Học sinh thi vào lớp 10 trường phổ thông công lập có địa phương mỗi môn chỉ cần đạt 1 điểm là đỗ. Điều này, phản ánh chất lượng giáo dục phổ thông vô cùng thấp theo quan điểm của người viết chẳng có gì bàn cãi. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều giải pháp được đề xuất nhưng bao năm qua, kết quả thi vào lướp 10 ở nhiều địa phương vẫn ít được cải thiện.
Những trường không có sự cạnh tranh đầu vào cần bỏ thi vào lớp 10 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến) |
Mỗi mùa thi tuyển sinh đầu cấp, nếu ai quan tâm sẽ vẫn bắt gặp không ít trường phổ thông công lập ở nhiều địa phương 3 môn thi sau khi nhân hệ số mà điểm chuẩn chưa tới 10, có trường chỉ lấy 5 hoặc 6 điểm.
Làm thế nào để nâng chất lượng học tập của học sinh lên luôn là câu hỏi được nhiều nhà giáo dục quan tâm.
Trong rất nhiều ý kiến của bạn đọc, người viết đặc biệt chú ý đến giải pháp mà thầy Bùi Nam đã đưa ra: sẽ lấy kết quả này làm căn cứ xét thi đua giữa các trường, các giáo viên với nhau.
Lấy kết quả trên làm căn cứ xét thi đua của các trường sẽ khiến ban giám hiệu tìm mọi giải pháp để giáo viên dạy thật, chất lượng là thật để chất lượng trường được nâng lên.
Chất lượng thấp không phải chuyện một sớm một chiều
Theo lẽ thường, học sinh học yếu thường đánh giá giáo viên dạy chưa tốt, chưa tròn trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thực tế giáo viên dạy rất tốt, rất nhiệt tình nhưng học sinh vẫn không thể học khá hơn.
Lý do thật đơn giản vì nhiều em đã mất gốc, hổng kiến thức, không có kiến thức nền mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng buồn như thế là việc cấp tiểu học ồ ạt lùa học sinh lên lớp.
Một nguyên lý đơn giản mà có lẽ những nhà giáo đã, đang đứng trên bục giảng thì ai cũng biết, gốc không vững thì làm sao cây có thể chắc?
Xét một cách toàn diện và công tâm, chất lượng đầu vào của học sinh trung học cơ sở phụ thuộc lớn vào vai trò của giáo viên tiểu học. Khi học sinh đọc yếu, thậm chí không biết đọc, viết vẫn sai nhiều lỗi mà vẫn được lên lớp, khi học sinh không biết làm toán hoặc làm quá yếu vẫn không thể ở lại.
Những học sinh này, gần như chẳng có kiến thức gì trong đầu, được "lùa" lên hết lớp này đến lớp khác mà không ít người gọi là “học sinh ngồi nhầm lớp”. Vào lớp 6, các em tiếp tục được đẩy lên lớp 7, lớp 8 và lớp 9. Lúc đầu, có thể yếu một nhưng sau bao năm cứ buộc phải lên lớp thì sự yếu kém càng tăng lên bội phần.
Các em được ví như những toa tàu bị hỏng hóc nhiều bộ phận. Người kéo cả đoàn tàu trì trệ thế liệu có đủ sức không?
Gần đây nhất, trước phản ánh của truyền thông về tình trạng 1 học sinh lớp 6 đọc không thông viết không thạo tiếng Việt, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tìm nguyên nhân giải pháp.
Theo ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, hiện ngành giáo dục của tỉnh đang cho rà soát lại toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh về tình trạng học sinh không đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng, làm rất nghiêm túc việc này. [1]
Tuy nhiên đến nay chưa thấy thông tin nào được công bố về kết quả rà soát của Đồng Tháp cũng như các giải pháp chấn chỉnh.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động vào cuộc yêu cầu các trường dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 chưa đạt kĩ năng đọc, viết, tính toán, nếu không bố trí được giáo viên thì lãnh đạo nhà trường phải trực tiếp đứng lớp.
