Dạy học qua truyền hình, cần nhất là tổ chức các hoạt động học tập

12/09/2021 06:36
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy học qua truyền hình có ưu việt là dễ tiếp cận tới tận từng người học, bất kể giàu nghèo, có chi phí thấp nếu tận dụng được hệ thống mạng lưới truyền hình.

Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, học sinh tạm ngừng đến trường để phòng chống dịch, vì thế việc dạy học cũng cần thay đổi với nhiều phương pháp để kết quả học tập đạt hiệu quả tốt hơn, và dạy học trên truyền hình là một trong những phương pháp đó.

Dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học khá truyền thống, đã được triển khai rất phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từ rất lâu, hình thức này có ưu việt là dễ tiếp cận tới tận từng người học, bất kể giàu nghèo, có chi phí thấp nếu tận dụng được hệ thống mạng lưới truyền hình trung ương và địa phương cùng phối hợp.

Thầy Đặng Minh Tuấn - Giảng viên Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Đặng Minh Tuấn - Giảng viên Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Đặng Minh Tuấn - Giảng viên Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề dạy học qua truyền hình.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Đối với các thành phố lớn thì kênh truyền hình không mấy hữu ích bởi ở đây có quá nhiều phương tiện hỗ trợ học tập như mạng Internet, điện thoại thông minh, thiết bị kết nối… nhưng trên thực tế, kênh truyền hình lại có lợi thế lan tỏa được đến tất cả các ngóc ngách của từng địa phương, vùng sâu, vùng xa, có thế mạnh về việc phủ sóng cũng như không hạn chế về mặt đường truyền hay đòi hỏi thiết bị thông minh.

Điều thứ 2, học sinh ở nhiều địa phương không có điều kiện để mua sắm các thiết bị kết nối thông minh với Internet như học sinh ở thành phố, vậy nên triển khai việc dạy học qua truyền hình là một phương án khá tối ưu để tiếp cận với những vùng khó khăn về kinh tế.

Ngoài câu chuyện sóng truyền hình đến được khắp mọi nơi, việc dạy học qua truyền hình cũng sẽ đỡ được khá nhiều về tài chính, chi phí về đường truyền Internet, mua sắm thiết bị… cho cha mẹ học sinh trong thời gian các em không được đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Hiện có 2 kênh thông tin uy tín là kênh Radio và kênh truyền hình tiếp cận được từ đầu đến cuối mọi thông tin đến với người dân. Kênh Radio không có hình, trong khi truyền hình có cả hình và tiếng giúp cho việc tiếp cận được một lượng thông tin nhất định đối với học sinh.

Hiện nay, các giáo viên bắt đầu làm quen với việc dạy học trực tuyến, không còn sự tương tác trực tiếp với học sinh. Thông thường giáo viên chọn hình thức dạy qua mạng như Zoom, Microsoft Teams. Thứ hai là dạy học thông qua việc ghi lại video phát trên kênh truyền hình để giúp truyền tải kiến thức cho người học khi không gặp được trực tiếp. Việc dạy như vậy giúp học sinh tiếp nhận thông tin, không bị đứt gãy kiến thức, tạo nề nếp học tập tốt trong thời gian tạm ngừng đến trường”.

Muốn hiệu quả khi dạy và học qua truyền hình

Theo thầy Tuấn: “Dạy học trên truyền hình, việc cần khắc phục là người dạy phải chuyển đổi được tâm thế thành một giáo viên “số”, không phải áp nguyên cách dạy trực tiếp sang để dạy trực tuyến trên truyền hình. Một điều nữa là phải thay đổi học liệu số bởi giáo viên không thể dùng giáo án, tài liệu như dạy trực tiếp trên lớp mà phải có những học liệu thích hợp để dạy.

