Thông tư 04 bất cập, giáo viên THPT phải làm lại hồ sơ bổ nhiệm chức danh

17/12/2021 08:53
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh phải làm lại hồ sơ bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III mặc dù trước đó đã được chuyển ngạch.

Ngày 19/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn số 2802 về việc triển khai, hướng dẫn thực hiện các Thông tư số 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, đối tượng áp dụng là viên chức giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc, giáo viên) trong các trường mầm non, phổ thông và các tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Giáo viên đã chuyển ngạch cũng phải làm lại hồ sơ bổ nhiệm chức danh

Điều 3 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15, gồm:

Nhiệm vụ; Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nên giáo viên dù đã chuyển ngạch trước thời điểm này cũng phải làm lại hồ sơ để được bổ nhiệm chức danh.

Chẳng hạn, từ năm 2017, tôi đã được bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học - mã số 15.113 vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15 thì nay cũng làm lại thủ tục theo quy định.

(Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

(Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp là giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành Bảng nhận xét đánh giá về nhiệm vụ, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III.

Giáo viên tự đánh giá nội dung tiêu chuẩn tại Điều 3 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT theo các mức đạt, chưa đạt, nếu chưa đạt thì ghi lí do. Bảng đánh giá này được gửi cho thủ trưởng đơn vị sử dụng viên chức đánh giá và ghi kết quả đánh giá đạt hoặc chưa đạt.

Dĩ nhiên, thủ trưởng đơn vị chỉ có thể đánh giá “đạt” cho viên chức vì Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trước khi Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ra đời.

Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ giáo viên phải làm lại hồ sơ để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III là do thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT.

Việc làm này vô bổ, tốn thời gian, công sức của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và cơ quan quản lí là Sở Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều giáo viên không có nhu cầu thăng hạng vì thời gian giữ chức danh dài lê thê

Theo tìm hiểu của tôi, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh không có nhu cầu, kể cả không quan tâm chuyện thăng hạng vì thời gian giữ chức danh kéo dài lê thê, lên đến 10 năm (từ hạng III lên hạng II).

Điểm i Khoản 4 Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).

Như thế, kể cả 1 năm tập sự thì giáo viên phải đủ 10 năm giảng dạy ở trường công lập mới đủ điều kiện nộp hồ sơ dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Hơn nữa, điểm b Khoản 2 Điều 7 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: sử dụng quy định về nhiệm vụ của hạng II để làm căn cứ xét thăng hạng.

Trong khi đó, đa phần giáo viên hạng III không làm nhiệm vụ của giáo viên hạng II như: Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn; Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên; Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng…

Ngoài ra, theo ghi nhận của tôi, quy định ưu tiên bằng Thạc sĩ cho giáo viên trong thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng khiến nhiều thầy cô không đồng tình.

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định, trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II nếu đã có bằng Thạc sĩ trước khi tuyển dụng, có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III đủ từ 06 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) thì được xác định đủ yêu cầu về thời gian.

Vấn đề cần bàn là, nhiều giáo viên sau khi được tuyển dụng thì tham gia học cao học lấy bằng Thạc sĩ để nâng chuẩn trình độ đào tạo. Vậy, người có bằng Thạc sĩ trước và sau thời điểm được tuyển dụng viên chức khác nhau thế nào về trình độ chuyên môn?

Cần nói thêm, theo quy định hiện hành, giáo viên có bằng Thạc sĩ trước khi được tuyển dụng viên chức thì được ưu tiên xếp lương bậc 2 – lợi hơn 3 năm so với giáo viên chỉ có bằng Cử nhân. Và khi xét thăng hạng, giáo viên có bằng Thạc sĩ trước khi được tuyển dụng viên chức lại được ưu tiên về thời gian (6 năm), liệu có công bằng?

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT lưu ý đến những bất cập như việc bổ nhiệm lại chức danh nghề nghiệp hạng III hay ưu tiên cho giáo viên có bằng Thạc sĩ trước khi được tuyển dụng viên chức đối với bậc trung học phổ thông – là bất hợp lí.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương