Trường tôi 3 thầy cô Lý, Hóa, Sinh cùng dạy nối tiếp môn KHTN theo từng chương

01/01/2022 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hầu hết các trường hiện nay chưa có điều kiện cần và đủ để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn Khoa học tự nhiên mà vẫn bố trí 2 - 3 giáo viên cùng dạy.

Từ năm học này, cả nước đã bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt là lần đầu tiên có sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 Trung học cơ sở, môn này được xây dựng trên nền tảng tích hợp 3 môn học là Vật lý, Hóa học và Sinh học trong chương trình cũ.

Thực tế, hiện nay nhiều trường trung học cơ sở vẫn đang phải dạy riêng 3 phân môn trong môn tích hợp giống như đơn môn trước đây, bởi hầu hết các trường chưa có điều kiện cần và đủ để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn Khoa học tự nhiên mà vẫn bố trí 2 - 3 giáo viên cùng đảm nhiệm.

Cô Đinh Thị Hồng Châm – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Đinh Thị Hồng Châm – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Đinh Thị Hồng Châm – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Cô Châm cho biết: “Đây là một môn học mới và môn này có sự tích hợp của 3 phân môn Lý, Hóa và Sinh, chính vì vậy ngay từ đầu năm học nhà trường cũng không đủ nhân sự nên đã bố trí dạy theo đơn môn, thực sự ban giám hiệu nhà trường cũng rất trăn trở về vấn đề này.

Sau khi triển khai dạy được một thời gian ngắn mới thấy hướng dạy song song 3 giáo viên dạy 3 môn Lý, Hóa, Sinh như vậy không được ổn, chưa phù hợp với yêu cầu của đổi mới giáo dục. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, rồi qua các buổi tập huấn chúng tôi nhận thấy phải điều chỉnh phương pháp, hướng sẽ dạy theo bài, các mạch kiến thức đan xen sẽ phù hợp hơn với học sinh, các em tiếp thu kiến thức sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên dạy theo phương án này thì cấp quản lý, và các thầy cô lại gặp khó bởi các giáo viên dạy Hóa, Lý và Sinh không chỉ dạy riêng lớp 6, mà còn phải dạy các lớp khác nữa, vậy nên chia nhỏ ra sắp xếp theo thời khóa biểu sẽ rất khó khăn. Nhưng bù lại học sinh lại theo được mạch kiến thức, như vậy rất tốt về mặt tiếp thu và nhà trường đã quyết định triển khai dạy theo chương, theo bài trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên.

Có thể hiểu, sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 có từng chương, ví dụ dạy hết môn Lý, rồi tiết sau đến môn Hóa, lúc này giáo viên Hóa sẽ dạy tiếp, rồi đến mạch kiến thức của môn Sinh thì giáo viên dạy môn Sinh lại tiếp tục dạy, như vậy việc xếp thời khóa biểu, phân công nhân sự rất vất vả. Nhưng là đầu cấp học nên ban giám hiệu nhà trường đã “ưu tiên” khối 6, còn khối 7-8-9 các thầy cô sẽ phải dạy nhiều tiết hơn.

Hiện nay, nhà trường chúng tôi thực hiện số hóa và việc ghi chép sổ sách theo hình thức online, việc chia thời khóa biểu như vậy khiến các thầy cô phải cập nhật liên tục và thường xuyên, nhưng học sinh học theo mạch kiến thức nối tiếp lại rất tốt. Việc ghi chép bài của học sinh cũng rất khoa học, một cuốn vở chia làm 3 phần nhưng vẫn đảm bảo liền mạch kiến thức Sinh, Lý, Hóa theo yêu cầu trong sách giáo khoa, và để được như vậy thì các thầy cô trong tổ Hóa, Sinh, Địa đã phải tính toán, thống nhất đưa ra được phương án này giúp thuận lợi cho học sinh”.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh minh họa: NVCC.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh minh họa: NVCC.

