Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành: vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm 3 vị trí: chủ tịch hội đồng trường; hiệu trưởng; phó hiệu trưởng.
Trường học cần bao nhiêu lãnh đạo?
Thầy giáo M. (đề nghị không nêu tên) là phó hiệu trưởng, đã 2 năm nay, làm quản lý trường trung học cơ sở có 18 lớp, sau khi hiệu trưởng chuyển sang trường khác.
Một mình thầy M., thế nhưng nhà trường vẫn hoạt động “xuôi chèo, mát mái”, cuối năm nhà trường vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thầy M. chia sẻ: “Một mình quản lý, làm cả việc của hiệu trưởng, nói không mệt hơn là không thật lòng, nói mệt hơn nhiều là nói dối anh.
Anh hỏi trường mình có cần thêm hiệu trưởng không? Nếu em nói không, anh sẽ nghĩ em muốn như thế này cho oai, dẫu sao mình cũng đang như là hiệu trưởng.
Nhưng anh hỏi, trường hạng 2 như trường mình, cần mấy người quản lý, em trả lời thật, chỉ cần 1 người là đủ”.
Ở trường hợp tương tự, trường trung học cơ sở X có 36 lớp, sau khi hiệu trưởng nghỉ hưu, hiệu phó cơ sở vật chất xin nghỉ hưu trước tuổi, trường X chỉ còn mình thầy giáo A. làm quản lý đã 2 năm nay, địa phương đã thi tuyển chức danh hiệu trưởng, nhưng không có ai đạt.
Thầy X. chia sẻ “Hai hiệu phó, một người sẽ được phân công quản lý cơ sở vật chất, tiếp dân và đi họp.
Trường học cơ sở vật chất ổn định, tiếp dân thì mấy khi ai đến, có thể nói là không có. Nên phó hiệu trưởng thứ hai thật ra có cũng được, không có cũng được.
Trường em gần cả trăm người, một mình em làm gần hai năm, hoạt động vẫn ổn, em cũng chỉ làm ngày 8 tiếng, trường học mà, biết phân công công việc một chút là trơn tru thôi”.
Dự thảo Thông tư mới của Bộ quy định trường học có 3 vị trí lãnh đạo. (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Từ thực tế, có thể thấy, một trường học, chỉ cần 01 lãnh đạo biết làm việc, để tinh gọn bộ máy, Bộ nên giảm vị trí lãnh đạo trước.
Làm sao để một mình quản lý trơn tru nhà trường?
Thầy giáo M. cho biết: “Lúc đầu em cũng “hoảng” chứ không phải không, nhưng sau một tuần là ổn, em phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận, việc ai người đó phải làm, khó khăn gì thì báo cáo, trao đổi.
Em không bao việc, mà giao việc chi tiết, từ trực sáng, chiều, thống kê, báo cáo .. Các kế hoạch kiểm tra định kì… thì đơn giản rồi, tất cả đều có sẵn, chỉ cần theo thời gian thực hiện.
Phân công chuyên môn rồi, thời khóa biểu thì có phần mềm,… cái gì có thể chuyển đổi số được là em "số hóa" hết, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, nên quản lý trở nên đơn giản.
Đi cà phê với anh, nhưng em mở điện thoại là biết hoạt động ở trường như thế nào, có thể điều hành, chấn chỉnh ngay”.
Như vậy, nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin tốt, mỗi cơ sở giáo dục chỉ cần một người quản lý là đủ.
Thực tế, những thầy giáo một mình quản lý nhà trường, hoạt động vẫn trơn tru, đều có khả năng sử dụng và khai thác thông tin giỏi.
Vì thế người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy giảm vị trí lãnh đạo, không nên thực hiện như dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, còn thêm chủ tịch hội đồng trường.
Giảm 1 hiệu phó, chúng ta có thể giảm được hơn 43.000 nhân sự, nhưng hơn hết, chọn được người đứng đầu có năng lực, phẩm chất tốt, áp dụng công nghệ để quản lý, cũng là góp phần xây dựng trường học thông minh, xây dựng Chính phủ điện tử.
Đặc biệt, chỉ những người có năng lực, phẩm chất thật sự, mới dám thi tuyển, nhận nhiệm vụ quản lý trường học, tránh được tệ nạn chạy chức, chạy quyền, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quyền lợi phải hài hòa với nghĩa vụ và cống hiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu cho Chính phủ, trả lương vị trí quản lý trường học nói riêng, giáo viên nói chung, đảm bảo có thể sống được bằng lương, để thầy cô toàn tâm, toàn ý với nghề nghiệp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.