Cô giáo Thanh Minh với sáng kiến thư viện "mở" thu hút học trò

12/12/2021 06:30
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông qua sử dụng các phần mềm để minh họa những cuốn sách đã đọc giúp cho việc đọc sách và giới thiệu sách của học sinh trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, lan tỏa hơn.

“Nhận thấy thực trạng hiện nay học sinh không thích đọc sách, mà thay vào đó là sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn, chính vì vậy tôi rất muốn làm sao để các em yêu thích văn hóa đọc, nghĩ là làm và việc này tôi đã triển khai cách đây khoảng 3 năm, lúc đó thư viện của nhà trường còn rất mới, chưa đầy đủ trang thiết bị cũng như các đầu sách.

Tôi có tìm hiểu các mô hình thư viện mở trên thế giới bởi tôi không muốn trường mình đi theo hướng những thư viện “cổ truyền” với những tủ sách, những bộ bàn ghế,…và những cái "cũ" đó sẽ khó thu hút được các con đến với thư viện, hiểu được đặc tính của trẻ nên tôi tham mưu với ban giám hiệu nhà trường biến thư viện thành không gian mở, hiện đại. Đầu tiên, thư viện phải đẹp mới thu hút được trẻ, rồi từ đó mới tính đến chuyện đọc sách.

Ban giám hiệu nhà trường đã thiết kế thư viện với những không gian đẹp, góc ngồi riêng, có sân khấu để các em biểu diễn các hoạt động, khu vực thu âm, khu hoạt động nhóm,…”. Cô Phạm Thanh Minh - Khối trưởng chủ nhiệm, Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Phạm Thanh Minh - Khối trưởng chủ nhiệm, Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã tham dự Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ V, năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.

Cô Phạm Thanh Minh - Khối trưởng chủ nhiệm, Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã tham dự Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ V, năm học 2020 - 2021. Ảnh: NVCC.

Khơi dậy và duy trì văn hóa đọc

Cô Minh cho biết: “Có thể nói đây là một thư viện mở rất đẹp và tiện lợi nên thu hút được rất nhiều học sinh đến đọc sách và tham gia các hoạt động hàng ngày. Thay vì phải đọc sách một cách khiên cưỡng thì các con sẽ say mê, hứng thú, chủ động đọc sách. Muốn vậy, phải có môi trường văn hóa đọc mọi lúc, mọi nơi như tại thư viện, trong lớp hay ở nhà, bên cạnh đó cũng cần tổ chức hiệu quả các hoạt động để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh...

Trong thời gian đầu tiên, tôi đẩy mạnh phong trào “sách cũ của bạn là sách mới của tôi” để học sinh mang sách của mình đã đọc đến thư viện cho bạn khác mượn, các em giao lưu và chia sẻ những cuốn sách hay với bạn bè trong trường, ngoài ra nhà trường cũng bổ sung thêm khá nhiều đầu sách mới.

Mọi việc bước đầu được đi đúng hướng khi trong khuôn viên trường, tại lớp học hoặc tại nhà, thầy cô, cha mẹ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các con tay cầm cuốn sách và say mê nghiền ngẫm. Tránh tình trạng đọc sách tràn lan, sa đà, ngay từ đầu năm tôi đã xây dựng kế hoạch đọc có định hướng cho học sinh thông qua phương pháp đọc sách và lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của các em. Việc định hướng này rất quan trọng, giúp học sinh có kỹ năng đọc, bổ sung thêm kiến thức trên lớp theo môn học, đồng thời khơi gợi niềm đam mê đọc sách theo nhu cầu.

Nhưng đến giai đoạn các con phải học trực tuyến, phải sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, và nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc các con sa đà vào những trang web “độc hại”, các con không có cơ hội đến trường đọc sách tại thư viện, các cô cũng không thể giám sát để biết được học sinh của mình có đọc sách sau khi kết thúc buổi học chính khóa hay không.

Vì vậy, tôi lại tiếp tục nghĩ suy, trăn trở khi mà trong giai đoạn học online, học sinh được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ thông tin, cơ hội học hỏi có nhiều nhưng nguy cơ gặp nguy hiểm luôn thường trực bởi việc sử dụng các thiết bị thông minh nếu không được định hướng sẽ rất dễ sai mục đích. Vậy tại sao không gắn việc đọc sách với khai thác ứng dụng của các thiết bị công nghệ”.

