Đôi điều băn khoăn về cuốn sách giáo khoa Ngữ Văn 6 bộ Kết nối

16/08/2021 06:55
Mai Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trang 35 giải thích “đàm đạo” là “nói chuyện, trao đổi với nhau một cách thân mật”. Liệu một cuộc trò chuyện giữa hai đứa trẻ có được gọi là “đàm đạo” không?

Đọc cuốn sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống do Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng Tổng Chủ biên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân Hoa làm chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, độc giả là một giáo viên giảng dạy Ngữ văn bậc Trung học cơ sở có gửi về cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một số băn khoăn xung quanh cuốn sách.

Cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều điểm khiến người đọc băn khoăn. Ảnh: Độc giả cung cấp
Cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều điểm khiến người đọc băn khoăn. Ảnh: Độc giả cung cấp

Nhiều giải thích thiếu thuyết phục, gây khó cho người dạy, người học

Theo các tác giả viết sách, “Thủy đình: đình được xây trên mặt nước” (trang 14, tập 2). Cách giải thích này là chưa thực chuẩn xác, sơ sài có thể khiến học sinh không hiểu và dùng từ chính xác. Thủy đình thường được nhắc đến là sân khấu biểu diễn của nghệ thuật biểu diễn múa rối nước, với một đình nhỏ dựng trên mặt nước.

Trang 35 giải thích “đàm đạo” là “nói chuyện, trao đổi với nhau một cách thân mật”. Liệu một cuộc trò chuyện giữa hai đứa trẻ có được gọi là “đàm đạo” không? Ngay cả khi hai người lớn hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình thì đó cũng đâu có phải là “đàm đạo”? Giải nghĩa như sách giáo khoa Ngữ văn 6 thì học sinh dùng từ thế nào?

- Trang 71 giải thích “mợ” là “từ dùng để gọi mẹ trong gia đình trung lưu thời trước”. Giải thích như vậy thì học sinh sẽ hiểu lời vú già trong truyện: “Mợ còn đi ăn cỗ đến trưa mới về” thế nào? Nhân vật “mợ” trong truyện đâu có phải “mẹ” của vú già? Chưa kể, giải thích như sách giáo khoa thì các gia đình thượng lưu có dùng từ “mợ” để gọi dâu con trong nhà không?

- Trang 110 trích du ký “Cô Tô” của Nguyễn Tuân: “Tiếng gió càng ghê rợn mỗi khi nó thốc vào, vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ. Nó rít lên rú lên như cái kiểu người ta vẫn thường gọi là quỷ khốc thần linh”. Trong khi đó, thành ngữ này chuẩn là quỷ khốc thần kinh (quỷ khóc, thần khiếp sợ) chứ không phải quỷ khốc thần linh. Giả sử nếu nhà văn có dùng thành ngữ không đúng, thiết nghĩ sách giáo khoa cũng nên đính chính để không gieo vào đầu học sinh một cách viết sai.

- Trang 116 giải thích thành ngữ “thương hải tang điền” là “bãi bể (biến thành) nương dâu, chỉ những biến đổi lớn lao”. Theo Từ điển tiếng Việt, “bãi” là “khoảng đất bồi ven sông, ven biển hoặc nổi lên ở giữa dòng nước lớn”. Trong câu chữ của thành ngữ “thương hải tang điền”, không hề có từ nào chỉ “bãi biển”. “Thương hải” chỉ đơn giản là “biển xanh” thôi, chứ không phải là “bãi biển”. Nơi xưa kia là biển mà nay biến thành nương dâu thì biến chuyển như thế mới đáng gọi là “biến đổi lớn lao” chứ! Còn một bãi bồi, dù là bãi sông hay bãi biển, biến thành nương dâu thì có gì đáng gọi là “biến đổi lớn lao”?

- Trang 119 giải thích “đạo sĩ” trong câu thơ của Nguyên Hồng “Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ” như sau: “ở đây chỉ hình ảnh người thầy được ngưỡng mộ trong mắt học trò”. Nếu sách giáo khoa không giải thích nghĩa đen của từ “đạo sĩ” thì học sinh khó có thể hiểu được từ này liên hệ với từ “thần tiên” thế nào và vì sao trong câu thơ ấy thầy giáo lại được ví như một vị đạo sĩ.

Tập 2 sách Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng có nhiều điểm khiến người đọc băn khoăn.

Trang 11 giải thích “lạc hầu” là “quan văn giúp việc cho Vua Hùng”. Tuy nhiên, theo “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học thì “lạc hầu” là “chức quan cao nhất thời Hùng Vương” (trang 535); “lạc tướng” là “người đứng đầu một bộ lạc thời Hùng Vương” (trang 536). Còn theo quyển “Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập” (Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên, NXB Giáo dục, 2001) thì mãi cho đến khi Lý Nam Đế giành được độc lập, lên ngôi Hoàng đế (năm 544), nhà vua mới phong Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ. Triều đình thời Hùng Vương liệu đã có hai ban văn võ?