Một trong những nguyên tắc quan trọng của tài nguyên học liệu trực tuyến là cần phải được phân đoạn, chia nhỏ. Do đó, nguyên tắc phân đoạn và chia nhỏ tài nguyên có yêu cầu là mỗi đơn vị tài nguyên học liệu phải được thiết kế sao cho có tính độc lập tương đối. Thời lượng để người học tiếp nhận nội dung cần đủ ngắn, không đòi hỏi người học phải tập trung xem hiểu, nghe hiểu hay đọc, hiểu liên tục quá lâu.

Đặc biệt, người dạy cần lưu ý tốc độ triển khai bài dạy trên truyền hình không được quá nhanh nhất là với học sinh cấp 1, hơn nữa các bài dạy phải được đài truyền hình phát lại từ 2 đến 3 lần vào khung giờ cố định để học sinh và các thầy cô tiện theo dõi.

Học qua truyền hình, người học cũng phải trở thành người học “số”, có nghĩa là tâm thế hay cách thức học phải thật chủ động, nghiêm túc mới được. Còn nếu người học vẫn nguyên tâm thế “cũ” rồi áp vào việc học qua truyền hình thì sẽ không bao giờ hiệu quả. Thầy cô đã rất cố gắng để dạy, thì học trò cũng phải rất cố gắng, chủ động học tập, hai vấn đề đề này cần phải thay đổi, nếu lệch một trong hai vế thì khó mà thành công trong việc học".

Trên thực tế, kênh truyền hình lan tỏa được đến tất cả các ngóc ngách của từng địa phương, vùng sâu, vùng xa, có thế mạnh về việc phủ sóng cũng như không hạn chế về mặt đường truyền hay đòi hỏi thiết bị thông minh. Ảnh minh họa: H.A.

Trên thực tế, kênh truyền hình lan tỏa được đến tất cả các ngóc ngách của từng địa phương, vùng sâu, vùng xa, có thế mạnh về việc phủ sóng cũng như không hạn chế về mặt đường truyền hay đòi hỏi thiết bị thông minh. Ảnh minh họa: H.A.

Thầy Tuấn cho biết: "Việc học thông qua màn hình ti vi chứ không phải trực tiếp, như vậy là phần tương tác trực tiếp không có, nên các hành động, ánh mắt của giáo viên dạy trên truyền hình phải làm sao để tăng tính tương tác với người học, nụ cười hay ánh mắt trìu mến với học sinh dù là qua màn hình nhưng nó vẫn có tác dụng rất tốt với tâm lí người học.

Dạy học trực tiếp hay dạy qua truyền hình thì vẫn là tổ chức các hoạt động dạy học, nhưng phần lớn hiện nay thầy cô không duy trì việc đó, mà chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, quên mất việc tổ chức dạy học, dẫn đến việc thời gian mỗi tiết học theo quy định là bao nhiêu thì thầy cô cứ dạy “chằn chặn” vừa khít thời gian và bắt học sinh nhìn lên màn hình suốt thời gian đó.

Đã là tổ chức việc dạy học, thầy cô nên tổ chức hướng dẫn học sinh phải làm gì? Có thể hướng dẫn học sinh học theo nhóm nhỏ, hoặc hoặc một mình. Có nghĩa trong thời gian tiết học đó, thầy cô nên tổ chức các hoạt động cho người học, ở những vùng xa có số lượng ti vi ít hơn, có thể hướng dẫn tổ chức 2- 3 học sinh gần nhà nhau học thành 1 nhóm… chứ không phải câu chuyện chỉ nói một chiều, và học sinh chỉ nghe một chiều, như vậy là sai hoàn toàn phương pháp giảng dạy.

Giáo viên phải khơi gợi được việc tổ chức các hoạt động dạy học đó mới là quan trọng, học sinh không tương tác được với giáo viên, thì phải làm sao để cho các em được tương tác, với nhóm học, hoặc với anh chị em trong gia đình. Hơn nữa giáo viên phải để ý đến đặc điểm vùng miền, nên dùng những ngôn ngữ bình dân nhất. Cần tăng tính tương tác bằng cách đặt câu hỏi ngược lại, ví dụ: Với các bước làm thế này thì kết quả của em ra sao? Hoặc với bài giảng có phần hai, hôm sau có thể hỏi em đã làm đến đâu và kết quả ra sao?

