người, vậy không gì có thể biện hộ được cho hành động “ăn” tính mạng của người dân.

Đã là Luật phì phải công bằng, tất cả mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật, không có trường hợp đặc biệt nhất là trong thời điểm cả quốc gia đang “nước sôi lửa bỏng”.

Từ trái qua phải, các bị cáo Duy, Vinh, Kim Dung, Quỳnh tại tòa. Ảnh: Danh Trọng.

Từ trái qua phải, các bị cáo Duy, Vinh, Kim Dung, Quỳnh tại tòa. Ảnh: Danh Trọng.

Một số vị giáo sư, tiến sỹ nghĩ sao mà xin giảm án?

Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm này, Giáo sư Phạm Ngọc Đính (nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và Giáo sư Vũ Sinh Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) có đơn gửi đến Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Trong đơn, hai vị giáo sư mong tòa xem xét khoan hồng, giảm án cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm: “Chúng tôi không thể thanh minh hết cho những sai lầm mà ông Nguyễn Nhật Cảm cùng một số đồng nghiệp ở CDC Hà Nội đã mắc phải. Tuy nhiên, là những người từng có thời gian công tác tại các đơn vị y tế dự phòng và Viện nghiên cứu Y học dự phòng, chúng tôi cho rằng, ông Nguyễn Nhật Cảm đã mang tác phong (có phần quan liêu) của nhà khoa học, trong điều kiện bận rộn, cùng lúc điều hành rất nhiều loại công việc chuyên môn, nghiệp vụ.

Cộng thêm việc chưa sát sao cụ thể, chưa thấy rõ những phức tạp, lỗ hổng của việc đấu thầu mua trang bị, vật tư vào thời gian chống đại dịch trong điều kiện chưa có được những văn bản hướng dẫn cụ thể từ trên, nên đã xảy ra những sai lầm quan trọng trong việc mua sắm thiết bị PCR phát hiện SARS Cov-2 gây Covid- 19”.

Hai vị giáo sư khẳng định, bị cáo Cảm trưởng thành từ cơ sở qua công tác thực tế phòng chống dịch, lại được Nhà nước và ngành Y tế đào tạo bài bản, là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp và thành tích đối với ngành Y tế Hà Nội nói riêng và hệ thống Y tế dự phòng cả nước nói chung [1].

Không hiểu vì sao có 42 phó giáo sư, tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc và 30 Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành (CDC) xin giảm hình phạt cho Nguyễn Nhật Cảm trong vụ án đấu thầu hệ thống máy Realtime PCR tự động (máy xét nghiệm COVID-19) từ 2,3 tỷ đồng mua bán lòng vòng lên 7 tỷ đồng [2].

Trước vấn đề này, bà Túy nêu quan điểm: “Ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) là một phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Y tế, đứng đầu một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, lo cho sức khỏe hàng triệu con người, có tri thức, giỏi về chuyên môn, hiểu biết khoa học… thì anh càng phải nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Đã có chất phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Y trong người thì anh phải tìm cách hạ giá thành máy móc đi để làm lợi cho nhân dân, lẽ ra với số tiền đó anh phải đàm phán để mua được thêm máy móc để cứu thêm được nhiều người, đó mới là đúng bản chất ngành Y, chất người có học thức vì nước vì dân. Vậy còn bao nhiêu cán bộ như phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm? Còn bao nhiêu cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát bệnh tật cho người dân đã mua thiết bị y tế phòng dịch với giá “trên trời”?

Trong khi cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhiều người dân sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo" với người nghèo bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ… hy sinh quyền lợi bản thân, lao lên tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho người dân thì buồn thay vẫn có kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Đã là người có học thức, nếu đã “trót” vi phạm như vậy thì đáng ra cần phải biết ăn năn hối cải, xin được chịu tội nặng hơn. Lúc gây ra lỗi thì không nể ai, khi xảy ra rồi thì lại “thương xót” xin giảm án. Thử hỏi nếu vụ này không bị vỡ lở ra, cứ tiếp tục tái diễn như vậy, tham nhũng mãi thì còn đáng thương nữa hay không hả các vị có hàm giáo sư, tiến sĩ?

Căn “bệnh” hiện nay cứ cái kiểu ông đó rất tốt…giá như bây giờ được giảm án, được tha thì sẽ thế này, thế kia…Rồi còn vụ 15 bị can bị khởi tố vừa qua có một cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, liệu cứ “theo gương” này rồi không biết có thầy cô nào làm đơn xin giảm án cho họ nữa hay không? Theo tôi đó là kiểu làm hại Luật pháp, hại nước hại dân”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/hai-giao-su-xin-khoan-hong-cho-cuu-giam-doc-cdc-ha-noi-nguyen-nhat-cam-748320.html

[2]http://cand.com.vn/Ban-tin-113/De-nghi-y-an-cuu-Giam-doc-CDC-Ha-Noi-va-dong-pham-647146/

Tùng Dương