Sáng ngày 1/6, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự băn khoăn trước những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ trong tự chủ đại học.
Để làm rõ nội dung Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng và một số đại biểu quan tâm, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề tự chủ đại học là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết 29-NQ/TW và theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tự chủ đại học đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện phát triển cho các trường đại học, được các cơ sở giáo dục đại học và xã hội đánh giá cao.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: TTXVN). |
Bộ trưởng nêu rõ: “Qua thời gian thực hiện tự chủ, các trường đại học đã có nhiều diện mạo và sự phát triển mới. Chỉ số xếp hạng giáo dục của Việt Nam so với thế giới đã tăng nhanh. Cụ thể, theo công bố mới, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trong số các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có sự đóng góp của chỉ số phát triển trong xếp hạng đại học. Nhiều ngành nghề mới được mở, cơ hội học tập và học tập tốt cho người học đã tăng lên, các chỉ số của đại học đều đã được phát triển.
Điều đó cho thấy chủ trương thực hiện tự chủ đại học là đúng đắn, rất cần thiết, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Về tình hình triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, trong các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc thành lập, hoạt động các Hội đồng trường.
“Cho đến thời điểm này, trong hệ thống các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, 35/35 trường đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động. Hiện nay, trong số gần 200 trường thuộc các Bộ, ngành quản lý và ở các địa phương, vẫn còn 13 cơ sở giáo dục đại học chưa tiến hành thành lập Hội đồng trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đốc thúc các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo vấn đề này” - vị tư lệnh ngành cho biết thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động Hội đồng trường, trong đó, có vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, việc phối kết hợp hoạt động giữa Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng, Ban Giám hiệu; việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội đồng, Ban giám hiệu; một số công việc tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ...
Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trên phương diện tổ chức, giúp trường hoạt động tự chủ được tốt hơn.
Đề cập đến việc nhiều Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến “thực hiện tự chủ đại học cao thường gắn với trách nhiệm giải trình, gia tăng kiểm soát, kiểm tra, kiểm định”... Về nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát huy, hoạt động của 7 trung tâm kiểm định trên cả nước, hiện nay có 174/241 trường đã được kiểm định (đạt trên 70%), các trường ngoài kiểm định trong nước, có một số trường kiểm định quốc tế, các trường thực hiện trách nhiệm giải trình “3 công khai” cũng như thông tin liên quan hoạt động của nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang gia tăng kiểm tra, giám sát, để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình tốt nhất.
Để hoạt động tự chủ đại học trong thời gian tới tốt hơn, dự kiến, Bộ sẽ tổ chức hội nghị sơ kết triển khai tự chủ đại học, trên cơ sở đánh giá, rà soát, sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học trong thời gian sớm nhất.