Ngày 25/4/2021, Báo Thanh Niên đưa tin, học sinh lớp 2 ở Thành phố Hà Nội sẽ không học sách Tiếng Việt 2 - Cánh Diều vào năm học 2021-2022.
Từ thông tin này, chúng tôi tìm đọc bản điện tử sách Tiếng Việt 2 (tập 1) - Cánh Diều (tác giả Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành) thì thấy rằng, nội dung cuốn sách này còn nhiều điều rất đáng quan tâm.
Thứ nhất, sách lạm dụng văn bản dịch của nước ngoài. Cụ thể đó là các văn bản: “Một ngày hoài phí” (Xu-khôm-lin-xki, Lê Vân dịch, trang 17-18); “Mít làm thơ” (theo Nô-xốp, Vũ Ngọc Bình dịch, trang 25-26); “Sinh nhật của Maria” (Theo A-mô-na-svi-li, Vũ Nho dịch, trang 29);
“Phần thưởng” (phỏng theo Blai-tơn, Lương Hùng dịch, trang 34); “Chậu hoa” (theo A-mô-na-svi-li, Vũ Nho dịch, trang 52, 53); “Ươm mầm” (theo sách “Thời thơ ấu của các đại văn hào”, Nguyễn Hương dịch, trang 90, 91); “Bím tóc đuôi sam” (phỏng theo Ku-rô-y-a-na-gi, Phí Văn Gừng dịch, trang 146).
Cần biết rằng, học sinh lớp 2, nhiều em chưa thể đọc thông viết thạo một trang sách, nhưng phải đọc phiên âm những từ ngữ nước ngoài dẫn đến quá tải trong việc học tiếng.
Là người nghiên cứu ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng, học sinh chỉ mới lên 7 tuổi nhưng phải học hàng loạt văn bạn dịch sẽ làm phá vỡ cấu trúc ngôn ngữ - tư duy - đặc trưng văn hóa dân tộc khi tri nhận về thế giới khách quan.
Năm 2020, trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều bài viết phê bình sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, trong đó có ý kiến không nên đưa văn bản bản dịch của nước ngoài vào sách giáo khoa ở bậc tiểu học.
Bởi hiếm hoi lắm mới có một văn bản dịch đạt đến độ mượt mà, trong trẻo, đạt đến độ nhuần nhuyễn tiếng Việt như bài thơ “Gửi lời chào lớp Một” (theo Hữu Tưởng).
Hơn nữa, học sinh của chúng ta cho dù ở miền ngược hay miền xuôi, đồng bằng hay thành thị thì những hình ảnh như: con cò, con trâu, cây đa, bến nước, sân đình, cánh đồng lúa… vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của con trẻ.
Điều đáng nói là, những hình ảnh quen thuộc, thân thương, giản dị mang đậm bản sắc văn hóa Việt như thế này có đầy ở ca dao dân ca, tục ngữ, thành ngữ, truyện dân gian thì đâu nhất thiết phải đưa những văn bản dịch xa lạ từ trời Tây cho học sinh học.
Văn bản dịch của nước ngoài. |
Thứ hai, có ngữ liệu nội dung khiên cưỡng, thậm chí thiếu tính giáo dục đã từng gây tranh cãi trên báo chí một thời gian dài nhưng đội ngũ tác giả vẫn đưa vào sách Tiếng Việt 2 – Cánh Diều.
Chẳng hạn như văn bản “Mít làm thơ” (theo Nô-xốp, Vũ Ngọc Bình dịch, trang 25-26) là một minh chứng.
Văn bản "Mít làm thơ". |
“1. Mít là một cậu bé rất ngộ nghĩnh. Một lần, Mít đến nhà thi sĩ Hoa Giấy học làm thơ. Hoa Giấy bảo:
- Thơ phải có vần. Hai tiếng có phần cuối giống nhau thì gọi là bắt vần với nhau. Cậu hãy tìm một tiếng vần với bé xem nào!
- Phê - Mít đáp.
- Phê là gì? Vần thì vần nhưng phải có nghĩa chứ.
- Mình hiểu rồi. Thật kì diệu!
