THCS Văn Điển trừ điểm thi đua của giáo viên nghỉ dạy do mắc Covid là chưa đúng

28/02/2022 16:29
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ban giám hiệu nhà trường không linh hoạt thay đổi tiêu chí thi đua cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, vẫn áp dụng “máy móc” dẫn đến các thầy cô không đồng tình.

Một số giáo viên Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội) phản ánh: Tại cuộc họp Hội đồng nhà trường chiều 26/2, Chủ tịch Công đoàn nhà trường đã công bố về việc trừ thi đua đối với các trường hợp giáo viên là F0 nghỉ dạy. Trong đó, ai nhiễm bệnh mà vẫn dạy sẽ bị trừ ít điểm, nghỉ hẳn bị trừ nhiều vào điểm thi đua cuối năm.

Giáo viên cho biết: Theo cam kết thi đua ký từ đầu năm, mỗi ngày giáo viên nghỉ sẽ bị trừ 2 điểm. Cả đợt nghỉ của mỗi F0 là 7 ngày, nhưng nhà trường chỉ tính 5 ngày và trừ 10 điểm thi đua. Riêng trường hợp giáo viên nào trong thời gian nhiễm bệnh mà vẫn dạy học trực tuyến sẽ chỉ bị trừ 5 điểm.

Giáo viên này cho rằng: Cực chẳng đã mới mắc bệnh. Ai cũng hiểu trong thời gian này nhiều người trở thành F0, F1, thiếu giáo viên trầm trọng nên ai đủ sức khoẻ đều cố gắng. Đảm bảo chất lượng năm học là nhiệm vụ của giáo viên nên có trở thành F0 nghỉ dạy sau đó cũng phải có kế hoạch dạy bù. Tuy nhiên, việc này không được nhà trường chia sẻ lại dùng hình thức trừ điểm thi đua như vậy khiến giáo viên rất bất bình.

Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển. Ảnh minh họa.

Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển. Ảnh minh họa.

Để tìm hiểu thông tin sự việc trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội), thầy Ngát cho biết: “Qua kiểm tra xác minh, chúng tôi thấy Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển thực hiện việc đánh giá xét thi đua cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên trong nhà trường theo quy chế thi đua mà nhà trường đã thông qua Hội nghị viên chức từ đầu năm học, và nhà trường đang thực hiện đúng theo quy chế đó.

Tuy nhiên, sau khi Bộ, Thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn điều chỉnh về phương án dạy học trong năm học 2021 – 2022 để đảm bảo thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128, nhưng nhà trường lại không thay đổi theo tình hình thực tế, dẫn đến khi tổ chức xét thi đua có nhiều điểm bất hợp lí, chưa công bằng.

Theo báo cáo của nhà trường, tại cuộc họp xét thi đua, khi nhà trường đưa ra phương án như vậy nhưng không thấy thầy cô nào có ý kiến gì. Nhưng sau khi kết thúc cuộc họp đánh giá thi đua đó, có một số cán bộ giáo viên chưa đồng tình với việc trừ điểm thi đua theo quy chế cũ mà nhà trường đã xây dựng từ đầu năm, các thầy cô cho rằng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đòi hỏi mọi kế hoạch của nhà trường phải thay đổi, đảm bảo tính thích ứng an toàn, vì vậy nhà trường không thay đổi tiêu chí đánh giá thi đua là không phù hợp”.

Cũng theo thầy Ngát: “Ban giám hiệu nhà trường không linh hoạt thay đổi tiêu chí thi đua cho phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế, vẫn áp dụng “máy móc” dẫn đến các thầy cô trong nhà trường không đồng tình. Có thể nói đây là cái chưa đúng của ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển, việc này ảnh hưởng đến sự cố gắng của các thầy cô trong quá trình giảng dạy.

Trong vấn đề thay đổi phương án dạy học, một trong những việc đảm bảo động viên được các cán bộ, nhân viên và giáo viên thay đổi việc dạy học trực tuyến sang dạy trực tiếp, và ngược lại,…liên tục theo tình hình thực tế, có thể nói đây là hành động không kịp thời của nhà trường.

Đối với Phòng Giáo dục, chúng tôi cũng đã nắm bắt được tình hình sau khi giáo viên phản ánh. Phòng cũng đã kịp thời yêu cầu ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Điển tạm dừng việc đánh giá thi đua này, đồng thời họp Hội đồng thi đua nhà trường để xây dựng lại tiêu chí mới cho phù hợp với tình hình thực tế, cũng như các phương án dạy học, để làm sao động viên được cán bộ giáo viên trong nhà trường trong thời kì đảm bảo an toàn phòng chống dịch”.

Thầy Ngát nêu quan điểm: “Mục đích cuối cùng của việc thi đua là phải động viên được cán bộ, nhân viên và giáo viên nhà trường trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đây là điều mà bản thân mỗi nhà trường cũng cần rút kinh nghiệm, cần kịp thời điều chỉnh mọi hoạt động cho phù hợp tình hình thực tế. Đối với ngành, chúng tôi cũng nắm bắt được tình hình để kịp thời chỉ đạo các nhà trường có những rà soát lại, để không có những việc đáng tiếc tương tự xảy ra”.

Tùng Dương