Sách giáo khoa "Khoa học tự nhiên 6" bộ Kết nối Tri thức với Cuộc sống còn sạn

08/07/2021 06:30
Phó giáo sư - Tiến sĩ Phan Văn Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh những ưu điểm về biên soạn, cuốn sách "Khoa học tự nhiên 6” thuộc bộ sách “Kết nối Tri thức với Cuộc sống” có một số sai sót trong lĩnh vực Vật lí.

LTS: Với mong muốn góp ý để cải tiến nội dung sách giáo khoa, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phan Văn Khôi chia sẻ một số ý kiến của mình về cuốn sách “Khoa học tự nhiên 6” thuộc bộ sách “Kết nối Tri thức với Cuộc sống” vừa phát hành.

Phó giáo sư Phan Văn Khôi từng là giảng viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nghiên cứu viên chính ở Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Việt Nam, Nghiên cứu viên cao cấp Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải.

Ông hoàn thành chương trình Tiến sĩ ở Đức năm 1982, công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996 ngành Cơ học.

Ông là tác giả một số sách chuyên khảo về Mỏi, Độ tin cậy, Rủi ro của công trình và máy, và một cuốn Sổ tay các đơn vị đo lường.

Toà soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Có cháu sắp vào học lớp 6, qua hiệu sách gần nhà, tôi mua cuốn sách giáo khoa vừa phát hành “Khoa học tự nhiên 6” về xem trước.

Cuốn sách này thuộc bộ sách “Kết nối Tri thức với Cuộc sống” do nhóm 12 tác giả biên soạn, ông Vũ Văn Hùng làm Tổng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2021 (Hình 1).

Hình 1. Ảnh chụp bìa cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hình 1. Ảnh chụp bìa cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 (Ảnh do tác giả cung cấp)

Các kiến thức cơ sở về Vật lí, Hóa học và Sinh học đã được tích hợp trong một cuốn sách, thay thế ba cuốn riêng biệt cho mỗi môn học đã sử dụng trước đây.

Bên cạnh những ưu điểm về biên soạn như bố cục, trình bày gọn, ít công thức, gần gũi hơn với đời sống, có thể giảm tải và tiện dùng cho cả thày và trò, cuốn sách còn có một số sai sót được nêu dưới đây, xét riêng trong lĩnh vực Vật lí.

1. Ở bài 6 - Đo khối lượng viết “Khối lượng là số đo lượng chất của vật”. Định nghĩa này không đúng ở chỗ:

- Khối lượng là một ĐẠI LƯỢNG VẬT LÍ, không phải là số đo;

- “Lượng chất” (amount substance) là một đại lượng cơ bản khác có đơn vị đo là mol, đã được định nghĩa trong Hóa học liên quan đến số lượng các hạt cấu thành chất, mà học sinh sẽ học ở các lớp trên. Dùng thuật ngữ trùng nhau với nghĩa khác nhau như vậy là điều tối kị trong khoa học.

2. Ở mục Dụng cụ đo khối lượng, các tác giả đã kể ra hầu hết các loại cân: cân Rô-béc-van (hai đĩa), cân đòn, cân đồng hồ, cân y tế, vv (Hình 2). Nhưng thực ra, chỉ hai loại đầu là để đo khối lượng, bởi ở mọi trường hấp dẫn đều cho một kết quả đo không đổi. Còn các loại cân khác theo nguyên lí nén lò xo (như loại cân đồng hồ thường thấy ở các chợ) thì không phải, vì chúng cho những kết quả đo khác nhau tùy thuộc gia tốc trọng trường ở vị trí đo: số đo ở hai vùng cực khác ít nhiều so với ở vùng xích đạo; còn, ví dụ, ở Mặt Trăng, kim đồng hồ sẽ chỉ số đo bằng 1/6 ở Trái Đất.

