Cấp 2 chỉ có 3 môn chính, muốn xóa chính-phụ phải thay đổi cách thi vào lớp 10

31/08/2021 08:14
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính việc coi trọng “môn chính, môn phụ” dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân.

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021.

Áp dụng từ năm 2021-2022 đối với lớp 6; từ năm 2022-2023 đối với lớp 7 và 10; từ năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm 2024-2025 đối với lớp 9 và 12.

Một trong những điểm mới, theo người viết, được dư luận hết sức đồng tình ủng hộ đó là sẽ không còn phân biệt “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh.

Đây là một quy định vô cùng đúng đắn được mọi người hoan nghênh, tán dương, giáo viên các môn xưa giờ được coi là “môn phụ” như được giải tỏa áp lực, học sinh sẽ tập trung vào học tất cả các môn, không còn khái niệm học lệch,…

Trong bài viết “Thế là tới đây sẽ không còn môn chính, môn phụ, cảm ơn Bộ Giáo dục!” của tác giả Hồng Nhung được rất nhiều lượt bạn đọc chia sẻ, bình luận đa số đồng tình với quy định mới và hy vọng khi áp dụng sẽ thực chất.

Theo người viết, việc này là vô cùng đúng đắn, mỗi môn học đều có tầm quan trọng, vai trò vị trí khác nhau, không thể một học sinh giỏi môn Lịch sử, Hóa học, Giáo dục công dân lại thua một học sinh học giỏi môn Toán học,…

Một quan niệm sai lầm về “môn chính, môn phụ” đã dẫn đến học lệch, thi lệch, dẫn đến coi thường bộ môn, coi thường giáo viên,… đã tồn tại rất lâu, nay được bãi bỏ là vô cùng đúng đắn.

Chính việc coi trọng “môn chính, môn phụ” dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân.

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Trong Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã quy định đánh giá, mỗi học sinh được xếp loại Tốt thì các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt điểm trung bình từ 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt điểm trung bình từ 8,0 trở lên.

Mức Khá: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ , điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên,… mà không phân biệt bất kỳ môn nào trong chương trình.

Tức là đã chính thức không còn quy định “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới.

Tuy nhiên, khi ban hành vẫn còn nhiều người băn khoăn, chưa yên tâm với quy định mới này khi ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở hầu hết tất cả các địa phương vẫn chỉ là 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Người viết tin rằng đã bỏ khái niệm “môn chính, môn phụ” trong đánh giá học sinh thì tiến tới sẽ sửa đổi quy chế kỳ thi quan trọng, được đánh giá là thật đó là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng không có “môn chính, môn phụ”, chấm dứt chỉ tập trung dạy và học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở.

Trong bài viết này, người viết xin tập trung phân tích và đề xuất sửa đổi các môn thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng không còn “môn chính, môn phụ”.

Đề xuất quy định các môn thi tuyển sinh 10

Hiện nay đa số các địa phương đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 rất tốt, thực chất, trung thực,… đánh giá thực trạng dạy và học ở các trường trung học cơ sở.

Tuy nhiên về môn dự thi thì hầu hết chỉ dự thi 3 môn Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ dẫn đến ở bậc trung học cơ sở chỉ tập trung vào dạy 3 môn trên, nó được coi là “môn chính” ở bậc trung học cơ sở, tất cả các môn còn lại đều là “phụ”.

Về nội dung thì tôi nghĩ rằng nội dung các môn thi nên đảm bảo nguyên tắc không có “môn chính, môn phụ” người viết đề xuất các môn thi theo 2 phương án sau:

Phương án 1: Học sinh bậc trung học cơ sở học môn nào thi môn đó (các môn năng khiếu kiểm tra riêng), tức là học sinh sẽ được thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ (sau này có thêm Ngoại ngữ 2), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Phương án 2: Theo chương trình mới ở bậc trung học phổ thông, ngoài việc học các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn trong Nhóm môn Khoa học tự nhiên, Nhóm môn Khoa học xã hội, Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, nên cũng có thể tổ chức việc thi tuyển sinh lớp 10 theo nhóm môn ở bậc trung học phổ thông mà học sinh sẽ được học.

Về đề thi thì cho trên tinh thần hết sức trọng tâm, nhẹ nhàng nhưng phải nghiêm túc.

Việc này vừa kích thích học sinh học tốt, giáo viên dạy tốt, không phân biệt “môn chính, môn phụ”, đảm bảo học sinh phát triển toàn diện.

Nhằm từng bước, thực hành dạy thật, học thật, nhân tài thật thì rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự điều hành, ban hành chính sách đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự đồng lòng của nhân dân, tạo động lực của các em thông qua việc tổ chức các hoạt động, các kỳ thi thật, nghiêm túc.

Trong thời gian qua, từng bước Bộ trưởng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thấy sự đúng đắn, tầm nhìn lâu dài, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhiều vấn đề về chứng chỉ, đánh giá chuẩn, công văn 5512, quy định đánh giá học sinh,…

Vì vậy, người viết tin tưởng trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chính sách đúng đắn, từng bước thực hiện mục tiêu dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mong muốn của nhân dân cả nước.

Có thể bắt đầu sửa đổi và áp dụng thay đổi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ngay từ năm học này, trong quá trình thực hiện sẽ có những điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý, nó là một kế hoạch lâu dài không để việc thi thay đổi liên tục khiến học sinh hoang mang.

Đồng quan điểm với nhiều người, tôi rất mong Thông tư 22 mới này được áp dụng cho tất cả các học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ngay trong năm học này, khi mà việc đánh giá theo Thông tư trên có nhiều điểm mới, hay tiến bộ, phù hợp hạn chế hầu hết những bất cập của Thông tư đánh giá hiện hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM