Mang câu hỏi: “Vì sao điểm chuẩn vào 10 lại phải nhân hệ số?”; “Vì sao điểm toán, và ngữ văn tính hệ số 2 còn ngoại ngữ vẫn hệ số 1?”, nhiều thầy cô giáo dạy bậc trung học phổ thông đều cho biết đây là quy định từ nhiều năm qua.
Gần 50% trường phổ thông tại Bình Thuận lấy điểm chuẩn vào lớp 10 dưới 20 điểm sau khi đã nhân đôi điểm số của 2 trong tổng số 3 môn thi. |
Có thể khi đưa ra yêu cầu này, người ta đã căn cứ vào quy định đánh giá xếp loại học lực học sinh theo Thông tư Số: 58/2011/TT-BGDĐT khi tính điểm trung bình môn thì điểm toán và ngữ văn được nhân hệ số 2, những môn học còn lại đều tính hệ số 1.
Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo khác cũng cho rằng, nếu không nhân hệ số điểm thi mà để nguyên điểm thực của học sinh thì phổ điểm vô cùng thấp, nhìn điểm chuẩn đầu vào mà thấp quá cũng khó coi. Cách tính này ít nhiều cũng che đậy phần nào chất lượng dạy và học thật ở không ít trường phổ thông cơ sở.
Điểm thi vào 10 đã phản ánh chất lượng giáo dục thật
Đề thi vào 10 từ trước đến nay ở tỉnh tôi luôn được đánh giá là vừa sức, đúng trọng tâm kiến thức đã học. Tuy nhiên, điểm thi vào 10 của không ít trường học nơi đây khá thấp. Nếu làm bảng so sánh sẽ thấy rất rõ sự chênh lệch giữa điểm tổng kết lớp 9 và điểm thi rất nhiều.
Để đủ điều kiện tham gia kỳ thi vào 10, cả 3 môn thi toán, văn, ngoại ngữ phải đạt từ 5.0 trở lên.
Ấy vậy mà khi thi với đề được đánh giá vừa sức (lại được ôn luyện ròng rả hàng tháng trời trong tài liệu ôn tập của tỉnh) nhưng nhiều học sinh chỉ đạt điểm 1, điểm 2, điểm 3.
Cô giáo Th. (đề nghị không nêu tên) cho chúng tôi biết có những học sinh đạt điểm tổng kết 7.0 (thậm chí 8.0) nhưng thi chỉ đạt điểm 2, điểm 3.
Vì sao ư? Vì đề thi là của Sở Giáo dục ra, không phải đề của trường nên phần nhiều ôn ít trúng tủ.
Khi thi, học sinh chủ yếu là tự thân vận động hoàn toàn không có một sự trợ giúp nào khác. Xem thi lớp 10 cũng vô cùng nghiêm ngặt, học sinh tham gia thi luôn trong suy nghĩ cạnh tranh một mất một còn nên cũng không thể giúp nhau.
Tất cả năng lực, sự hiểu biết của học sinh đều thể hiện ở bài thi. Vì thế, để đánh giá chất lượng dạy và học của trường nào đó đừng xem các bảng báo cáo tổng kết ở trường mà cứ căn cứ vào điểm thi của học sinh sau mỗi kỳ thi vào 10 sẽ vô cùng chính xác.
Đã đến lúc bỏ cách tính điểm nhân hệ số
Việc nhân hệ số 2 môn toán, tiếng Việt nhiều phụ huynh cho rằng sẽ không công bằng, không hợp lý, ít nhiều sẽ gây tâm lý học lệch cho các em. Hơn nữa, hiện nay ngành giáo dục cũng đã thay đổi cách tính điểm tổng kết cho học sinh.
Tất cả các môn học đều bằng nhau, đều được nhân hệ số 1. Vì thế, không có lý do gì điểm thi vào 10 vẫn cứ làm theo cách cũ là nhân hệ số 2 môn toán, văn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đang đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố thay đổi cách tính điểm các môn thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022.
Theo đó, cả 3 môn thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1, thay vì toán, ngữ văn nhân hệ số 2, ngoại ngữ hệ số 1 như các năm học trước.
Nói về chuyện này, Tiến sĩ Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lạc Hồng, cho rằng, việc bỏ nhân đôi điểm thi hai môn toán, ngữ văn trong xét tuyển là phù hợp xu thế và đáng ra phải làm từ lâu.
“Trong chương trình giáo dục phổ thông, khi xếp loại học sinh ở mỗi học kỳ và cuối năm, các môn học được tính điểm đồng đều như nhau, không có môn nào nhân hệ số, vậy tại sao trong thi tuyển lại nhân hệ số?”
Bỏ quy định nhân hệ số điểm thi vào 10 cũng là việc xóa bỏ căn bệnh ngụy thành tích
Điểm chuẩn vào 10 mà 3 môn (thành 5 môn) chưa đạt 10 điểm thì mỗi môn thi chỉ cần 2 điểm là đỗ. Có trường điểm chuẩn chỉ lấy 5 điểm thì điểm thi của học sinh mỗi môn chưa tới 1 điểm.
Nếu lấy 20 điểm nhìn vào cứ ngỡ là cao. Tuy thế, nếu chưa nhân hệ số thì mỗi môn thi học sinh cũng chưa đạt được mốc trung bình. Nhiều thầy cô giáo vẫn khẳng định, điểm thi vào 10 là điểm thật của học sinh.
Bởi thế, cứ để điểm thật xét tuyển người ta mới dễ dàng thấy được có nên tổ chức thi cho những trường học có điểm chuẩn thấp đến thế hay không?
Trường học cũng thấy được chất lượng thật của học sinh để từ đó có thêm biện pháp giảng dạy giúp các em học tốt hơn.
Còn cái kiểu nhân hệ số gây cảm giác ngộ nhận để tự bằng lòng với nhau thế này cũng thật là tai hại.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/so-giao-duc-dao-tao-tp-hcm-de-xuat-doi-cach-tinh-diem-thi-tuyen-vao-lop-10-20210310120158841.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.