Tích hợp là cần thiết nhưng phải có lộ trình

07/07/2021 06:24
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn là 3 phần kiến thức riêng biệt, chỉ có một vài bài tích hợp nhưng lại sai, và khi dạy đến bài đó sẽ có chuyện không giáo viên nào trong 3 môn đó dạy được.

Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành ở bậc trung học cơ sở, các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là các môn riêng biệt.

Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022, là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới với lớp 6, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học) ; Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ 2 môn Lịch sử và Địa lý).

Môn khoa học tự nhiên là một môn học mới ở bậc trung học cơ sở, trước đây chưa từng có, điều này khiến nhiều giáo viên lúng túng, bởi các thầy cô quen với việc dạy và được đào tạo đơn môn. Nhiều người băn khoăn khi tích hợp thì việc dạy và học sẽ thế nào, có phải một giờ dạy có 3 giáo viên từng môn đó cùng lên lớp?

Thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Mai Văn Túc - Giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Túc nói: “Trước đây, tất cả các môn Khoa học tự nhiên được gộp chung lại gọi là khoa học.

Nhưng khi xã hội phát triển, cũng đưa ra rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể nói khoa học được chia nhỏ với nhiều lĩnh vực, hiện tại theo tôi biết ở các trường đại học thì nguyên Khoa Vật lý cũng đã có nhiều mảng như Vật lý Chất rắn, Vật lý bán dẫn, Vật lý nhiệt độ thấp…việc chia nhỏ đó với mục đích làm tinh các vấn đề.

Đối với cấp Trung học cơ sở, theo quan điểm cá nhân thì tôi hoàn toàn ủng hộ việc tích hợp 3 môn này vào 1 thành môn Khoa học tự nhiên. Nhưng sự tích hợp cần phải có lộ trình, ví dụ, hiện tại có một vấn đề “chết người” và không biết họ cố tình hiểu sai, hay không hiểu? Đó là trình độ của giáo viên nói chung khá thấp do lỗi hệ thống để lại.

Đã có thời điểm thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm với 3 môn 10 điểm, môn Vật lý 3 điểm đã đỗ. Với trình độ giáo viên như vậy thì chỉ tập trung cho 1 môn Vật lý Trung học cơ sở đã là quá sức.

Tôi đã từng tuyển giúp giáo viên cho 1 trường tư thục tại Hà Nội, có 31 hồ sơ với bằng giỏi môn Vật lý mà cuối cùng vẫn không tuyển được người nào. Nguyên nhân là kiến thức cơ bản không nắm được. Tôi không chê giáo viên, nhưng một sự thật là họ được đào tạo chưa có chất lượng.

Từ bé đến lớn đều “học chay”, đối phó với thi cử, đến khi ra trường thì kiến thức cơ bản quên hết. Vừa học xong mà đã không dạy nổi, kể cả nhiều thầy cô từ xưa đến nay dạy mỗi môn Vật lý, môn Sinh, Hóa gần như không còn nhớ gì thì làm sao có thể dạy cùng lúc cả 3 lĩnh vực?

Ngay như việc năm học 2020 - 2021, các giáo viên phải dạy môn tích hợp, nhưng hiện tại một số trường sư phạm mới đang chuẩn bị mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, còn trước đây chỉ đào tạo đơn môn tương ứng các môn học riêng rẽ: Vật lý, Hóa học, Sinh học”.

Cần chuẩn bị thật kỹ, có lộ trình rõ ràng

Thầy Túc nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc học tích hợp ở bậc trung học cơ sở, nhưng phải có sự chuẩn bị thật kỹ, có lộ trình rõ ràng. Đầu tiên là việc viết sách, phải đúng là sách tích hợp, phải có bước tập huấn dạy sư phạm Vật lý môn chuyên ngành Khoa học tự nhiên.

Mọi người đều hiểu là kiến thức nền thì ai cũng phải biết, ở phổ thông được học các môn, nhưng khi lên đại học những môn còn lại không “động đến”, chỉ học đại cương rồi lâu ngày cũng quên, thì ra trường làm sao mà dạy được?

Bản thân tôi là một giáo viên Vật lý, có thể nói rất nghiêm túc trong khoa học, nếu cho tôi dạy môn Khoa học tự nhiên này thì đối với lĩnh vực Hóa, Sinh, nếu sách giáo khoa viết thế nào tôi có thể tái hiện lại bằng cách copy sang bài giảng, còn nếu nói để hiểu sâu, dạy hay thì không thể được.

Vậy nên phải đào tạo giáo viên một cách nghiêm túc theo hướng thực dạy, thực học, còn nếu chỉ đào tạo một lĩnh vực Vật lý như hiện nay thì theo tôi ra trường chỉ vài phần trăm trong số đó có thể dạy được, còn lại vẫn là đối phó, sao chép lại những gì có trong sách mà thôi, không đào sâu kiến thức, không tạo được nguồn cảm hứng cho học sinh, mà dạy như vậy thì không thể gọi là có chất lượng tốt được”.

Tùng Dương