Học sinh F0 tăng nhanh, kế hoạch của các nhà trường phải liên tục thay đổi

16/03/2022 06:51
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh là F0 không thể đến trường học trực tiếp ngày một tăng, cơ sở vật chất để giáo viên giảng dạy trực tiếp với trực tuyến còn nhiều thiếu thốn.

Khi các trường học ở các tỉnh phía Nam trở lại dạy và học trực tiếp sau hơn 1 học kỳ dạy và học trực tuyến khiến cho thầy trò ở các nhà trường cảm thấy phấn khởi vô cùng, nhất là thời gian trước và sau Tết Nguyên đán thì số ca nhiễm Covid-19 đang giảm khá sâu.

Tuy nhiên, khi bước vào học tập trực tiếp thì những khó khăn không mong muốn đã bủa vây các nhà trường vì số giáo viên và học sinh là F0 mỗi ngày một nhiều hơn và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Lúc học sinh mới trở lại học trực tiếp thì một số trường học bố trí mỗi khối lớp có từ 1-2 phòng vừa kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến vì lúc đó đa phần các trường học không có học sinh là F0. Những em chưa đến trường học trực tiếp mà ở nhà học trực tuyến lúc đó là do tâm lí còn e sợ mà thôi.

Giáo viên đang phải thực hiện nhiều hình thức giảng dạy khác nhau (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Giáo viên đang phải thực hiện nhiều hình thức giảng dạy khác nhau

(Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Thế nhưng, số học sinh là F0 bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, học sinh là F0, F1 phải tạm dừng đến trường và những lớp học trực tuyến ngày càng đông hơn.

Kế hoạch ban đầu của nhiều nhà trường vì thế mà cũng bị phá sản nên phải linh hoạt thực hiện bằng nhiều phương án khác nhau.

Nhà trường và đội ngũ nhà giáo đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khác nhau

Hiện nay, việc kết hợp vừa dạy trực tiếp và trực tuyến đang được các nhà trường trên cả nước triển khai linh hoạt theo điều kiện cơ sở vật chất của từng đơn vị.

Những trường có điều kiện hơn thì trang bị 1 camera, 1 ti vi lớn/ 1 phòng, nhưng cũng có trường chỉ có thể trang bị được mỗi khối một vài camera mà thôi.

Chính vì thế, những trường học mà trang bị đầy đủ máy móc thì linh hoạt được giữa dạy trực tiếp và trực tuyến. Giáo viên cứ dạy trực tiếp trên lớp, camera chĩa thẳng vào bảng ghi chép của thầy cô và thu phát âm thanh đến với những học trò đang học trực tuyến.

Hoặc, thầy cô có thể vừa dạy trực tiếp vừa trình chiếu file bài giảng PowerPoint qua đường link học trực tuyến cho học trò thì học sinh vẫn nghe lời giảng của thầy cô và ghi chép bài đầy đủ.

Tuy nhiên, những trường chưa được trang bị đầy đủ máy móc thì giáo viên vất vả hơn rất nhiều. Bởi, mỗi khối chỉ có 1-2 camera thì bắt buộc những em là F0, F1 không thể đến trường học trực tiếp phải học dồn vào 1 đường link chung của khối lớp đó.

Nhưng, nỗi sợ nhất của nhà trường và giáo viên là có tình trạng nhiều lớp hiện nay có số học sinh là F0, F1 nhiều quá, không đảm bảo sức khỏe và công tác phòng chống dịch bệnh nên bắt buộc những lớp này phải học trực tuyến cả lớp ở nhà.

Vì vậy, nhiều thầy cô giáo đang phải vừa dạy lớp trực tiếp có đường truyền trực tuyến cho những em ở các lớp mà có ít ca nhiễm Covid-19 học cùng. Đồng thời, phải dạy những lớp học trực tuyến hoàn toàn bằng laptop cá nhân của giáo viên ở một địa điểm riêng.

Trong khi, thời gian chuyển tiết chỉ có 5 phút nên việc đi lại, thao tác mở máy, đăng nhập vào lớp trực tuyến đang mất rất nhiều thời gian để bước vào dạy lớp trực tuyến.

Bởi, mỗi khi hết tiết ở lớp trực tuyến lại vội vàng chạy lên lớp dạy trực tiếp hoặc ngược lại. Chỉ riêng việc tìm phòng dạy trực tuyến cho những lớp không thể học được trực tiếp cũng là nỗi vất vả của nhiều giáo viên vì nhiều trường học hiện nay chỉ có phòng giáo viên là trống, có thể ngồi dạy được.

Tuy nhiên, phòng giáo viên cũng là nơi có nhiều người đi lại, vào ra, trò chuyện khiến cho công việc giảng dạy nhiều lúc bị ảnh hưởng.

Giáo viên vất vả mà hiệu quả học tập của học trò không tốt

Thực tế, chỉ một hình thức học tập thì giáo viên mới có thể tập trung cho lớp mình đang giảng dạy một cách chu đáo được. Khi thầy cô giáo phải đóng “2 vai” trong 1 tiết học hay đang dạy lớp này là trực tiếp lại sang tiết khác là trực tuyến thì không chỉ ảnh hưởng về thời gian mà tâm lí giáo viên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.

Song, nỗi lo nhiều hơn cả là những em học sinh học trực tuyến ở những lớp “2 trong 1” rất khó tiếp thu bài vở một cách hiệu quả. Bởi vì nếu thầy cô quan tâm thì mới hỏi bài đến những em học trực tuyến nên phần nhiều học sinh học trực tuyến ở những lớp này giống như những em đang “dự thính” mà thôi.

Nhưng, các thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường cũng đang loay hoay vì số ca nhiễm Covid-19 là học sinh mỗi ngày càng nhiều hơn.

Trong khi, một phần cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng được. Phân công giáo viên dạy riêng lẻ thì phát sinh thừa giờ, tiền đâu mà trả cho giáo viên bởi nó liên quan đến kinh phí đã được phê duyệt từ đầu năm.

Giáo viên dạy lớp thì tất bật, ngược xuôi hết lớp này sang lớp khác bằng các hình thức giảng dạy khác nhau và tất nhiên việc đầu tư cho nhiều giáo án cùng một lúc cũng khiến cho thầy cô thêm vất vả nhiều hơn.

Đó là chưa kể trong các tổ chuyên môn liên tục có đồng nghiệp là F0 thì những giáo viên đang khỏe mạnh phải chia sẻ và giảng dạy thay thế cho đồng nghiệp.

Cộng với đó là thời điểm này những lớp cuối cấp đang phải học tăng tiết rất nhiều để chuẩn bị cho kỳ thi nên số tiết của một số giáo viên đang phải cáng đáng mỗi tuần là rất lớn.

Một giải pháp dài hơi để áp dụng cho các trường học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp là điều mà ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng cần phải tính đến để có những chỉ đạo cần thiết cho các nhà trường.

Bởi, số ca F0 là giáo viên và học sinh tăng lên từng ngày nên nhiều kế hoạch ban đầu khi trở lại trường đã không còn phù hợp. Học sinh không đến trường học trực tiếp ngày một tăng, cơ sở vật chất để giáo viên giảng dạy trực tiếp với trực tuyến còn nhiều thiếu thốn.

Học sinh thì nhiều em bị mất bài bởi thời khóa biểu mỗi lớp khác nhau nhưng vì bản thân không may bị nhiễm Covid-19 nên bắt buộc phải học trực tuyến với đường truyền của lớp khác.

Nỗi lo nhiều nhất là những em học sinh cuối cấp vì hiện nay các trường đang tăng tiết rất nhiều nhưng vì là F0 nên việc học tập nhiều khi bị gián đoạn, mất bài và tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều cho chất lượng học tập, tiếp thu kiến thức hàng ngày.

Chưa bao giờ các trường học lại phải đối mặt với những khó khăn như bây giờ bởi danh sách giáo viên và học sinh trong trường là F0 ngày một nhiều hơn và tất nhiên nhiều kế hoạch, dự tính của nhà trường phải liên tục thay đổi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang