Quy chế mới đào tạo tiến sĩ đã không tiến bộ lại còn giảm "chuẩn"

11/07/2021 06:45
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- So với Thông tư 08/2017 thì Thông tư 18/2021 không có nhiều điểm mới ngoại trừ giảm các tiêu chuẩn đầu ra của tiến sỹ.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 18 thay thế một số nội dung có trong Thông tư 08 do “có một số quy định không còn phù hợp với quy định của luật 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ- CP” và “Tăng cường quy định đảm bảo liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật”.

Tuy nhiên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sóng Hiền - thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia cho rằng, nhìn từ thực tế cho thấy, so với Thông tư 08/2017 thì Thông tư 18/2021 không có nhiều điểm mới ngoại trừ giảm các tiêu chuẩn đầu ra của tiến sỹ.

Cụ thể, về công bố quốc tế, Thông tư 18 cho phép chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố trên tạp chí trong nước trong khi độ tin cậy và chỉ số ảnh hưởng của những tạp chí này trong giới nghiên cứu học thuật quốc tế không cao.

Ông Nguyễn Sóng Hiền (ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Sóng Hiền (ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, tăng số lượng nghiên cứu sinh từ 5 lên 7 người đối với một giáo sư và theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “nhằm thu hút, tận dụng tri thức nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo” tuy nhiên điều này hết sức nghịch lý.

Ông Nguyễn Sóng Hiền phân tích: “Giáo sư cũng là một giảng viên, ngoài hướng dẫn nghiên cứu sinh họ còn phải tham gia giảng dạy, xuất bản công trình nghiên cứu, tham gia và điều hành các dự án nghiên cứu khác theo quy định. Với lượng thời gian và công việc như vậy thì không thể đảm bảo chất lượng đầu ra nghiên cứu sinh khi hướng dẫn độc lập đến 7 người.

Ngay cả những giáo sư có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu lâu năm ở Úc họ cũng không thể đảm đương cùng lúc 7 nghiên cứu sinh với tư cách là hướng dẫn chính”.

Vị này đặt băn khoăn, phải chăng vì áp lực “sản xuất” nhiều tiến sỹ để đáp ứng nhu cầu chuẩn tiến sỹ cho các trường đại học hoặc có thể để tăng thêm nguồn thu cho các cơ sở đại học từ nguồn đào tạo này cho nên mới có những quy định dễ dãi và phi khoa học như vậy?

Trong khi chúng ta đang nỗ lực để tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn khoa học quốc tế thì điều này vô hình đẩy nỗ lực đó xa hơn.

Thậm chí ngay cả tiêu chuẩn đầu vào về ngoại ngữ, với tối thiểu IETLS 5.5 trong thang điểm đánh giá của Hội đồng Anh thì những người đạt mức điểm này chỉ mới đạt được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở mức trung bình chưa đủ khả năng có thể đọc và hiểu các văn bản có tính nghiên cứu chuyên ngành thì sao có thể đọc được các tài liệu nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực mình chứ chưa nói tới công bố bài báo trên những tạp chí quốc tế uy tín.

Thậm chí, ngay những học sinh vào trường chuyên Anh ở một số tỉnh trong nước điều kiện đầu vào IETLS đã là 6.5, do đó để đào tạo một tiến sỹ tiếp cận với chuẩn quốc tế thì mức điểm ngoại ngữ đầu vào không thể quá thấp đến như vậy.

“Chúng ta thà chấp nhận số lượng tiến sỹ ít nhưng những người được xã hội tôn vinh cho học vị này phải thực sự xứng đáng với danh vị đó. Họ phải thực sự là những tinh hoa đất nước, phải là những nhà khoa học tiên phong, có sức ảnh hưởng đối với lĩnh vực mình nghiên cứu và có đóng góp thiết thực đối với sự phát triển của nền khoa học nước nhà cũng như cộng đồng khoa học quốc tế.

Chúng ta phải hướng đến đào tạo tiến sỹ là để tạo những người làm khoa học thực thụ, tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu chứ không phải tạo ra danh xưng để lòe thiên hạ, để lên chức này, ghế nọ”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, một vấn đề quan trọng nếu không nói là mang tính cốt lõi của đào tạo đội ngũ khoa học mà trong Thông tư 18/2021 hoàn toàn không đề cập tới đó là các quy định và nguyên tắc đạo đức và văn hóa nghiên cứu.

Ở Úc, Chính phủ ban hành riêng các quy định và hướng dẫn về văn hóa và đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt những nghiên cứu liên quan đến con người, đến trẻ em, hay người khuyết tật. Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề đạo đức nghiên cứu luôn luôn được xem như là một yêu cầu bắt buộc vì vậy bất kỳ nghiên cứu nào vi phạm những nguyên tắc hay quy định về vấn đề này có thể bị đình chỉ hay bị hủy bỏ kết quả nghiên cứu.

“Tôi cho rằng Thông tư cần nghiên cứu và bổ sung mục này chứ không nên coi nhẹ nó, có như vậy mới hướng tới thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục tiến gần với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Minh Ngọc