Giáo viên đang rảnh, Bộ nên chỉ đạo các địa phương tập huấn online chương trình

18/07/2021 06:41
Lê Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bây giờ mà các tỉnh triển khai việc tập huấn trực tuyến đại trà các modul tiếp theo là khoảng thời điểm lý tưởng bởi giáo viên đang có nhiều thời gian rảnh rỗi...

Việc tập huấn chương trình mới cho những giáo viên sẽ dạy lớp 2 và lớp 6 ở năm học tới đây bị chững lại do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, nhất là ở các tính phía Nam trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, nếu bây giờ mà các tỉnh triển khai việc tập huấn trực tuyến đại trà các module tiếp theo là khoảng thời điểm lý tưởng bởi giáo viên đang có nhiều thời gian nhất có thể để đầu tư cho việc tập huấn chương trình mới.

Chỉ tiếc, sau khi các địa phương triển khai cho giáo viên tự bồi dưỡng trực tuyến 3 module đầu tiên có phần cập rập vì đều bố trí vào lúc các trường đang ôn tập và tổ chức kiểm tra học kỳ cho học sinh thì mấy tháng nay đã dừng lại.

Thời điểm này, khi mà phần lớn giáo viên đang rảnh rỗi thì các Sở, Phòng Giáo dục lại không tận dụng tốt thời gian này để tổ chức, triển khai cho đội ngũ nhà giáo tự bồi dưỡng các module còn lại qua phần mềm trực tuyến.

Ảnh minh họa: Nhật Duy

Ảnh minh họa: Nhật Duy

Nếu các địa phương tận dụng thời điểm này tập huấn trực tuyến cho giáo viên sẽ rất phù hợp

Theo thiết kế trên phần mềm tập huấn mà Bộ Giáo dục đang triển khai thì đội ngũ giáo viên phổ thông sẽ tập huấn trực tuyến 9 module chương trình mới để trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học cho giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới đây.

Đến nay, đa phần các địa phương mới triển khai được 3 module đến đội ngũ nhà giáo trong năm học vừa qua. Theo kế hoạch thì module tiếp theo mà giáo viên được bồi dưỡng có tên là: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.

Rõ ràng, đây là một module rất quan trọng vì nó liên quan đến việc xây dựng các kế hoạch giáo dục ở các nhà trường và của từng giáo viên phổ thông khi thực hiện chương trình mới.

Đặc biệt là thời gian vừa qua thì trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến tranh luận về nội dung Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH và Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH của Bộ hướng dẫn việc thực hiện các kế hoạch giáo dục trong năm học tới đây ở lớp 6.

Thế nhưng, đến thời điểm này chỉ trừ một số địa phương phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh…là chưa kết thúc năm học 2020-2021, các địa phương còn lại đã hoàn thành tất tất cả công việc của năm học trước, thậm chí là việc thi tuyển sinh 10 của nhiều tỉnh cũng đã xong được cả tháng trời rồi…

Lúc này, chỉ còn những cán bộ, giáo viên ở cấp Trung học phổ thông phải tham gia coi thi, chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là bận bịu nhưng đa phần những thầy cô giáo ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở thì đã nghỉ hè hơn 1 tháng qua.

Trong khi, lớp 2 ở cấp Tiểu học và lớp 6 ở cấp Trung học cơ sở sẽ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 6- lớp học chịu tác động trực tiếp của hướng dẫn ở Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH trong năm học tới.

Lúc này, nếu mà Sở, Phòng Giáo dục ở các địa phương chủ trương triển khai việc tập huấn trực tuyến module 4 cho giáo viên ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thì rất phù hợp vì phần lớn giáo viên 2 cấp học này đang nghỉ hè ở nhà.

Hơn nữa, nhiều thầy cô đang trong địa bàn giãn cách xã hội nên việc ở nhà bồi dưỡng chuyên môn qua phần mềm trực tuyến sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc triển khai các module trước đây.

Bởi, việc tập huấn 3 module trước đây, giáo viên vừa dạy trên lớp, vừa chấm bài, vừa bồi dưỡng chuyên môn, vừa làm bài tập…vì các module trước triển khai vào thời điểm ôn tập và kiểm tra học kỳ nên giáo viên rất vất vả.

Nên tận dụng thời điểm còn lại của dịp hè để bồi dưỡng những module tiếp theo

Chúng tôi cho rằng, trước sau gì thì giáo viên phổ thông cũng phải bồi dưỡng chương trình mới qua các module mà các trường sư phạm đã xây dựng thì mới có thể nắm bắt được những nội dung cốt yếu nhất của việc thay đổi chương trình lần này.

Đằng nào thì giáo viên cũng phải học, phải tập huấn- đó là công việc mà đội ngũ nhà giáo đã xác định từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là tập huấn lúc nào sẽ phù hợp và đem lại hiệu quả nhiều nhất cho giáo viên thì lãnh đạo Bộ và các Sở cần phải tính toán cho phù hợp.

Chẳng hạn, 3 module trước triển khai vào những thời điểm chưa phù hợp, đó là lúc các nhà trường đang tổ chức ôn tập và kiểm tra hoc kỳ. Những thời điểm như vậy giáo viên rơi vào trạng thái quá tải và hiệu quả việc tập huấn không cao vì họ có quá nhiều công việc cùng một lúc.

Nhưng bây giờ, thời điểm nghỉ hè, các Sở có thể triển khai một vài module còn lại, nhất là đối với modul thứ tư sẽ giúp cho giáo viên tự bồi dưỡng được kĩ lưỡng hơn bởi lúc này công việc của giáo viên không nhiều.

Họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc tập huấn chuyên môn của mình. Nếu việc triển khai tập huấn các module còn lại mà lần lữa không làm được trong thời điểm này thì khi sang tháng 8 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Lúc đó, các nhà trường sẽ tập trung cho nhiều đầu công việc như: ôn tập và kiểm tra lại cho học sinh; tuyển sinh đầu cấp; vận động học sinh trở lại trường và chuẩn bị cho việc tựu trường...

Điều quan trọng là một khi mà giáo viên chưa nắm kĩ nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai, thực hiện giảng dạy trên lớp.

Chỉ tiếc là không hiểu sao việc tập huấn chương trình mới trong gần 2 tháng qua ở nhiều địa phương bị chững lại, không triển khai được đến đội ngũ nhà giáo. Trong khi đó, các module còn lại tương đối nhiều…

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng chỉ đạo các Sở tận dụng thời gian còn lại của dịp nghỉ hè này để triển khai những module tiếp theo nhằm giúp cho đội ngũ nhà giáo hoàn thiện dần việc tự bồi dưỡng chương trình mới bởi đây là thời điểm khá phù hợp để triển khai công việc này.

Nếu để đến đầu tháng 8 hoặc cận năm học mới mới triển khai thì giáo viên lại tất bật mà hiệu quả việc học tập sẽ hạn chế hơn bây giờ là điều chắc chắn bởi lúc đó giáo viên lại phải đối mặt với nhiều công việc cùng một lúc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Văn Minh