Công khai tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh đạt thành tích xuất sắc thì thấy nhiều nhưng công bố tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán lên đến con số vài nghìn em có lẽ mới thấy tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 23.798 học sinh lớp 1 nhưng trong đó số học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán là 2.239 em, chiếm tỷ lệ 9.4%, rải đều trên tất cả các địa phương, từ thành thị đến nông thôn. [2]
Lấy kết quả thi vào 10 để xét thành tích thi đua cho giáo viên và nhà trường thì đến bao giờ bệnh ngụy thành tích mới chấm dứt?
Trong kỳ thi tuyển sinh 10 của Thanh Hóa trong năm 2020 lại khiến dư luận chú ý vì có những trường công lập lấy điểm đầu vào khá thấp. Điểm chuẩn thấp không chỉ xảy ra ở những trường miền núi mà ngay khu vực đồng bằng vẫn có một số trường lấy điểm đầu vào thấp một cách bất ngờ, thí dụ như Trường Trung học phổ thông Lang Chánh lấy 0,58 điểm/môn là đỗ lớp 10.
Trả lời phóng viên Báo Vietnamnet về sự việc này, ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Điểm chuẩn vào các trường của tỉnh năm nay được xác định trên số học sinh dự thi và điểm thi các em đạt được.
Đồng thời, thí sinh trúng tuyển phải đáp ứng được yêu cầu không có bài thi nào bị điểm liệt.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa quy định điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020-2021 là 0,25.
Như vậy, trường Trung học phổ thông Lang Chánh đưa ra mức điểm chuẩn 2,90 là thấp nhưng không sai. Những học sinh không có môn thi nào bị điểm liệt và đủ điểm chuẩn đều trúng tuyển để theo học.
Lang Chánh là huyện miền núi, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. Các em dự thi và thoát điểm liệt để đi học là điều rất quý giá”. [3]
Như chúng tôi phân tích ở trên, chất lượng học sinh thi vào 10 thấp không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu mình giáo viên lớp 9 mà lỗi này mang tính hệ thống, cần cả Bộ Giáo dục, các địa phương, cả giáo viên tiểu học và nhà trường cũng phải có trách nhiệm.
Bộ đã quy định chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia, chỉ tiêu phổ cập giáo dục…nhà trường và giáo viên vì thành tích bản thân cũng như yêu cầu, chỉ tiêu địa phương đặt ra đã không đủ mạnh dạn cho học sinh ở lại lớp.
Quan trọng hơn là lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, có xem đây là vấn đề căn cốt phải thay đổi hay không, hay 0,58 điểm đỗ lớp 10 với một số trường hợp cụ thể, cũng "quý rồi"? [4]
Nay, giải pháp của thầy giáo Bùi Nam sẽ lấy kết quả thi vào lớp 10 làm căn cứ xét thi đua giữa các trường, các giáo viên với nhau".
Nếu điều này được thực hiện, sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhà trường ép học sinh đi học thêm mang danh tự nguyện tối ngày, giáo viên ép các em phải ôn tủ, học tủ để thi cầu may.
Hậu quả sẽ là dạy và học phát triển theo hướng năng lực, phẩm chất mà Bộ Giáo dục đã và đang triển khai sẽ bị triệt tiêu và học sinh sẽ tăng áp lực học hành gấp nhiều lần.
Giải pháp hữu hiệu nhất lúc này, những trường học nào không có sự cạnh tranh đầu vào mà ai thi cũng đỗ cần bỏ việc thi tuyển vào lớp 10 và áp dụng việc xét tuyển. Có thế, nhà nước đỡ mất một khoản tiền vô ích mà cũng thực hiện được mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp đã đề ra.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dong-thap-hop-toan-bo-can-bo-quan-ly-giao-duc-vu-hoc-sinh-lop-6-doc-khong-thong-post217066.gd?fbclid=IwAR2B3jOIG5IQgjliliR9HgiTBkARvAyPTUO8rYjmXq0hXuBnxseER4twK8Y
[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ban-giam-hieu-phai-day-phu-dao-lop-1-neu-thieu-giao-vien-ket-qua-the-nao-post217477.gd#comment217477
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/0-58-diem-mon-do-vao-lop-10-cong-lap-so-gd-dt-thanh-hoa-noi-gi-667250.html
[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/0-58-diem-mon-do-lop-10-tot-nghiep-tren-92-so-nao-phan-anh-chat-luong-that-post218050.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.