Trong đời sống thực tế trên Trái Đất, người ta dùng loại cân lò xo đó để đo khối lượng bởi việc chế tạo đơn giản, không cần kèm theo những hộp quả cân mẫu chuẩn, và chỉ đối với hàng hóa thông thường không đòi hỏi chính xác. Không thể dùng loại cân đó trong khoa học hoặc để đo khối lượng vàng, bạc, quý kim.

Hình 2. Ảnh chụp trang 20 của cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hình 2. Ảnh chụp trang 20 của cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 (Ảnh do tác giả cung cấp)

3. Ở bài 5 – Đo chiều dài, các tác giả đã có cách diễn đạt khác: “Trong hệ đơn vị đo lường hợp pháp của nước ta, đơn vị độ dài là mét, kí hiệu là m”, mà không định nghĩa chiều dài. Và tương tự ở bài 7 – Đo thời gian cũng không đưa ra định nghĩa về thời gian.

Vậy tại sao phải định nghĩa khối lượng một cách gượng ép như trên, đến người lớn, kể cả đã qua đại học, cũng khó mà hiểu được “số đo lượng chất” là gì, (chẳng lẽ, ví dụ, 3 kg vải thiều có cùng lượng chất như 3 kg xi măng!)?

Về sau, khi học đến gia tốc, lực li tâm hay lực hấp dẫn, các em sẽ hiểu ý nghĩa của khối lượng cũng chưa muộn. Tại sao không viết đơn giản là “Trong hệ đơn vị đo lường hợp pháp của nước ta, đơn vị khối lượng là kilôgam, kí hiệu là kg”, nhất quán với các bài 5 và 7?

4. Lại nói về từ “hợp pháp”. Trong sách Khoa học tự nhiên 6 nhiều lần gặp cụm từ “đơn vị hợp pháp của nước ta” và câu "Một số quốc gia còn dùng đơn vị đo khác”.

Các đơn vị đo khác ấy, chẳng hạn dặm (mile), hải lí (nautical mile), thùng (barrel dầu mỏ), aoxơ (ounce vàng), mã lực (horsepower), vv, không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả ở nước ta, vẫn thường dùng hằng ngày trên các phương tiện truyền thông và các văn bản; chúng cũng không bị cấm theo Luật Đo lường 2011. Chẳng lẽ chúng là không hợp pháp/bất hợp pháp/phạm pháp cả sao?

Thêm nữa, lại có câu “Từ năm 1960, các nhà khoa học chính thức sử dụng hệ thống đơn vị đo lường quốc tế, SI”.

Tuy nhiên, khi “kết nối với cuộc sống”, ta thấy không có loại đơn vị nào dành cho nhà khoa học chính thức sử dụng; trái lại, mọi nơi, mọi người, dù có là “nhà khoa học” hay không, vẫn sử dụng thường ngày cả những đơn vị như tấn (t), phút (min), giờ (h), kilômét trên giờ (km/h), vòng trên phút (r/min), lít (L), hecta (ha), kilôoát giờ (kWh), deciben (dB), calo (cal), milimét thủy ngân (mmHg) và nhiều đơn vị khác nữa, mà tất cả các đơn vị vừa kể trên đâu có phải là đơn vị SI!

Phân loại đơn vị đo lường trong sách Khoa học tự nhiên 6 như vậy là không phù hợp với Luật Đo lường 2011 và Nghị định của Chính phủ số 86/2012/NĐ-CP.

5. Ở các bài 40 và 41, các tác giả đã giới thiệu khá đầy đủ khái niệm về đại lượng LỰC cùng các đặc trưng của nó (điểm đặt, độ lớn, hướng tác dụng); cũng đã nói đến các tác dụng của lực và phân loại lực (tiếp xúc và không tiếp xúc). Đến đây, thiết nghĩ đã đủ điều kiện có thể đưa ngay ra khái niệm TRỌNG LƯỢNG.

Nhưng vì trong cuốn sách, trọng lượng được nói đến sau, ở bài 43, nên ở bài 42 xuất hiện câu “độ dãn của lò xo treo thẳng đứng tỉ lệ với khối lượng vật treo”.

