Thi tuyển công khai chức danh hiệu trưởng rất đáng hoan nghênh, cần nhân rộng

28/08/2021 07:17
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hình thức thi tuyển sẽ tạo điều kiện động lực cho các giáo viên trẻ phấn đấu, ai có năng lực lãnh đạo, quản lý đều có cơ hội tham gia ứng tuyển.

Những năm gần đây, một số địa phương đã thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị trường học.

Cách làm này nhằm từng bước đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tạo sự đột phá và môi trường cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai trong công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, lựa chọn những người thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng.

Mới đây nhất, ngày 18/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang đã tổ chức Khai mạc Thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kháng Nhật.

Rất nhiều chuyên gia ủng hộ cách làm này của Tuyên Quang tuy nhiên vẫn còn đó nhiều băn khoăn về hình thức thi tuyển này.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang phát biểu khai mạc kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng của trường Trung học phổ thông Kháng Nhật (ảnh: Báo Tuyên Quang)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang phát biểu khai mạc kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng của trường Trung học phổ thông Kháng Nhật (ảnh: Báo Tuyên Quang)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ hình thức thi tuyển này vì sẽ chọn được người có năng lực phù hợp với vị trí tuyển dụng là hiệu trưởng và tạo điều kiện động lực cho các giáo viên trẻ phấn đấu, ai có năng lực lãnh đạo, quản lý đều có cơ hội tham gia ứng tuyển”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, trong bối cảnh tăng quyền chủ động tích cực cho nhà trường trung học phổ thông, việc tuyển dụng này phải do chính nhà trường đó làm, các Sở, ban ngành liên quan như Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không nên can dự quá sâu vào quá trình thi tuyển hiệu trưởng vì nhà trường là nơi hiểu biết nhất về hoàn cảnh, nhu cầu, đặc điểm học sinh, giáo viên của nhà trường nên vấn đề nhà trường sẽ nắm sâu sát hơn.

Một số nơi để chọn được đúng người để bổ nhiệm vào vị trí hiệu trưởng thì có thể thông qua nhiều cách thức thi tuyển khác nhau nhưng thường là phải có phần trình bày đề án.

Trong đề án đó, ứng viên phải đề xuất được các giải pháp hợp lý trước những vấn đề thực tế của nhà trường, từ việc phân tích bối cảnh trường ra sao, đâu là điểm mạnh – điểm yếu, cơ hội – thách thức, xác định những vấn đề hiện tại, dự báo những vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai gần, chỉ ra nguyên nhân cốt lõi và đề xuất giải pháp cho mỗi nhóm các vấn đề...cho đến xác định được các nhiệm vụ và lộ trình giải quyết các vấn đề một cách logic và hệ thống.

“Thông qua bản thiết kế đề án và cách thức bảo vệ đề án mà ứng viên sẽ được xác định về năng lực lãnh đạo quản lý mang tính thực tế chứ không phải lý thuyết suông như người ta được học qua các lớp học về quản lý giáo dục”, ông Vinh nói.

Ông Vinh nói thêm, chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý của chúng ta hiện nay vẫn mang nặng tính nhồi nhét lý luận, không thích hợp với đặc điểm của giáo viên những người ít nhiều đã có trải nghiệm các thực tế về quản lý giáo dục ở các mức độ khác nhau.

Họ là những người có cả một kho kinh nghiệm vấn đề là ở chỗ cơ sở tổ chức bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý phải hiểu đối tượng bồi dưỡng, thiết kế bài giảng và tổ chức giảng dạy mang tính tích hợp để huy động hết nội lực tiềm năng (kiến thức và kinh nghiệm) của học viên, chuyển kiến thức, kinh nghiệm của học thành năng lực lãnh đạo quản lý. Đó chính là đặc điểm mang tính bản chất đào tạo bồi dưỡng theo hướng phát triển năng lực. Các bài học, bài tập tình huống (case study) rất cần được thiết kế nhiều hơn để học viên hình thành năng lực, thói quen xác định và cách giải quyết vấn đề thay vì học những mớ lý luận dài dòng mà hiệu quả thấp.

Vì thế, nếu chỉ thi về mặt lý thuyết sẽ khó đánh giá được năng lực thực tế mà chỉ là đánh giá kiến thức 'thuộc lòng" rất dễ chấm điểm nhưng sự vận dụng đó sang thực tế ra sao mới là cái chúng ta cần người lãnh đạo có năng lực "thực chiến" trước những tình huống bất định, quản lý sự thay đổi trong cuộc sống nhà trường.

