Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Cơ cấu hệ thống giáo dục còn nhiều việc phải điều chỉnh

29/03/2022 06:50
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân cần bám vào các tiêu chí: Công bằng, chất lượng, hiệu quả và thống nhất.

(Phần 1)

LTS: Những định hướng cơ bản của Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế yêu cầu hình thành một hệ thống giáo dục mở, thực hiện liên thông giữa các bậc học và trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phân luồng mạnh học sinh sau trung học cơ sở, ...Tuy nhiên nhìn từ thực tế thì cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam đang có nhiều bất cập.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay về cơ bản không đáp ứng nhiều định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân cần bám vào các tiêu chí: Công bằng, chất lượng, hiệu quả và thống nhất.

Tức là cần khắc phục những gì gây nên sự không công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục, kém chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, sự không thống nhất về đầu mối quản lý dẫn đến chồng chéo chức năng nhiệm vụ hoặc mâu thuẫn về thể chế quản lý.

Theo đó, cần xây dựng một hệ thống mở, thực học, liên thông và phân luồng hợp lý; xóa bỏ những thang bậc, những cắt khúc, chạy theo số lượng mà ít quan tâm chất lượng, kém hiệu quả và ảnh hưởng tính hệ thống.

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Trong đó có sự phân công sứ mệnh và phối hợp công việc, có các trường trọng điểm, trường đẳng cấp quốc tế và trường địa phương, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục học thuật và giáo dục chuyên nghiệp, hệ thống sư phạm, có cấp độ đào tạo theo quy định quốc tế của UNESCO để tiện cho việc hội nhập thị trường toàn cầu (Theo ISCED – 2011).

Muốn làm được như vậy thì các đại học quốc gia và đại học vùng cần được hoàn thiện theo hướng là một đại học thống nhất và năng động chứ không phải dưới dạng “liên hiệp các trường” với cấp quản lý hành chính trung gian không cần thiết.

Phải bảo đảm phát huy được thế mạnh và tính chủ động sáng tạo của từng trường thành viên, không hạn chế năng lực sáng tạo và sự chủ động của họ, đồng thời sử dụng được sức mạnh tổng hợp chung của các trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực vật chất do nhà nước đầu tư, vươn lên trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ (chứ không phải vươn xuống đào tạo cao đẳng) và tổ chức tốt việc nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nghiên cứu và nghiên cứu với đào tạo là hai mặt thống nhất của quá trình đào tạo đại học.

Về cơ chế quản trị các đại học, cần phân biệt cho rõ những gì các trường đại học thành viên được hoàn toàn tự chủ và tự thỏa thuận phối hợp với các thành viên khác, còn những gì phải do các đại học quốc gia và đại học vùng quyết định.

Các cơ sở nghiên cứu khoa học ở nước ta hầu hết nên nằm trong các trường đại học nghiên cứu, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy, nghiên cứu để giảng dạy và giảng dạy thông qua nghiên cứu khoa học, sẽ nâng lên chất lượng cả hai mặt.

Mô hình tách riêng hệ thống nghiên cứu và các trường đại học như kiểu Liên-xô cũ nói chung sẽ không tốt và kém hiệu quả (chỉ trừ cá biệt một số rất ít các cơ sở nghiên cứu có tính đặc thù). Các trường đại học có nguồn nhân lực dồi dào cho nghiên cứu khoa học và kết quả nghiên cứu khoa học có thể dùng trong đào tạo, mặt khác, tham gia nghiên cứu khoa học là cách tốt để nâng cao trình độ, năng lực của cả giảng viên và sinh viên.

Đặc biệt, phải tạo điều kiện để phát triển một số trường có đẳng cấp quốc tế trong tốp 100 và 200 của thế giới, vừa để nâng cao chất lượng đại học vừa xây dựng thương hiệu quốc gia. Chính phủ đã nhiều lần đặt vấn đề theo đuổi mục tiêu này, kể cả đã đầu tư tài chính khá nhiều cho một số trường, nhưng cho tới nay kết quả vẫn chưa thành công, chưa có trường nào vào được tốp 200 của thế giới, các đại học lớn của chúng ta cũng mới đứng ở tốp trên dưới 1000.

Cụ thể, câu chuyện xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế (trường chất lượng cao, trường xuất sắc…) tại Việt Nam được bắt đầu cách đây nhiều nhiệm kỳ, mấy chục năm rồi. Có lúc Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế. Giai đoạn đầu triển khai dự án, có 2 trường đại học là Việt-Đức và Việt-Pháp). Đến nay các trường đại học này dù có cố gắng nhưng vẫn chưa lọt vào top nào.

Nay, nên trở lại mục tiêu đó nhưng với cách tiếp cận mới, khả thi hơn, theo hướng chú trọng cơ chế quản trị nhà trường và hỗ trợ về thông tin, chất xám, đào tạo cán bộ và giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Chú ý cách làm đúng còn quan trọng hơn việc cấp nhiều tiền. Tiền cũng rất cần nhưng nếu cách làm không hiệu quả thì hết tiền mà vẫn không có kết quả như mục tiêu nêu ra. Tiền ít hơn nhưng biết cách làm thì sẽ có kết quả tốt.

Đó là đối với giáo dục đại học, vậy đối với cao đẳng, phổ thông thì sao, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đúng, mỗi bậc học cũng có những vấn đề riêng.