Về đến nhà, Mít đi đi lại lại lại, vò đầu bứt tai. Đến tối thì bài thơ hoàn thành.
2. Mít gọi các bạn đến, tặng thơ. Đây là bài thơ tặng Biết Tuốt:
Một hôm đi dạo qua dòng suối
Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối.
Biết Tuốt la lên:
- Tớ nhảy qua con cá chuối bao giờ?
- Nói cho có vần thôi! - Mít giải thích.
- Vần gì thì cũng phải đúng sự thật chứ!
Các bạn không muốn nghe thơ Mít nữa. Họ cho là Mít định chế giễu họ và dọa không chơi với Mít.
Đó là lần đầu tiên Mít làm thơ.”
Chúng tôi cho rằng, học sinh lớp 2 rất khó hiểu nội dung “Thơ phải có vần. Hai tiếng có phần cuối giống nhau thì gọi là bắt vần với nhau” vì liên quan đến luật thơ. Và chắc nhiều bạn đọc cũng có chung cảm nhận như chúng tôi, văn bản “Mít làm thơ” đọc lên nghe vô duyên, gượng ép.
Hoặc văn bản “Bạn của nai nhỏ” (trang 74, 75) cũng rất đáng bàn về tính giáo dục mà nội dung bài học này hướng đến.
Văn bản “Bạn của nai nhỏ” |
1. Nai Nhỏ xin phép đi chơi xa cùng bạn, nai cha nói:
- Cha muốn biết bạn con thế nào.
2. - Có lần, chúng con gặp một hòn đá to chặn lối. Bạn con chỉ hích vai, hòn đá đã lăn sang một bên.
Cha nai nhỏ hài lòng:
- Bạn con thật khỏe. Nhưng cha chưa yên tâm.
3. Lần khác, chúng con đang đi dạo thì thấy lão Hổ hung dữ rình sau bụi cây. Bạn con đã nhanh trí kéo con chạy như bay.
- Bạn con thật nhanh nhẹn. Nhưng cha vẫn lo.
4. - Lần khác nữa, chúng con thấy gã sói hung ác đuổi bắt dê non. Bạn con lao vụt tới, húc sói ngã ngửa.
Nai cha mừng rỡ nói:
- Bạn con sẵn lòng vì người khác như thế thì cha không phải lo lắng nữa.”
(Theo Văn lớp 3, Trung tâm Công nghệ giáo dục)
Có thể nhận thấy, văn bản ca ngợi sự dũng cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác của bạn nai nhỏ. Tuy nhiên, khi gặp một hòn đá to chặn lối, thì cách tốt nhất là tìm một lối đi khác hơn là dùng vai hích hòn đá lăn sang một bên – có thể gây thương tích nếu hòn đá sắc.
Tiếp đến, “thấy gã sói hung ác đuổi bắt dê non. Bạn con lao vụt tới, húc sói ngã ngửa”, là sự liều mình một cách mù quáng, khác với dũng cảm. Đó là hành động thiếu suy nghĩ, thiếu sáng suốt và chắc chắn bản thân có thể nhận lấy hậu quả khôn lường.
Khi nhìn thấy gã sói hung ác đuổi bắt dê non, các bạn có thể la lên thật to để sói giật mình hoặc người lớn nghe thấy thì mới có thể vừa giúp bạn thoát khỏi tai họa, vừa bảo vệ bản thân an toàn trước thú dữ.
Nhìn chung, sách Tiếng Việt 2 – Cánh Diều cần phải điều chỉnh hơn nữa về mặt ngữ liệu thì mới có thể đưa vào giảng dạy, bởi văn bản thiếu chọn lọc khiến học sinh giảm hứng thú khi học tiếng mẹ đẻ, kể cả các em sẽ nhận thức sai lạc trong việc xử lí các tình huống liên quan như đã dẫn.
Tài liệu tham khảo:
[1] //sachcanhdieu.com/tv-2-tap-1/
[2] //www.nguoiduatin.vn/giat-minh-voi-cach-day-tre-lam-nguoi-tot-phan-giao-duc-a454252.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.