Dạy thiếu tiết, giảng viên có bị cắt giảm phụ cấp ưu đãi?

10/02/2022 06:31
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường lấy lý do ngân sách cấp không đủ chi thường xuyên nên đã đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ cắt giảm phụ cấp đứng lớp của các giáo viên, giảng viên.

Bạn đọc H.V.L., hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng viết thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ tư vấn về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo. Nội dung câu hỏi như sau:

Trường tôi là trường cao đẳng công lập được giao tự chủ chi thường xuyên 10% (ngân sách cấp 9,466 tỷ; giao thu 1,1 tỷ).

Nhà trường lấy lý do ngân sách cấp không đủ chi thường xuyên nên đã đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ cắt giảm phụ cấp đứng lớp của các giáo viên, giảng viên đang trực tiếp giảng dạy. Do không tuyển sinh được nên số giờ nghĩa vụ của các giáo viên và giảng viên không đủ.

Nhà trường dựa vào số tiết phân công mà trả phụ cấp ưu đãi. Hầu hết mọi người đều bị cắt giảm phụ cấp ưu đãi này.

Theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TT-BGDĐT-BTC-BNV chúng tôi vẫn đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy (mặc dù không dạy đủ nghĩa vụ) không thuộc trường hợp cắt giảm phụ cấp ưu đãi.

Xin hỏi quý toà soạn việc xây dưng quy chế chi tiêu nội bộ như vậy có đúng quy định không? Việc cắt giảm phụ cấp của các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy của nhà trường vẫn được cấp trên phê duyệt có đúng với các văn bản pháp luật hiện hành không? Mong nhận được hồi âm của quý báo.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN

Câu hỏi của bạn, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan như sau:

Theo thư bạn gửi về Tòa soạn, trường của bạn thuộc trường cao đẳng công lập được giao tự chủ chi thường xuyên 10% (ngân sách cấp 9,466 tỷ đồng; giao thu 1,1 tỷ đồng). Điều này cũng đồng nghĩa mọi chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo sẽ được thực hiện theo các chế độ giáo viên công lập.

Tuy nhiên, điều mà bạn và có thể là các giáo viên, giảng viên khác trong nhà trường còn băn khoăn là nhà trường “cắt giảm phụ cấp đứng lớp của các giáo viên, giảng viên đang trực tiếp giảng dạy”.

Lý do mà nhà trường đưa ra là: “do ngân sách cấp không đủ chi thường xuyên”; “do không tuyển sinh được nên số giờ nghĩa vụ của các giáo viên và giảng viên không đủ”. Từ đó, “nhà trường dựa vào số tiết phân công mà trả phụ cấp ưu đãi. Hầu hết mọi người đều bị cắt giảm phụ cấp ưu đãi này”.

Với những lý do mà nhà trường đưa ra như vậy cho thấy đơn vị bạn đang công tác cũng gặp một số khó khăn nhất định về nguồn thu hàng năm. Từ đó, dẫn đến việc cắt giảm phụ cấp ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác tại trường.

Song, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn hiện hành thì không có văn bản nào hướng dẫn cắt giảm phụ cấp ưu đãi đối với những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại nhà trường công lập với những lý do như trên.

Thứ nhất: Việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện nay đang được thực hiện theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Công thức tính: (Hệ số lương + hệ số chức vụ + hệ số vượt khung) x mức lương tối thiểu * % (phụ cấp ưu đãi, theo vị trí giảng dạy ở mỗi bậc học).

Thứ hai: tại Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC đã hướng dẫn phạm vi, đối tượng áp dụng như sau:

Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);

Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm”.

Thứ ba: Theo điểm c, khoản 9, Điều 3 của Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý sử dụng tài sản công cần tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sau:

Cử cán bộ, công chức và người lao động đi công tác trong nước, chế độ thanh toán tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ, khoán phương tiện đi lại cho những trường hợp thường xuyên phải đi công tác;

- Quản lý, phân bổ kinh phí, sử dụng văn phòng phẩm trong các Vụ, Cục, Phòng, Ban hoặc các tổ chức tương đương thuộc cơ quan;

- Quản lý, sử dụng và phân bổ kinh phí thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại công vụ tại cơ quan cho từng đầu máy điện thoại hoặc từng đơn vị trong cơ quan; tiêu chuẩn, định mức sử dụng, thanh toán cước phí điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan;

- Quản lý, sử dụng và phân bổ kinh phí sử dụng ô tô, xăng dầu theo từng Vụ, Cục, Phòng, Ban hoặc các tổ chức tương đương thuộc cơ quan;

- Quản lý và sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, sử dụng điện thắp sáng;

- Nội dung chi, mức chi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù”.

Như vậy, căn cứ vào các hướng dẫn hiện hành thì không có văn bản nào hướng dẫn cắt giảm phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo công lập. Việc tiết kiệm chi tiêu nội bộ hiện nay được hướng dẫn cụ thể tại điểm c, khoản 9, Điều 3 của Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

Những tư vấn của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, cảm ơn bạn đã gửi thư về Tòa soạn.

LÊ MINH