Có học bạ điện tử sao còn làm khó GV khi yêu cầu "bản sao học bạ công chứng"

21/05/2022 06:10
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện khi cắt giảm các thủ tục hành chính.

Việc loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện khi cắt giảm các thủ tục hành chính.

Hiện đã có một số địa phương trên cả nước thực hiện việc sử dụng học bạ điện tử tạo khá nhiều thuận lợi cho phụ huynh, giáo viên và nhà trường.

Ngay từ năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã chỉ đạo áp dụng học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và các đơn vị trực thuộc.

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục Hà Nam cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử ở tất cả các trường phổ thông, sớm bỏ hoàn toàn học bạ giấy.

Sử dụng học bạ điện tử có lợi gì?

Nếu hỏi: Dùng học bạ điện tử có lợi không? Và những ai được hưởng lợi khi dùng học bạ điện tử? Câu trả lời sẽ là có rất nhiều điều lợi, không chỉ giáo viên, nhà trường mà phụ huynh và học sinh cũng sẽ rất thuận lợi ở nhiều mặt.

Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, trường Trung học cơ sở Đức Trí, quận 1, Thành phố Hồ chí Minh, người được Microsoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu đã nêu 4 lợi ích của việc dùng học bạ điện tử thay học bạ giấy.

Theo đó, cái lợi đầu tiên là cho phụ huynh và học sinh vì họ có thể theo dõi tình hình học tập của con em mình.

Cái lợi thứ hai là cho giáo viên, tiết kiệm được thời gian, cho phép tự động xếp loại hạnh kiểm, học lực, tính toán tỷ lệ…, rất thuận lợi trong thống kê.

Cái lợi thứ ba là cho nhà trường trong việc quản lý. Khi dùng sổ sách điện tử, chúng ta dễ dàng kiểm tra bằng các thao tác lọc, không nhất thiết phải đọc dò bằng mắt thường bởi điểm được thiết kế tự cộng trên excel nên nếu giáo viên nhập sai thì điểm trung bình sẽ sai và giáo viên chủ nhiệm sẽ phát hiện ra.

Học bạ điện tử cũng không cần in ra mà chỉ cần chuyển cả cuốn đi chỉ bằng một thao tác gửi link. Như vậy bộ phận văn phòng cũng thuận lợi trong việc lấy thông tin cá nhân đầu năm mà không phải khai lại hồ sơ và tổng hợp từ sơ yếu lý lịch viết tay thành văn bản trên máy.

Cái lợi thứ tư là cho bộ phận quản lý và văn phòng. Vì không cần in ra nên mỗi năm tiết kiệm được một lượng lớn giấy cho việc in ấn. {1}

Dùng học bạ điện tử có nhiều ích lợi như thế nhưng tại sao nhiều địa phương vẫn thờ ơ? Không khai thác hết những tiện lợi của công nghệ thông tin? Vẫn bắt giáo viên viết tay học bạ giấy?

Sử dụng học bạ điện tử không đồng bộ trong cả nước nên phát sinh nhiều rắc rối

Khi vào trang tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng có xét tuyển bằng phương thức học bạ ở mục "hồ sơ xét tuyển" không khó để bắt gặp điều kiện yêu cầu thí sinh nộp bản phô tô học bạ có công chứng.

Nếu nhà trường làm học bạ điện tử thì lấy học bạ giấy ở đâu phát cho học sinh đi phô tô công chứng?

Đây là yêu cầu về hồ sơ tuyển sinh năm 2022 của một trường đại học (ảnh chụp màn hình)

Đây là yêu cầu về hồ sơ tuyển sinh năm 2022 của một trường đại học (ảnh chụp màn hình)

Không riêng tuyển sinh cao đẳng, đại học, mà nhiều nơi học sinh chuyển từ tiểu học lên bậc trung học cơ sở, rồi trung học cơ sở lên bậc trung học phổ thông nhà trường yêu cầu học bạ giấy hoặc bản sao phô tô công chứng từ các trường tuyến dưới gửi lên.