Nên nhân rộng cách thức thi tuyển hiệu trưởng

Có yêu cầu đối với thí sinh thì cũng cần phải rõ tiêu chuẩn đối với thành viên của Hội đồng chấm thi. Bởi lẽ theo ông Vinh, muốn đánh giá năng lực, yêu cầu thí sinh trình bày, giải thích về đề án thì đòi hỏi thành phần Hội đồng chấm thi phải là những người có năng lực, hiểu sâu về lãnh đạo quản lý giáo dục, từng làm quản lý trường học, có kinh nghiệm quản lý giáo dục, có kỹ năng về đo lường đánh giá chứ nếu cán bộ ở một số ngành khác làm giám khảo thì rất khó hiểu rõ, hiểu sâu được và có khi trở nên "ngây ngô" trong Hội đồng.

Đặc biệt, cần phải có quy định chặt chẽ về năng lực, phẩm chất đối với thành viên nằm trong Hội đồng chấm thi, dứt khoát không có quan hệ anh em, bạn bè, ruột thịt với thí sinh dự thi. Nhưng những quy định kiểu như thế này thường ít được chú ý đến.

Đối với cách thức triển khai để có thể chọn được thí sinh có năng lực, nếu thi bằng hình thức viết thì đề thi phải xuất phát từ tiêu chuẩn của người hiệu trưởng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để gắn với những tình huống cụ thể qua đó đo lường năng lực phẩm chất người lãnh đạo trưởng hiệu quả hơn….Rất nên tránh bắt các ứng viên phải học thuộc và trình bày lại những quy định (hàng trăm quy định không ai có thể nhớ hết được), nhưng những nguyên tắc và những vấn đề mang tính nguyên lý cả lãnh đạo quản lý thì không bỏ qua được.

Tác nghiệp của một hiệu trưởng nhà trường trung học phổ thông rất lớn và nhiều nội dung từ việc xây dựng kế hoạch phát triển, tổ chức thực hiện, đánh giá, điều chỉnh cho đến các tác nghiệp về thiết kế chương trình giáo dục, quản lý việc thực hiện, quản lý nguồn nhân lực, quản lý nguồn lực tài chính, tài sản cơ sở vật chất, quản lý chất lượng, quản lý học sinh, tuyển sinh, quản lý các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường...Những công việc này đòi hỏi người trúng tuyển vị trí hiệu trưởng phải khá chuyên nghiệp và chỉ có đề thi mang tính thực tế, hạn chế thi kiểu học thuộc lý thuyết sẽ giúp chọn được ứng viên xuất sắc.

Đồng thời, ứng viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng giải quyết xung đột, giải quyết vấn đề công nghệ thông tin nhất là khi hiện nay đang tiệm cận trường học thông minh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài thì học trực tuyến sao cho hiệu quả.

Từ những ưu điểm của hình thức tuyển dụng này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nên nhân rộng cách thức thi tuyển hiệu trưởng không chỉ với phổ thông mà cả với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC)

Khi phóng viên băn khoăn về việc làm sao khâu chấm thi được minh bạch thì Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, để tránh những “tù mù” thì tốt nhất là thi vấn đáp, Ban tổ chức yêu cầu thí sinh viết đề án, bảo vệ đề án công khai trước mặt hội đồng chấm thi giống như bảo vệ luận văn, luận án qua đó kiểm tra được nhiều năng lực như kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin, tư thế tác phong, cách tư duy, sự hiểu biết thực tiễn lãnh đạo quản lý của nhà trường cụ thể.

Muốn phản biện được đề án của thí sinh thì đòi hỏi thành viên của Hội đồng chấm thi phải có kiến thức uyên thâm, “thí sinh dự tuyển hiệu trưởng đạt mức 1 thì bản thân người chấm thi cầm cân nảy mực phải đạt mức 10, có vậy mới tuyển được người tài”.

Tóm lại, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thí sinh có tiêu chuẩn thì người chấm cũng cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng về trình độ, kinh nghiệm, năng lực phẩm chất để đảm bảo kỳ thi diễn ra minh bạch.

Việc tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng một cách công khai, khách quan, minh bạch, dân chủ là cách làm cần được ủng hộ không chỉ giúp nhà trường chọn được Hiệu trưởng tâm huyết, có năng lực phẩm chất tốt yếu tố mang tính sống còn cho sự phát triển nhà trường mà còn mang ý nghĩa gửi đi các thông điệp tích cực đối với hệ thống các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cần đổi mới cho phù hợp hơn với hoàn cảnh mới.

Thùy Linh