Dạy riêng 3 phân môn Khoa học tự nhiên sẽ không đạt yêu cầu đổi mới

Theo cô Châm: “Nếu triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên theo kiểu 3 thầy cô dạy độc lập từng môn thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho thầy cô, nhưng học sinh sẽ không được tiếp thu liền mạch bởi các môn có sự liên quan. Còn nếu triển khai dạy theo cách mà ban giám hiệu đã cân nhắc thì sẽ thuận lợi trong việc tiếp thu, và thuận lợi khi các thầy cô làm đề cương ôn tập giữa kì hay cuối kì. Khi cuối kì chỉ có một bài tổng hợp điểm của 3 mạch kiến thức, nên nếu dạy tách riêng 3 môn học sinh sẽ rất vất vả.

Hiện tại, môn Khoa học tự nhiên vẫn có 3 thầy cô Lý, Hóa, Sinh cùng đảm nhiệm dạy nối tiếp theo từng chương, bởi nhân sự nhà trường vẫn chưa thể đáp ứng kịp, các thầy cô có bằng cấp chuyên môn là đơn môn, nên chúng tôi chưa thể phân công cho giáo viên đó dạy những môn ngoài chuyên môn đó, ví dụ chuyên môn của thầy cô là môn Lý thì không thể phân công giáo viên đó dạy môn Sinh nếu chưa đi học bồi dưỡng và có chứng chỉ theo quy định, cái khó là ở chỗ đó.

Theo tôi, tính đến giải pháp lâu dài cần chú ý đến hướng đào tạo chuyên môn cho đội ngũ giáo viên bởi những mục tiêu chính đặt ra cho lần này là dạy học theo định hướng phát triển năng lực và dạy tích hợp liên môn ở trung học cơ sở. Chính vì vậy ngay từ đầu năm chúng tôi đã lên danh sách các thầy cô cần được đi học bồi dưỡng chứng chỉ dạy Khoa học tự nhiên theo quy định, để sau này một thầy cô có thể dạy đảm bảo được cả 3 mạch kiến thức của môn học này.

Để chuẩn bị cho việc này, khi sinh hoạt nhóm chuyên môn tại trường, các thầy cô dạy Lý, Hóa, Sinh đều chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên sâu, đặc biệt khi làm đề cương ôn tập cho học sinh, các thầy cô cũng học hỏi rất nhiều nhưng đó mới là cái nhìn dưới góc độ giáo viên với nhau, truyền đạt kinh nghiệm giữa các thầy cô dạy Lý, Hóa, Sinh, nhưng về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ vẫn cần phải qua khóa đào tạo bài bản”

Cô Châm chia sẻ thêm: “Hiện tại các thầy cô dạy Lý, Hóa, Sinh của nhà trường vẫn chưa thể tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ được bởi tình hình dịch bệnh phức tạp. Điều thứ 2 là năm nay lại triển khai đồng loạt các sách giáo khoa mới, các bộ môn chứ không riêng môn Khoa học tự nhiên, vì vậy các buổi tập huấn về phương pháp dạy học,…được đặt lên hàng đầu.

Những năm trước theo chương trình Giáo dục phổ thông cũ là dạy theo việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, thầy cô cung cấp kiến thức. Nhưng bây giờ chương trình 2018 là dạy theo sự phát triển năng lực của học sinh, nên các cấp rất chú trọng việc tập huấn phương pháp dạy học mới cho các thầy cô, để đảm bảo được dạy phát triển theo năng lực.

Với các thầy cô trẻ thì việc tiếp thu phương pháp mới sẽ thuận lợi hơn, nhưng với những thầy cô đã dạy lâu năm, có kinh nghiệm nhưng để chuyển từ phương pháp dạy cung cấp kiến thức, sang dạy theo sự phát triển năng lực của học sinh thì cũng cần phải có thời gian để các thầy cô tiếp nhận và thay đổi dần dần, chứ không thể một sớm một chiều đã thích nghi ngay được.”.

Tùng Dương