Bước sang đầu tháng 6, nhiều nơi trong cả nước đã tổng kết năm học 2021-2022 thì tại một số địa phương phía Nam, học sinh bậc tiểu học mới bước vào giai đoạn kiểm tra giữa học kỳ II.
Thời gian này, được xem là khoảng thời gian nước rút để thầy cô giáo tăng tốc ôn tập cho học sinh về đích. Không đơn giản chỉ là việc dạy, các giáo viên còn cố hết sức mình kèm cặp thêm học sinh có lực học chưa tốt nắm được kiến thức cơ bản.
Nội dung 3 rất khó hoàn thành vì khi mở các clip liên tục bị văng ra (Ảnh chụp từ màn hình) |
Cùng với đó là việc hoàn tất hồ sơ sổ sách, kết thúc chuyên đề cho đợt kiểm tra cuối kỳ, một số thầy cô còn phải tham gia đợt kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn bị bài giảng cho thao giảng trường, thao giảng cụm trường. Bởi thế, giáo viên luôn quay cuồng với biết bao công việc.
Thế nhưng cũng đúng thời điểm này, khi mà các thầy cô không còn chút thời gian nghỉ ngơi thì lại được chỉ đạo phải hoàn thành việc học module 9 của chương trình mới.
Module 9 chất lượng thấp nên tốn nhiều thời gian của giáo viên
Nội dung học của module 9 là Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học.
Có 3 nội dung học tập phải hoàn thành. Nếu như nội dung 1 và 2 không có gì để nói thì nội dung 3 đã lấy đi khá nhiều thời gian của các thầy cô giáo.
Nội dung 3: Lựa chọn ứng dụng thiết bị, công nghệ, học liệu số và phần mềm hỗ trợ trong hoạt động dạy học, giáo dục môn Tiếng Việt ở cấp tiểu học.
Trong nội dung 3, giáo viên phải hoàn thành tất cả 8 nội dung kiến thức nhỏ. Đó là:
Giới thiệu nội dung 3; Hoạt động 9: Luyện tập; Hoạt động 10: Thực hành; Hoạt động 11: Phản hồi; Hoạt động 12: Vận dụng; Câu hỏi đánh giá nội dung 3; Hướng dẫn sản phẩm nộp cuối khóa; Nộp sản phẩm cuối khóa.
Trong Hoạt động 11: Phản hồi, giáo viên phải xem 3 clip là 3 tiết dạy học thực nghiệm tình huống 1, tình hướng 2, tình huống 3 của các môn đại diện cho cấp học về hoạt động dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin.
Sau đó, xem 3 clip tiếp theo về sinh hoạt chuyên môn. Mỗi clip có thời lượng khoảng 20 phút. Cuối cùng, trả lời câu hỏi thảo luận sau khi xem video clip.
Số lượng clip phải xem khá nhiều (6 clip), thời gian mỗi clip cũng khá dài (20 phút). Tổng thời gian để xem xong 6 clip là 2 tiếng. Vậy mà, mỗi khi mở clip cũng chỉ được vài phút là văng ra (out) khỏi hệ thống, buộc phải đăng nhập lại.
Cứ thế, mấy chục phút trôi qua chưa thể xem xong 1 clip. Mấy ngày trôi qua, có giáo viên vẫn chưa có được một tích xanh ở hoạt động 11 (nội dung 3).
Trên mỗi module đều có ghi thời gian. Ví như module 9 ghi ngày 24/3/2023 được hiểu như thời gian phải hoàn thành. Thế nhưng, mỗi khi mở module cho giáo viên học, mới chỉ có mấy ngày đã có nhà trường lập tức hối thúc giáo viên phải học xong.
Một số hiệu trưởng cho biết, cũng đồng cảm và thấu hiểu với giáo viên nên không bao giờ muốn hối thúc mà để các thầy cô giáo chủ động tranh thủ học.
Thế nhưng, không hối thúc giáo viên học sẽ bị cấp trên nhắc nhở về trường khi không thực hiện đúng tiến độ, khi module bị khóa là không thể hoàn thành. Thế nên, có muốn để giáo viên thong thả học cũng không thể được.
Đã là tự học bồi dưỡng thì cần phải có thời gian nhất định
Đi dạy suốt ngày, tối về còn biết bao công việc khác nên giáo viên không thể học module nhanh cũng là điều dễ hiểu. Do bận rộn công việc lại bị sức ép học đúng tiến độ cũng không muốn bị nêu tên, bị nhắc nhở nên không ít giáo viên đã chọn giải pháp thuê người học hộ.
Rõ ràng, đây là những module tự học, tự tìm hiểu, nghiên cứu để nâng cao nhận thức, kỹ năng của nhà giáo thì giáo viên cần có thời gian nhất định để học.
Thế nhưng, module lại được mở vào những thời điểm bận rộn nhất. Đó là, những thời điểm công việc ngập đầu như giữa kỳ I, kỳ II, cuối kỳ I, kỳ II. Đã thế, mở được mấy ngày là hối thúc phải hoàn thành. Nhiều thầy cô nói vui là “học mà như đi đánh trận”.
Để việc học module có hiệu quả thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ ràng về thời gian học và hoàn thành các module như học vào tháng 8 (thời gian nhà giáo hết hè nhưng vẫn chưa tựu trường mà chủ yếu hội họp và học tập) hoặc là cứ giao khoán cho giáo viên mỗi năm học phải tự hoàn thành bao nhiêu module để mỗi giáo viên tự chủ động sắp xếp thời gian học của mình một cách hợp lý.
Khi có thời gian thong thả, không bị công việc áp lực, nhà giáo sẽ có sự đầu tư học tập một cách chỉn chu và nghiêm túc hơn kiểu học gấp gáp, học cho xong, cho kịp tiến bộ thì dù có hoàn thành việc học các module nhưng chất lượng học tập vẫn luôn nằm ở mức thấp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.