Định mức giáo viên mới kẻ mừng, người lo

19/02/2022 06:58
Nguyễn Nguyên Lương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần có khảo sát thực tế, có cơ sở khoa học và thực tiễn, xem xét tác động của việc định mức giáo viên theo sĩ số học sinh, trước khi thực hiện.

Bài viết “Định mức theo sĩ số, hàng loạt giáo viên có thể mất việc vì dôi dư” đăng tải trên Tạp chí giáo dục Việt Nam, của tác giả Sơn Quang Huyến, đã được nhiều giáo viên chia sẻ trên các hội, nhóm, mạng xã hội.

Có hai luồng ý kiến khi bình luận khả năng áp dụng định mức giáo viên theo sĩ số học sinh khá rõ ràng, giáo viên ở vùng có sĩ số học sinh/lớp đông, từ 45 học sinh/lớp trở lên với bậc phổ thông, 35 học sinh/lớp trở lên với tiểu học, rất phấn khởi.

Mong được tăng biên chế giáo viên, sẻ chia công việc, vì khi dạy học lớp có sĩ số đông rất vất vả.

Ngược lại, giáo viên ở các địa phương có sĩ số học sinh/lớp thấp, đã vô cùng lo lắng. Số giáo viên trong trường học sẽ giảm, đồng nghĩa với việc sẽ có không ít giáo viên sắp tới đây thất nghiệp, mất việc do dôi dư.

Bên cạnh đó, các trường có số lớp nhỏ, buộc phải sáp nhập trường đồng cấp giữa các địa phương, hoặc hình thành trường liên cấp.

Cùng với đó là bài toán xã hội đầy thách thức để giải quyết số giáo viên dôi dư do thay đổi định mức giáo viên/lớp như hiện nay sang định mức giáo viên/sĩ số học sinh như dự thảo.

Định mức giáo viên theo sĩ số học sinh đi ngược quy luật phát triển giáo dục?

Là giáo viên, ai cũng biết, chất lượng giáo dục tỷ lệ nghịch với sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt ở tiểu học.

Lớp học càng đông học sinh, chất lượng giáo dục càng giảm, và ngược lại, lớp có sĩ số ít, chất lượng giáo dục cao hơn.

Cho nên mới có chuyện “Sĩ số học sinh sẽ quyết định thành bại của chương trình mới”.

Sĩ số học sinh quyết định gì đến việc thành bại của chương trình mới? (Ảnh: Báo Tiền phong)

Sĩ số học sinh quyết định gì đến việc thành bại của chương trình mới? (Ảnh: Báo Tiền phong)

Tại sao vậy? Với lớp có nhiều học sinh, giáo viên không thể bao quát hết học sinh, để có thể quan tâm, sửa sai cho tất cả, sẽ còn rất nhiều học sinh sai sót nhưng không được giáo viên sửa sai, bổ sung kiến thức.

Thực tế, ở lớp đông học sinh, giáo viên khó có thể thuộc tên học sinh, chứ đừng nói đến chuyện phát hiện, phát huy phẩm chất, kĩ năng của học trò.

Với lớp có sĩ số ít, vừa phải, giáo viên có thời gian trao đổi, xem xét, nhận xét, có cơ hội đế phát hiện, phát huy phẩm chất, kĩ năng của học trò.

Mô hình trường tiến tiến được áp dụng thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2005, với mô hình này, sĩ số học sinh 28 em/lớp.[1]

Tương tự, với mô hình trường chất lượng cao ở Hà Nội, sĩ số học sinh trung bình cũng chỉ có 30 em/lớp. [2]

Những nước có nền giáo dục phát triển hiện nay, như Mỹ, Singapore... sĩ số lớp học chỉ từ 15 - 25 học sinh/lớp.[3]

Nếu định mức giáo viên tính theo sĩ số học sinh, các cơ sở giáo dục bắt buộc phải biên chế lớp, có sĩ số học sinh/lớp bằng hoặc lớn hơn định mức học sinh/lớp đã áp dụng để tính số giáo viên.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, người viết chỉ lấy ví dụ với trường bình thường của vùng I, II, III để là số liệu cho bài viết.

Bảng tổng hợp số giáo viên/học sinh của dự thảo do tác giả cung cấp

Bảng tổng hợp số giáo viên/học sinh của dự thảo do tác giả cung cấp

Rõ ràng, biên chế sĩ số học sinh/lớp tăng cao, đang đi ngược lại quy luật, giảm sĩ số học sinh/lớp, để có nền giáo dục tiên tiến.

Thực tế hiện nay, những thành phố lớn đang có hiện tượng quá tải sĩ số học sinh/lớp, nếu tăng giáo viên, không thể có cùng lúc 2 giáo viên cùng dạy trong một lớp, tăng giáo viên không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Hay nói cách khác, định mức biên chế giáo viên theo sĩ số lớp, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Để giải bài toán sĩ số học sinh/lớp quá cao, tăng giáo viên, nhưng không tăng số lớp học, hay tăng cơ sở hạ tầng, hoàn toàn phản tác dụng, chẳng khác nào "kiến bò miệng chén".

Với chương trình giáo dục 2018, phải phát huy được phẩm chất và năng lực học sinh, đòi hỏi sĩ số học sinh vừa phải, càng ít, càng tốt.

Vì thế, người viết mong Bộ Giáo dục cân nhắc, có khảo sát thực tế, có cơ sở khoa học và thực tiễn, xem xét tác động của việc định mức giáo viên theo sĩ số học sinh, trước khi đưa ra quyết định.

Nếu chưa có khảo sát thực tế, chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn, chưa có số liệu xem xét tác động của việc tính định mức giáo viên theo sĩ số học sinh, chưa nên thực hiện tính định mức giáo viên theo sĩ số học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/mo-hinh-truong-tien-tien-thu-1-5-trieu-dong-thang-co-con-phu-hop-20210518184043669.htm

[2] https://vnexpress.net/ba-truong-thcs-chat-luong-cao-cong-bo-chi-tieu-4125193.html

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/si-so-hoc-sinh-se-quyet-dinh-thanh-bai-cua-chuong-trinh-moi-post194501.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nguyên Lương