Học trực tuyến chưa được 2/3 sĩ số, chỉ tiêu 98% lên lớp giáo viên phải làm sao?

26/12/2021 06:54
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều nguy hại nhất là, những học sinh hiện học rất yếu nhưng bị đẩy lên lớp, con đường học tập của các em sẽ sớm kết thúc vì sự mặc cảm khi không theo kịp bạn bè.

Năm học 2021-2022 là một năm học thật đặc biệt của ngành giáo dục. Có thể nói, đây là năm học đầu tiên trong lịch sử giáo dục mà học sinh ở nhiều địa phương không thể đến trường để học. Giáo viên và học sinh chỉ được tương tác với nhau thông qua cái màn hình bé tí tẹo.

Những bài giảng truyền hình, những bài giảng được quay clip chỉ dừng ở mức giáo viên ngồi độc thoại một mình hoặc những bài dạy thông qua các nền tảng công nghệ như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: DAD/Vietnamnet.vn)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: DAD/Vietnamnet.vn)

Dù lợi thế hơn dạy học trên truyền hình vì thầy cô và học sinh được giao lưu, được tương tác với nhau nhưng chất lượng học tập của các em khi tham gia học trực tuyến kiểu này vẫn không cao.

Là một giáo viên tiểu học đang đứng lớp, người viết cho rằng nếu công tâm mà nhìn nhận, dạy và học trực tuyến trong mùa dịch chỉ tốt hơn việc học sinh không học chứ chất lượng không thể nào so sánh được với việc dạy và học trực tiếp. Dù các thầy cô giáo đã phải nỗ lực rất nhiều, đã phải làm việc gấp nhiều lần bình thường.

Nhiều người cũng đã khẳng định, dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, học vẫn hơn không. Lẽ ra, nhà trường phải thấy rõ điều này để không giao chỉ tiêu chất lượng như những năm học khác.

Thế nhưng, nhiều trường học vẫn cứ lấy chỉ tiêu học tập của những năm học bình thường áp vào năm dịch bệnh, khiến cho giáo viên đang chịu áp lực về dạy và học online càng trở nên căng thẳng và mệt mỏi.

Thi nhau áp chỉ tiêu cao chót vót yêu cầu giáo viên thực hiện

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) giáo viên một trường tiểu học tại Bình Thuận nói rằng, chỉ tiêu học sinh lên lớp thẳng năm nay của nhà trường yêu cầu giáo viên ký cam kết phải đạt 99%.

Cô giáo N. giáo viên một trường tiểu học cùng địa bàn cũng cho biết, trường mình đưa chỉ tiêu lên lớp thẳng 98%, sau khi hiệu trưởng đã cân nhắc khá nhiều nhưng với chỉ tiêu này cũng khó mà đạt được.

Nhiều lớp học trong trường chỉ huy động được 2/3 học sinh tham gia học tập. Nghĩa là cuối năm, cố gắng lắm tỷ lệ lên lớp cũng chỉ đạt khoảng 70%.

Trình bày thực trạng với nhà trường thì nhiều hiệu trưởng không nghe và khẳng định học sinh không ra lớp là do giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt.

Học sinh không tham gia học tập có phải lỗi tại giáo viên?

Thầy giáo H. cho biết, gọi điện phụ huynh không bắt máy, nhắn tin phụ huynh không trả lời, có người khi thấy cuộc gọi của giáo viên còn bấm nút bận để không phải trả lời vì sao không cho con theo học.

Có phụ huynh tế nhị hơn đã nói thẳng với giáo viên: "Cho con học cái màn hình bé tý là tôi nhất định không đồng ý vì nó sẽ đau mắt và mắc bệnh cận thị, nhưng học máy tính thì gia đình không có điều kiện nên chúng tôi sẽ cho con học lại một năm".

Đương nhiên nhà trường sẽ không đồng ý cho học sinh ở lại vì như thế sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu. Giáo viên được huy động đến tận nhà học sinh trong mùa dịch nhưng khi phụ huynh đã quyết thì thầy cô cũng không có cơ hội để thuyết phục.

Có học sinh theo học một hôm rồi lặng lẽ nghỉ học vài ba hôm, có em mở máy điểm danh cho có rồi ngồi chơi game, ngủ, đi chơi… giáo viên biết nhưng cũng chẳng thể làm gì vì một số phụ huynh không hợp tác.

Nên bỏ chỉ tiêu lên lớp

Chỉ tiêu lên lớp sẽ hại tương lai học tập của một số học sinh. Dù học yếu nhưng nếu được học lại một năm sẽ có nhiều em tiến bộ rõ rệt. Nhưng khi các em buộc phải lên lớp chắc chắn đã học yếu lại càng yếu hơn.

Dù biết rõ hậu quả buồn đối với những học sinh ngồi nhầm lớp, nhưng sợ bị quở trách, sợ bị xếp loại thi đua nhiều giáo viên sẽ tìm mọi cách lùa học sinh yếu kém lên lớp.

Điều nguy hại nhất là, những học sinh hiện học rất yếu nhưng bị đẩy lên lớp, con đường học tập của các em sẽ sớm kết thúc vì sự mặc cảm khi không theo kịp bạn bè.

Trong thực tế, chúng tôi đã gặp không ít những học trò lâm vào tình cảnh này. Chắc hẳn những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và những cán bộ chuyên viên cấp phòng, sở cũng hiểu rõ điều đó. Đáng buồn là, cái bóng thành tích quá lớn đã che lấp những khoảng tối thực tại.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Thuận Phương