Ví như các trường cao đẳng sư phạm hiện nay đang trong tình trạng đáng báo động về mức độ khó khăn thì Nhà nước cần xác định rõ sứ mệnh và nhiệm vụ của các trường này, mở cơ chế cho họ được đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở vì họ có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực này, thực hiện đa ngành trong đào tạo, giúp họ phấn đấu có lộ trình đủ điều kiện nâng lên đại học đa ngành, đa lĩnh vực để tiếp tục phát triển.

Việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân cần bám vào các tiêu chí: Công bằng, chất lượng, hiệu quả và thống nhất. (ảnh: VNU)

Việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân cần bám vào các tiêu chí: Công bằng, chất lượng, hiệu quả và thống nhất. (ảnh: VNU)

Tất nhiên, đa ngành nhưng vẫn có nhiệm vụ chính là phải đào tạo sư phạm, đào tạo giáo viên, đào tạo nhà quản lý giáo dục, khoa học giáo dục, tâm lý học là mảng chính, chứ không nên khó thì giải thể.

Hiện nay, yêu cầu bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều. Ngành giáo dục đang tổ chức thay đổi chương trình, thay đổi cách dạy cách học, phát triển giáo dục trong điều kiện mới của công nghiệp 4.0…thì câu chuyện chuẩn bị giáo viên vẫn còn nhiều việc phải làm chứ không phải hết việc. Mặt khác, địa phương nào cũng có những yêu cầu về chuẩn bị nhân lực (ngoài những yêu cầu chung như toàn quốc).

Do đó, tôi nghĩ các trường địa phương này còn cần thiết lâu dài và là mắt xích không thể thiếu trong mạng lưới giáo dục quốc gia để bảo đảm sự công bằng xã hội. Đồng thời với đó, việc đào tạo sư phạm có thể thực hiện tại các khoa và môn học trong các trường đa ngành chứ không nhất thiết phải trường chuyên về sư phạm.

Như đã phân tích ở trên, nước ta để trở thành nước công nghiệp phát triển thì trong vòng vài chục năm đến sẽ còn cần thiết có thêm nhiều trường đại học nữa, nhất là giáo dục ngoài công lập, nên điều hòa phân bổ mạng lưới các cơ sở đào tạo rộng ra trên địa bàn cả nước, không nên tập trung thêm ở hai thành phố lớn để đỡ phải giải quyết những vấn đề liên quan và có tác động tốt cho sự phát triển các địa phương của cả nước (ở nhiều nước, các trung tâm đại học lớn không nằm ở thành phố lớn).

Cao đẳng chuyên nghiệp, giáo dục nghề nghiệp bậc trung cao cấp và đại học cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước, trước nhất là trả cao đẳng chuyên nghiệp trở về với bậc học đại học chứ không nên để phân tán, cắt khúc và chồng chéo như hiện nay, làm cho hệ thống không còn tính hệ thống và không được hạ chuẩn để tăng số lượng một cách tùy tiện. Như vậy mới có thể giải quyết tốt vấn đề liên thông, phân luồng và phân tầng trong hệ thống mở, tránh mâu thuẫn về thể chế quản lý giữa các Bộ.

Cao đẳng vốn thuộc khối giáo dục đại học nhưng tréo ngoe ở chỗ hiện nay khối giáo dục đại học của chúng ta bị phân đôi, cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và bị kéo tụt xuống dưới trình độ đại học, còn đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Chưa kể, chính cao đẳng cũng đang bị phân đôi, phần lớn thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phần sư phạm thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (là đúng). Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trung cao cấp đáng ra phải gắn với nhau thì lại bị cắt rời. Giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học cũng cần gắn với nhau nhưng cũng bị tách rời.

Ngay cả giáo dục phổ thông đang giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhưng hiện nay cũng đang bị phân chia khi mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang làm chương trình cấp bằng giáo dục phổ thông tại các cơ sở đào tạo nghề.

Chúng tôi đề nghị xem xét để tổ chức lại các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục (phổ thông, đại học bao gồm cả cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học). Không ngại quản lý không nổi vì quá rộng. Cái chính là phải thay đổi cách quản lý bằng thể chế và thanh tra, kiểm tra chứ không phải chỉ huy trực tiếp. Nếu công tác quản lý nhà nước cứ theo kiểu tiếp tục chỉ huy thì sẽ rất bận rộn vào nhiều việc nhỏ tác nhiệp cụ thể trong khi không tập trung giải quyết tốt vấn đề thể thể chế quản lý vĩ mô và làm cho các cơ sở đào tạo không trưởng thành được.

Còn chương trình giáo dục phổ thông cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng chuyển từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực (chương trình giáo dục phổ thông 2018 tuy có tốt hơn trước nhưng về cơ bản vẫn là truyền thụ kiến thức).

Giáo dục phổ thông cơ bản kết thúc sau trung học cơ sở, còn trung học phổ thông thì bắt đầu tiếp cận nghề nghiệp, cần thiết kế chương trình theo hướng mới này.

Trong trung học phổ thông hệ công lập không nên tổ chức thành hai phân hệ là trường chuyên và trường không chuyên như hiện nay. Đã gọi là phổ (phổ thông) thì nên chú ý tính đồng đều trong hệ công lập. Đó cũng là sự bình đẳng trong hệ thống. Có chuyên tức là không phổ.

Còn việc bồi dưỡng nhân tài thì theo câu lạc bộ năng khiếu trong các trường trung học phổ thông và có thể có vài ba trường năng khiếu ở các vùng gắn với đại học nghiên cứu là được (chứ hiện nay các trường chuyên này cũng đâu có giải quyết được vấn đề nhân tài, mà chủ yếu mới là giúp cho việc vào đại học dễ hơn). Và khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các trường phổ thông ngoài công lập chất lượng cao.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)