Bài thơ Bắt nạt gây nhiều tranh cãi, có nên tiếp tục để trong sách giáo khoa?

08/09/2021 06:30
Thầy Đặng Văn Toàn ( Thái Bình)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài thơ Bắt nạt thực sự có nhiều vấn đề không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học.

Mấy tuần nay, dư luận xôn xao và có phản ứng về bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách Ngữ văn 6 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống ( Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Tác giả cũng đã có phân trần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, tôi thấy những chia sẻ của tác giả không đủ sức thuyết phục.

Bài thơ Bắt nạt trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gây tranh cãi.

Bài thơ Bắt nạt trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gây tranh cãi.

Theo tôi, bài thơ này tính nghệ thuật không cao, tính giáo dục không rõ ràng, thực sự có nhiều vấn đề không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học. Tôi xin được phân tích cụ thể như sau:

Ở khổ thứ ba:

Sao không ăn mù tạt

Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?

Theo tôi, có hai điều cần nói ở đây. Trước hết, mù tạt là món gia vị được dùng trong các bữa ăn đồ hải sản, nó cay và xông lên tức thời, rất mạnh, cho nên có người ngại, sợ, không dám ăn.

Nếu chỉ dùng câu đầu để hỏi thế thôi rồi chuyển hẳn thì cũng không có gì phải nói. Nhưng tiếc là đến câu cuối tác giả lại hỏi: Sao không trêu mù tạt? Có phải là luẩn quẩn không?

Còn hai câu giữa: Đối diện thử thách đi/ Thử kẻ yếu làm gì? Chữ thử được dùng hai lần. Chắc chắn không ai bảo đây là điệp từ, là dụng ý nghệ thuật vì bản thân tôi với tư cách là người đọc không thể nhận ra điều đó. Trái lại, tôi thấy nó như một sự tùy tiện tạo ra sự rối rắm cho bài thơ.

Khổ bốn dùng hai chữ thì liền nhau thật giống văn nói. Tôi nhớ hồi nhỏ đi học, các thầy giáo, cô giáo dạy văn thường hay nhắc đến cụm hư từ thì là mà và chê là vụng.

Người làm thơ hoàn toàn có quyền nói cái gì, không nói cái gì, đưa cái này vào mà không đưa cái kia vào hoặc nói thế này chứ không nói thế khác… Vâng đó là quyền của người sáng tác. Có điều, cái dụng ý ấy, cái quyền lựa chọn ấy có tạo hiệu quả nghệ thuật hay không? Còn đã luẩn quẩn, rối rắm, vụng về thì rất khó chống chế rằng đó là nghệ thuật.

Tiếp sang khổ năm, tác giả chuyển giọng. Nhưng tôi cảm nhận rằng đó không phải chuyển giọng thơ mà là chuyển từ giọng trẻ con sang giọng người lớn:

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Bắt nạt nước khác là ngôn ngữ của các nhà ngoại giao, các nhà chính trị rồi. Người ta vẫn nói, khi làm thơ cho trẻ em, người làm thơ tự biến mình, thả hồn mình vào hồn con trẻ, lạc vào thế giới hồn nhiên của con trẻ, ngây thơ, nghịch ngợm chứ lên giọng dạy dỗ thì lại rất khó dạy được.

Vừa mới nói những điều dạy dỗ, nghiêm túc lớn lao là thế, khổ thơ tiếp theo lại cho vào một câu rất tầm thường: Đừng bắt nạt mèo, chó

Theo tôi, thơ vốn từ cuộc sống mà ra. Ngoài đời có mèo chó thì trong văn chương cũng có mèo chó. Nên mèo chó không thiếu gì trong ca dao, trong văn thơ kim cổ nhân loại. Nhưng nó phải ở hoàn cảnh khác, trong một văn cảnh khác. Vấn đề là cách dùng, là văn cảnh, là dòng cảm xúc của tác giả, tôi thấy có sự dễ dãi ở đây.

Bài thơ 32 câu mà đến 18 câu có chữ bắt nạt với 7 lần Đừng bắt nạt. Ấy vậy mà vẫn còn sơ hở. Cứ bảo Bắt nạt là xấu lắm, là rất hôi, nhưng bây giờ có hỏi nó xấu thế nảo, nó hôi ra làm sao thì tìm khắp bài thơ không thấy. Vậy người ta có thể nghi ngờ có đúng nó xấu không? Nó hôi không?

Nếu bài thơ ngắn, chỉ 5 câu, mười câu thôi, thì do yêu cầu giản lược, có khi không cần cụ thể, rõ ràng. Người đọc chắc không ai bắt bẻ làm gì. Nhưng dài đến thế này mà tác giả cứ lông bông lang bang chuyện đâu hay lặp đi lặp lại, lộn xộn với hơn chục lần lặp từ bắt nạt, mà ý nghĩa vẫn rất bí, nửa người lớn, nửa trẻ con khi nhập vai. Nhiều ý kiến cho rằng, tác giả viết cho các em với giọng tếu táo, bông phèng, dù có cố gắng thể hiện dụng ý tốt nhưng không thành công. Với bài thơ Bắt nạt, thật khó để giáo viên chỉ ra được “nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ” để từ đó “giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học”.

Theo tôi, bài thơ là sự tếu táo, bông phèng nếu đọc vui ở ngoài thì được chứ đưa vào sách giáo khoa lại là một câu chuyện rất khác.

Giáo dục trẻ em phải tường minh, với ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đại chúng. Không thể mang thứ ngôn ngữ "mù tạt" và điệu nhảy híp hốp để cho rằng giờ lớp trẻ cần phải hiểu thứ văn hóa thị thành, văn hóa đường phố. Trẻ em vùng cao, như ở vùng nông thôn, vùng núi khó khăn liệu có thể mang thứ "mù tạt" kia ra thách đố để thử lòng dũng cảm không? Bởi có em được đi học, được ăn bữa cơm có thịt đã là cả mơ ước, lấy đâu mà đòi "thử thách mù tạt"!

Cá nhân tôi cho rằng, bài thơ Bắt nạt còn nhiều yếu tố không phủ hợp, chưa đủ thuyết phục về tính nghệ thuật và giáo dục để đưa vào trong sách giáo khoa.

Trước khi chắp bút viết những dòng này, tôi cũng được không ít thầy cô đang trực tiếp đứng lớp tại các trường Trung học cơ sở nhắn tin chia sẻ: "Anh ơi, anh viết bài gửi báo chí đi. Chúng em thấy bất hợp lý nhưng không ai dám lên tiếng". Tôi tin các thầy cô cũng như tôi, góp ý, chia sẻ tâm tư của mình đều với mong muốn để những cuốn sách giáo khoa có chất lượng tốt nhất đến với học sinh.

Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xem xét và thẩm định lại về việc cho bài thơ trên vào sách giáo khoa đã phù hợp?.

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.

Thầy Đặng Văn Toàn ( Thái Bình)