Trang 74 giải thích “tâm địa” như sau: “lòng dạ của con người (thường là xấu xa, hiểm độc)”. Sách dạy học sinh như vậy thì làm sao các em còn có niềm tin vào con người? Nếu muốn giải thích là từ “tâm địa” thường được dùng với ý nghĩa tiêu cực thì sao không viết rõ ra: “lòng dạ con người (thường được dùng với nghĩa xấu)”?

Trang 86 dạy học sinh về từ mượn như sau: “Một số từ mượn các ngôn ngữ châu Âu được Việt hóa gần như hoàn toàn, nhất là những từ đơn như săm, lốp, bom,…”. Theo tìm hiểu, trong tiếng Pháp, “enveloppe” chắc chắn không phải từ đơn, còn “chambre à air” không những không phải từ đơn mà là một cụm từ hẳn hoi. Chỉ khi các từ ngữ ấy được người Việt Nam mượn và Việt hóa thành “lốp”, “săm” thì các từ mượn này mới là từ đơn.

Chú thích được độc giả cho là gây hiểu nhầm. Ảnh: Độc giả cung cấp

Chú thích được độc giả cho là gây hiểu nhầm. Ảnh: Độc giả cung cấp

Thiếu tính nhất quán

Hơn bất cứ loại tài liệu nào, sách giáo khoa phải bảo đảm tính nhất quán cao. Mỗi tập sách có hẳn một bảng giải thích thuật ngữ (gọi là Phụ lục 2; trang 134 – 135, tập 1 và trang 111 – 112, tập 2). Tuy nhiên, nhiều định nghĩa trong bảng này không khớp với định nghĩa đã dạy học sinh ở các bài học.

Ở bài học về truyền thuyết, sách giáo khoa định nghĩa: “Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các sự kiện và nhân vật ít nhiều có liên quan đến lịch sử, thông qua sự tưởng tượng, hư cấu” (trang 4, tập 2). Nhưng đến bảng phụ lục thì truyền thuyết từ “truyện dân gian” bỗng trở thành “truyện cổ dân gian” và các đặc điểm nghệ thuật được đảo vị trí thành “hư cấu, tưởng tượng”, chứ không phải “tưởng tượng, hư cấu” nữa. Đáng nói, bảng phụ lục cắt nghĩa “hư cấu” là “tưởng tượng”.

Ở bài học về văn bản đa phương thức, sách giáo khoa định nghĩa: “Văn bản đa phương thức là loại văn bản có sử dụng phối hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ như kí hiệu, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh,…” (trang 77, tập 2). Đến bảng phụ lục, bỗng nhiên định nghĩa được bổ sung thêm một phương tiện nữa là “âm thanh”. Hai định nghĩa chỉ thống nhất với nhau ở một điểm rất khó hiểu: Mặc dù gọi loại văn bản này là “văn bản đa phương thức” nhưng nội dung định nghĩa cho thấy đó là văn bản “đa phương tiện”, chứ không phải “đa phương thức”. Nếu học sinh thắc mắc: “Các văn bản đa phương thức này được tạo ra bằng những phương thức nào?”, chắc thầy cô khó mà giải thích nổi.

Linh hồn của sách giáo khoa Ngữ văn là các sáng tác văn học, vì vậy, việc giới thiệu tác giả của những sáng tác này cũng cần được quan tâm thỏa đáng. Nhưng đọc hai tập Ngữ văn 6, độc giả không khỏi bất ngờ là một số nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đức Mậu chỉ được giới thiệu vắn tắt bằng một dòng chú thích dưới chân trang. Còn một nhà thơ trẻ mới có sáng tác được đưa vào sách giáo khoa lại được giới thiệu với rất nhiều lời có cánh. Trong khi đó, một số tác giả nước ngoài, dù không phải những tên tuổi lớn trên thế giới, thì được giới thiệu trân trọng kèm cả ảnh chân dung ở phần nội dung chính (ví dụ, trang 66, tập 2).

Các tên riêng nước ngoài và từ mượn trong sách cũng có tình trạng mỗi từ viết một kiểu. Ví dụ: Các nhà thơ, nhà văn nước ngoài, người thì được chua tên gốc bên cạnh tên phiên âm, ví dụ: Ra-bin-đơ-ra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore); người thì chỉ trần sì có cái tên phiên âm, như: Han Cri-xti-an An-đéc-xen, Giong-mi Mun, Ra-xun Gam-da-tốp,…

Sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa Ngữ văn rất cẩn sự chỉn chu, thống nhất để học sinh được học những tác phẩm hay, có tính chuẩn xác, giàu giá trị nhân văn. Vị giáo viên này mong muốn sách giáo khoa làm sao để người dạy và người học không còn băn khoăn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mai Lan