Ngoài ra, học sinh khi chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng gặp bao phiền toái khi các tỉnh có cách làm khác nhau.

Vài năm về trước, ngành giáo dục địa phương tôi đã cho giáo viên làm học bạ điện tử. Nhờ đó, giáo viên đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian ngồi cặm cụi ghi chép cả những mục cứ lập đi lập lại ở các trang.

Không chỉ thế, phụ huynh cũng xem được học bạ của con mình, từ những lời ghi phê của thầy cô để khuyến khích, nhắc nhở các con thực hiện tốt hơn.

Cũng trong năm học đó, một số học sinh đã chuyển trường ra khỏi tỉnh. Nhà trường đã in học bạ điện tử và gửi email về những trường các em chuyển đến. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, phụ huynh phản hồi nhiều trường học không đồng ý tiếp nhận học bạ điện tử mà yêu cầu phải có học bạ giấy.

Để tạo thuận lợi cho học sinh được nhập học nơi xa, giáo viên và nhà trường sở tại phải gấp rút làm lại học bạ giấy để chuyển cho gia đình các em.

Đây là yêu cầu về hồ sơ tuyển sinh năm học 2021-2022 của một trường trung học phổ thông tỉnh Lai Châu (ảnh chụp màn hình)

Đây là yêu cầu về hồ sơ tuyển sinh năm học 2021-2022 của một trường trung học phổ thông tỉnh Lai Châu (ảnh chụp màn hình)

Thế là, từ năm học sau đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo buộc phải chỉ đạo lại các trường trên địa bàn phải làm học bạ giấy mà không sử dụng học bạ điện tử nữa.

Đặc biệt có những trường còn yêu cầu các thầy cô cùng lúc làm 2 học bạ vừa học bạ điện tử, vừa học bạ giấy. Thay vì ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giảm thời gian làm việc thì lại tăng gấp đôi không chỉ thời gian còn cả bao công sức.

Bộ Giáo dục cần quy định mẫu học bạ điện tử thống nhất

Từ câu chuyện học sinh của mình chuyển trường qua tỉnh khác học nhưng nơi đó không chấp nhận học bạ điện tử mà vẫn yêu cầu phải có học bạ giấy, đã thấy rằng nếu không có sự thống nhất cách làm thì nơi nào muốn đổi mới, muốn ứng dụng công nghệ thông tin cũng rất khó thực hiện.

Bởi thế, muốn có sự đồng bộ cần có sự chỉ đạo thống nhất từ cấp Bộ xuống cơ sở. Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng nói cách đây 2 năm (năm học 2019-2020):

“Cơ sở dữ liệu của ngành đã có, chúng tôi sẽ tính đến việc có thể cắt giảm một số giấy tờ, có thể làm học bạ điện tử, không sử dụng giấy tờ giấy mà sử dụng dữ liệu điện tử là chúng ta đã đạt được một nền giáo dục điện tử”.{2}

Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua (năm học 2019-2020 và nay sắp bước sang năm học 2022-2023) nhưng việc sử dụng học bạ điện tử vẫn chưa được thống nhất trong cả nước, vẫn đang là cách làm đơn lẻ của từng tỉnh thành.

Những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, làm học bạ như chúng tôi vẫn đang rất mong sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đưa hệ thống học bạ điện tử vào áp dụng trong toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục quốc dân nhằm giải phóng việc ghi chép, đồng thời tạo ra sự minh bạch, công bằng trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

{1} https://plo.vn/hoc-ba-dien-tu-co-loi-cho-ai-post347661.html

{2} https://e-ict.gov.vn/news/tin-cntt-trong-gddt/bo-so-diem-hoc-ba-giay-trut-ganh-lo-so-sach-cho-giao-vien-212.html

Đỗ Quyên