Những góc đọc sách rất đẹp thu hút nhiều học sinh đến với thư viện. Ảnh: NVCC.

Những góc đọc sách rất đẹp thu hút nhiều học sinh đến với thư viện. Ảnh: NVCC.

Thư viện có cả sân khấu để các em học sinh biểu diễn các hoạt động. Ảnh: NVCC.

Thư viện có cả sân khấu để các em học sinh biểu diễn các hoạt động. Ảnh: NVCC.

Áp dụng Công nghệ thông tin vào đọc sách

Cô Minh chia sẻ: “Nghĩ là làm, tôi đã có sáng kiến: “Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc”. Với ý tưởng hướng dẫn các con sử dụng phần mềm để phát huy tính sáng tạo, và có thêm nhiều kĩ năng về Công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ có ích kết hợp phát triển, duy trì việc đọc sách.

Và một lần nữa tôi đã bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng. Đầu tiên, tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu và sử dụng các phần mềm để minh họa cho các cuốn sách. Hiện có rất nhiều phần mềm nhưng tôi chọn một số phần mềm có ưu điểm dễ sử dụng, không mất chi phí, có nhiều tính năng vượt trội, dễ dàng chèn âm thanh, thuyết minh, tạo hiệu ứng di chuyển của kho ảnh các nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học cũng rất đa dạng. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm thành công, tôi bắt tay vào triển khai hướng dẫn học sinh.

Thông qua sử dụng các phần mềm minh họa những cuốn sách đã đọc giúp cho việc đọc sách và giới thiệu sách của học sinh trở nên lôi cuốn, hấp dẫn, lan tỏa hơn. Duy trì văn hóa đọc cho học sinh trong thời gian học trực tuyến, và thông qua sử dụng các phần minh họa đã giúp học sinh đọc lại cuốn sách nhiều lần, dễ ghi nhớ, hiểu rõ nội dung câu chuyện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các con lại phát hiện được các nhân vật mới trong kho dữ liệu của phần mềm, điều này giúp thúc đẩy mong muốn học sinh tìm hiểu các cuốn sách mới để đọc.

Có thể hiểu đơn giản, trước kia nếu như đọc xong một cuốn sách, các con có thể viết thu hoạch những gì mình cảm nhận từ cuốn sách đó, nhưng nay phải ở nhà học trực tuyến, thay vì viết cảm nhận thì các con có thể dùng phần mềm công nghệ để vẽ tranh, vẽ hình để minh họa, hoặc có thể đứng trước máy quay diễn thuyết về nội dung cuốn sách mình vừa đọc, nhưng tất cả những việc này được làm thành clip ngắn để giới thiệu với bạn bè trong trường.

Việc này cũng giúp cho các con thỏa sức sáng tạo về công nghệ thông tin, không chỉ dừng lại ở việc đọc sách, mà còn diễn đạt, truyền cảm hứng đọc sách đến với các bạn theo cách mà các con thích”.

Thư viện "mở" hiện đại của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thư viện "mở" hiện đại của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Nhiều góc đọc sách hiện đại, thoải mái thu hút học sinh. Ảnh: NVCC.

Nhiều góc đọc sách hiện đại, thoải mái thu hút học sinh. Ảnh: NVCC.

Theo cô Minh: "Thay vì viết cảm nhận thì các con có thể dùng phần mềm công nghệ để vẽ tranh, vẽ hình để minh họa". Ảnh: NVCC.

Theo cô Minh: "Thay vì viết cảm nhận thì các con có thể dùng phần mềm công nghệ để vẽ tranh, vẽ hình để minh họa". Ảnh: NVCC.

Cô Minh chia sẻ thêm: “Sau gần hai tháng triển khai, phong trào duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến, học sinh thực sự duy trì được thói quen đọc sách, đam mê tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc, số lượng sách mà học sinh đọc cũng được tăng lên đáng kể. Điều đặc biệt, các con đã biết bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ, thể hiện tình cảm với người thân, thầy cô, bạn bè thông qua những hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch và đáng yêu”.

Sáng kiến của cô giáo Phạm Thanh Minh (1984) được Hội đồng khoa học xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ V, năm học 2020 – 2021 đánh giá cao. Cô vinh dự là một trong 40 nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức.

Tùng Dương