Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.
Để lắng nghe ý kiến góp ý từ cơ sở, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Phóng viên: Theo Phó giáo sư, việc thực hiện theo dự thảo Nghị định quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đến tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới công việc của giảng viên và công tác quản trị nhân sự của Trường?
Phó giáo sư Bùi Đức Thọ: Khi Luật Giáo dục đại học năm 2012 được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 141/2013/NĐ-CP, trong đó có quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đến tuổi nghỉ hưu.
Phó giáo sư Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC) |
Theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP: “1. Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có các điều kiện sau đây:
a) Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc.
b) Cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.
2. Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.”
Còn theo Dự thảo Nghị định lần này quy định: “1. Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.
2. Thời gian kéo dài đối với những giảng viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này do cơ sở giáo dục đại học quyết định căn cứ quy định của Luật Lao động, Nghị định hướng dẫn Luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.”
Như vậy, giữa Nghị định 141/2013/NĐ-CP và dự thảo lần này có điểm khác biệt chính là thời gian kéo dài. Với Nghị định 141/2013/NĐ-CP, thời gian kéo dài là không quá 5 năm đối với giảng viên có trình độ tiến sỹ; không quá 7 năm đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư và không quá 10 năm đối với giảng viên có chức danh giáo sư.
Trong khi đó, Dự thảo lần này vận dụng quy định của Luật Lao động. Nghĩa là giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, trình độ tiến sỹ sẽ cùng có thể được kéo dài thời gian làm việc tối đa 5 năm. Đối chiếu thời gian này đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư, giáo sư có thể có tâm tư vì sẽ chỉ được kéo dài thời gian làm việc tối đa 5 năm.
Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng vận dụng theo Luật Lao động là đúng vì Luật Giáo dục đại học không quy định thời gian kéo dài.
Thực chất, cơ hội tiếp tục cống hiến trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu vẫn được mở ra cho các giảng viên đã nghỉ hưu. Luật Lao động cho phép chủ sử dụng lao động được ký hợp đồng lao động với người cao tuổi. Như vậy, kể cả hết thời gian kéo dài, đã nghỉ hưu, nếu các phó giáo sư, giáo sư, còn đủ điều kiện sức khỏe, có năng lực, có nguyện vọng và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu thì vẫn được làm việc theo các điều khoản của hợp đồng lao động. Lúc này, giảng viên vừa được hưởng lương hưu theo chế độ, vừa được hưởng thu nhập theo hợp đồng.
Theo tôi, dự thảo lần này không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp tục được cống hiến của các giảng viên khi đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời cũng không ảnh hưởng đến nguồn nhân sự phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã áp dụng ký hợp đồng lao động với giảng viên đã nghỉ hưu chưa? Nếu có thì điều khoản hợp đồng như thế nào, thưa Phó giáo sư?
Phó giáo sư Bùi Đức Thọ: Hiện nay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang ký hợp đồng với giảng viên có trình độ tiến sỹ; có chức danh phó giáo sư; giáo sư đã nghỉ hưu để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Với giảng viên có trình độ tiến sỹ được hưởng lương 8 triệu đồng/tháng; có chức danh phó giáo sư được hưởng lương 10 triệu đồng/tháng; giáo sư được hưởng lương 15 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, giảng viên ký hợp đồng lao động được hưởng chế độ phúc lợi bình đẳng như giảng viên cơ hữu. Các thầy, cô có nghĩa vụ giảng dạy 135 tiết quy đổi/năm và 293 giờ nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các thầy, cô giảng vượt giờ theo nghĩa vụ sẽ được thanh toán thu nhập tăng thêm bình đẳng như giảng viên cơ hữu.
Phó giáo sư có kiến nghị, góp ý gì cho Dự thảo Nghị định lần này?
Phó giáo sư Bùi Đức Thọ: Dự thảo lần này quy định, giảng viên trước thời điểm nghỉ hưu theo quy định, nếu có nguyện vọng phải đăng ký và nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục đại học để được xem xét kéo dài. Sau đó cơ sở giáo dục căn cứ theo nhu cầu để xét và quyết định.
Theo tôi, cần xoay lại quy trình: Cơ sở giáo dục đại học, căn cứ vào nhu cầu và đánh giá cán bộ, trân trọng mời, giảng viên sẽ xem xét và quyết định. Giảng viên đã công tác, đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, cần được hiểu là giảng viên được quyền nghỉ hưu và được hưởng các chế độ theo quy định. Cơ sở giáo dục đại học, vì cần (có nhu cầu) người giỏi, trình độ cao cho công tác giảng dạy, nghiên cứu của trường.
Do vậy, thay vì giảng viên phải đề xuất, nộp đơn, hồ sơ xin được kéo dài để được xét. Cơ sở giáo dục đại học cần có Thư trân trọng cảm ơn quá trình đóng góp, cống hiến của giảng viên (đã đến tuổi nghỉ hưu mà cơ sở giáo dục đại học vẫn cần họ tiếp tục cống hiến) và trân trọng mời họ tiếp tục cống hiến bằng việc đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Quy trình cần sửa như sau:
a) 06 tháng trước khi đến thời điểm giảng viên đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, Cơ sở giáo dục đại học đánh giá nhu cầu, đánh giá năng lực và quá trình công tác của giảng viên. Nếu cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và năng lực của giảng viên phù hợp, cơ sở giáo dục đại học đề nghị giảng viên kéo dài thời gian làm việc.
b) Giảng viên, nếu đồng ý, chuẩn bị các hồ sơ để thực hiện việc kéo dài.
Còn về tư tưởng chung, khi các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ rồi, theo tôi, Chính phủ không cần quy định về kéo dài thời gian làm việc. Cung – cầu sẽ tự tìm được đến điểm cân bằng hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn ông.