Thật không logic chút nào, khi đang trong mạch tư duy về lực lại đột ngột liên hệ đến khối lượng. Một mặt, khi nói về dụng cụ đo lực trước đó thì độ dãn của lò xo đã tỉ lệ với lực tác dụng, dù đo lực theo bất cứ hướng nào, không chỉ khi treo thẳng đứng.

Mặt khác, ví dụ ở Trái Đất, treo thẳng đứng một vật vào một lò xo thì lò xo sẽ dãn gấp 6 lần so với độ dãn của chính lò xo ấy khi treo cũng một khối lượng ấy trên Mặt Trăng. Vậy thì đâu phải là chúng tỷ lệ với nhau.

Đã biết, trong một phạm vi nhất định, độ dãn của lò xo tỉ lệ với LỰC tác dụng (chứ không phải với KHỐI LƯỢNG); đó là một định luật mà các em sẽ học ở lớp 10.

Vậy nói “độ dãn của lò xo treo thẳng đứng tỉ lệ với khối lượng vật treo”, cũng như ở bài 6 nói loại cân đồng hồ dùng để đo khối lượng cho thấy những sai lầm này là có tính hệ thống.

6. Ở bài 42 có đoạn viết “khi lò xo bị dãn quá nhiều thì nó không thể lấy lại được hình dạng ban đầu, nghĩa là đã mất tính đàn hồi. Trong kĩ thuật, người ta dùng thuật ngữ “lò xo bị mỏi” để chỉ tình huống này”.

Điều này cũng cho thấy những người biên soạn sách đã hiểu sai về “mỏi”. “Kĩ thuật” mà các tác giả nói đến là kĩ thuật nào? Chỉ cần tìm kiếm “Mỏi của kim loại” trên Google, lập tức nhận được 13,5 triệu kết quả, đọc lướt qua bạn sẽ hiểu ngay hiện tượng mỏi là gì.

Cũng như trong đời sống, mỏi (fatigue) bao giờ cũng gắn với yếu tố thời gian, như đi xa mỏi chân, nhìn lâu mỏi mắt, nằm nhiều mỏi lưng. Các bộ phận công trình và máy cũng vậy, khi chịu tải trọng/lực lặp đi lặp lại, dù cường độ không lớn lắm, sẽ bị mỏi, hư hỏng dần có thể gây ra nứt, gẫy.

Lò xo cũng vậy, dễ bị mỏi, nhưng đó là khi nó làm việc lâu dài, bị CO DÃN lặp đi lặp lại rất nhiều lần; còn nếu viết “dãn quá nhiều” và “không thể lấy lại hình dạng ban đầu”, người ta sẽ hình dung một chiếc lò xo bị kéo mạnh, chỉ một lần quá một giới hạn nào đó và không hồi lại được như cũ. Đó không phải là hiện tượng mỏi!

Câu này cũng thấy viết trong các sách giáo khoa Vật lí 6 từ lần tái bản thứ 8 trở về trước, cùng với câu “Khối lượng là số đo lượng chất của vật” cũng thấy trên nhiều sách Vật lí khác. Phải chăng đây là “Dĩ hư truyền hư”, sao chép những điều sai trái từ người này qua người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác?

LỜI KẾT

Không yêu cầu các học sinh ở tuổi 12 phải hiểu cặn kẽ chính xác mọi thứ như bàn luận ở trên, nên khi biên soạn cần lược bỏ đi những gì không phù hợp với lứa tuổi và trình độ học sinh.

Còn khi đã viết thành sách giáo khoa thì không viết ra những điều phản khoa học, sai và mâu thuẫn với những kiến thức mà các em sẽ học về sau, dù với bất cứ lí do gì, chẳng hạn tưởng rằng cho đơn giản để các em “dễ hiểu”, nhưng thực ra lại làm các em không hiểu hoặc hiểu sai.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Phan Văn Khôi