Theo sách giáo khoa lớp 6 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn Khoa học tự nhiên được viết theo từng mạch nội dung chương trình của từng chủ đề Sinh học, Vật lý và Hóa học. Đối với môn Lịch sử và Địa lý thì được các tác giả sách giáo khoa viết theo 2 phần hoàn toàn riêng biệt.
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về 2 môn tích hợp như sau: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: etep.moet.gov.vn. |
Trong quá trình tập huấn trực tuyến các module mà Bộ đã triển khai trong thời gian qua thì giáo viên cũng được bồi dưỡng gần như riêng lẻ theo từng phân môn. Vì thế, nhiều giáo viên dưới cơ sở vẫn đinh ninh là khi bước vào thực hiện chương trình mới thì phân môn của giáo viên nào thì người đó dạy.
Chỉ có những chủ đề chung, có liên quan kiến thức giữa các phân môn với nhau thì giáo viên mới phải thực hiện chung mà thôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay thì Bộ đã có hướng dẫn để bồi dưỡng giáo viên sẽ đảm nhận cả môn tích hợp.
Có bắt buộc giáo viên phải bồi dưỡng để lấy chứng chỉ?
Ngày 12/7/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng của tác giả Thanh An, bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo.
Tuy nhiên, khi bài viết này được một số thầy cô giáo chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội của giáo viên thì nhiều người vẫn hoài nghi và cho rằng giáo viên không phải học chứng chỉ này bởi sách giáo khoa viết theo từng phân môn thì việc ai người đó làm…
Thế nhưng, ngày 21/7/2021 thì Bộ Giáo dục đã ban hành 2 Quyết định, đó là Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở thì đa phần giáo viên đã tin là mình sẽ phải đi bồi dưỡng chuyên môn trong thời gian tới đây.
Nếu không tham gia bồi dưỡng để có chứng chỉ môn tích hợp thì e rằng giáo viên sẽ khó mà được phân công giảng dạy, vì khi đọc kĩ nội dung trong 2 Quyết định, dù không có chữ nào dùng từ “bắt buộc” nhưng 2 văn bản này vẫn là yêu cầu bắt buộc vì những câu chữ đã thể hiện khá tinh tế.
Đó là, 2 Quyết định đã viện dẫn Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT khi yêu cầu giáo viên phổ thông phải nắm vững chuyên môn, thành thạo nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Bên cạnh đó, 2 văn bản này còn viện dẫn thêm Nghị quyết số 29-NQ/TW Ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được sử dụng làm cơ sở để xác định năng lực (kiến thức, kỹ năng) đầu vào của giáo viên là đối tượng tham gia bồi dưỡng.
Đồng thời, cả 2 Quyết định đều nhấn mạnh: Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.
Với hướng dẫn như thế này thì chắc chắn những giáo viên dạy 2 môn học này phải tham gia học tập để có chứng chỉ vì theo hướng dẫn của 2 Quyết định thì khi bồi dưỡng xong chương trình mới “được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.
Vì thế, nếu giáo viên tham gia không bồi dưỡng làm sao đáp ứng được theo yêu cầu của Bộ, của các nhà trường để đạt được “điều kiện tối thiểu” mà giảng dạy chương trình mới?
Bộ hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp liệu có muộn màng?
Nếu theo hướng dẫn của 2 Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”. Điều này cũng đồng nghĩa là giáo viên phải bồi dưỡng trước khi bắt tay vào dạy 2 môn tích hợp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Và, thực tế thì có một số trường đại học sư phạm đã thông báo chiêu sinh mở lớp bồi dưỡng 2 môn học này từ cuối tháng 5/2021.
Nhưng, mãi đến thời điểm cuối tháng 7/2021 thì Bộ mới ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý…
Trong khi, nếu như không có dịch bệnh Covid-19 hoành hành và mọi chuyện diễn ra bình thường như mọi năm thì từ nay đến lúc tựu trường năm học 2021-2022 chỉ còn khoảng 1 tháng nữa.
Và, theo hướng dẫn của 2 Quyết định này thì thời gian bồi dưỡng cho giáo viên về 2 môn học này nếu học liên tục sẽ kéo dài tới 3 tháng, còn nếu học theo kiểu các ngày cuối tuần hoặc học theo hình thức tích lũy tín chỉ sẽ còn lâu hơn rất nhiều. Nhưng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, làm sao để các thầy cô giáo dạy 02 môn tích hợp mới đủ thời gian để học bồi dưỡng trước khi bước vào năm học mới?
Vậy, tiêu chí “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí” sẽ không được đảm bảo theo hướng dẫn.
Hơn nữa, một khi Bộ ban hành văn bản gửi về các địa phương thì các Sở mới làm kế hoạch gửi về các Phòng giáo dục và Ban Giám hiệu các nhà trường…
Như vậy, rất có thể là năm học tới đây- khi mà thực hiện chương trình mới ở lớp 6 thì phần lớn giáo trên cả nước sẽ chưa thể tham gia bồi dưỡng về 2 môn học này.
Thật tiếc là chương trình tổng thể, chương trình môn học cũng đã thông qua được mấy năm nay nhưng việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên đảm nhận 2 môn học này thì mãi bây giờ mới được triển khai…
Điều đáng nói là theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì kinh phí bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý được quy định như sau:
- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương.
- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng.
- Do người học tự đóng góp.
Giáo viên vốn đã khổ vì phải bỏ tiền ra học lấy các loại chứng chỉ, nay lại thêm loại chứng chỉ mới mà Quyết định của Bộ để ngỏ khả năng "kinh phí do người học tự đóng góp", lại thêm một nỗi lo, một khoản tiền phải chuẩn bị.
Nhưng về mặt quản lý nhà nước, hiểu thế nào về yêu cầu "Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học" trong 02 quyết định trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thời gian vào năm học mới không còn bao lâu? Yêu cầu này có liên quan gì đến khả năng bỏ ngỏ "kinh phí do người học tự đóng góp"?
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT
- Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.