Nếu học sinh làm theo nhóm thì có thể nói các em so sánh với nhau xem kết quả của mọi người thế nào? Như vậy có tính liên kết, tiếp nối với bài học hôm trước, có so sánh, kích thích sự hứng thú của đứa trẻ, biến việc học từ thụ động chuyển sang thành học chủ động. Chỉ cần một số câu hỏi như vậy đã làm tăng tính tương tác và tự học của các em lên rất nhiều. Đó cũng là tâm thế của một giáo viên số”.

Thầy Tuấn nhấn mạnh: “Giáo viên phải thay đổi tâm thế của giáo viên “số”, bài giảng “số”, không được áp nguyên xi bài giảng dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến, thay đổi từ cách giảng dạy, từ cách dẫn, đến nội dung, ngôn ngữ bình dân học vụ, dễ hiểu. Cần duy trì tổ chức các hoạt động học tập cho người học, chứ không phải thầy cô lên truyền hình đọc theo một kịch bản có sẵn, có như vậy thì việc dạy học qua truyền hình mới đạt kết quả như mong muốn”.

Cô Lồ Thị Lan - Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: NVCC.
Cô Lồ Thị Lan - Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: NVCC.

Học qua truyền hình thuận rất lợi cho học sinh các vùng miền

Thầy Anh Cường - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca (tỉnh Yên Bái) chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam. Theo thầy Cường: “Trường số 2 Hồng Ca thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên với 100% học sinh là người dân tộc H’Mông, đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vào đầu năm 2020 khi có dịch bệnh Covid-19, các em học sinh phải tạm ngừng đến trường để phòng chống dịch bệnh, nơi các em sinh sống hầu hết ở những thôn bản vùng sâu không có mạng Internet, nên rất khó khăn trong việc dạy học trực tuyến và qua mạng xã hội. Chính vì vậy, các thầy cô đã rất vất vả khi tổ chức việc học tập cho các em. Nếu như chúng ta triển khai được các bài giảng qua truyền hình sẽ rất tốt, thuận lợi cho các em học sinh trau dồi kiến thức.

Mặc dù tỉ lệ số hộ có ti vi trong bản chưa nhiều nhưng vẫn hơn là không, dựa vào đó có thể tổ chức từ 2 đến 3 em học cùng một nhóm, cùng trao đổi bài vở thì vẫn có ích hơn là không được học. Nếu em nào chưa theo kịp thì đến khi được quay trở lại trường học, thầy cô sẽ phụ đạo thêm".

Cô Lồ Thị Lan - Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo cô Lan: “Học sinh nơi đây đều là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn, các hộ dân đều sinh sống trong bản nên rất khó có đường truyền Internet, và không có điều kiện kinh tế để mua sắm các thiết bị thông minh phục vụ việc học trực tuyến, mà nếu có thì việc chi trả cước nhà mạng hàng tháng cũng là số tiền không hề nhỏ với người dân tộc nơi đây chủ yếu sinh sống bằng việc làm nương.

Một số hộ dân ở ngay thị trấn thì có mạng Internet nhưng không phải lúc nào đường truyền cũng đảm bảo dung lượng đáp ứng việc kết nối khi học trực tuyến, chính vì thế việc học tập qua điện thoại thông minh cũng không phải là dễ dàng thuận lợi.

Nên tôi thấy việc triển khai học trực tuyến qua truyền hình sẽ rất thuận lợi, chi phí thấp, học sinh ở bất cứ vùng nào cũng có thể theo dõi bài giảng được phát trên ti vi hàng ngày, chỗ nào chưa hiểu có thể gọi điện cho thầy cô giáo để hỏi, hoặc giáo viên giao thêm bài tập. Như vậy các em vẫn được học tập kiến thức trong khi phải tạm ngưng đến trường vì dịch bệnh".

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tùng Dương