Giảm điểm ưu tiên đối với những thí sinh có điểm thi cao là rất vô lý

12/06/2022 06:43
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo một số chuyên gia, quy định cộng điểm ưu tiên dự kiến thực hiện từ năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá phức tạp và chưa hợp lý.

Ngày 9/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi thông tin về các điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm 2022, trong đó đáng lưu ý nhất là việc thay đổi cách tính điểm cộng ưu tiên, dự kiến áp dụng từ năm 2023.

Theo đó, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Bên cạnh đó, từ năm 2023, thí sinh sẽ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Sau khi quy chế được công bố, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề cộng điểm ưu tiên.

Cách tính điểm ưu tiên dự kiến áp dụng từ năm 2023 (ảnh: nguồn VTV)

Cách tính điểm ưu tiên dự kiến áp dụng từ năm 2023 (ảnh: nguồn VTV)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng: "Quy định cộng điểm ưu tiên dự kiến thực hiện từ năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá phức tạp và chưa hợp lý.

Có lẽ Bộ muốn tránh trường hợp điểm chuẩn vượt quá 30 điểm và hiện tượng 27-28 điểm vẫn trượt đại học đã xảy ra ở một số kỳ thi trước, gây ồn ào trong dư luận, nên đây có thể là giải pháp khống chế.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của hiện tượng trên nằm ở sự phân hóa đề thi và việc lựa chọn sắp xếp nguyện vọng của thí sinh chứ không phải là điểm ưu tiên. Hiện nay, điểm ưu tiên thực ra đã lỗi thời, cần thay đổi để ưu tiên đúng đối tượng nhưng không phải bằng cách giảm mức cộng với thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên".

Theo thầy Đinh Đức Hiền, việc cộng điểm ưu tiên là dành cho các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm tạo điều kiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Tuy nhiên, trong tuyển sinh đại học, nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo là chọn được người giỏi, người phù hợp. Do đó, quy định mới về cộng điểm ưu tiên dự kiến thực hiện từ năm 2023 vô hình chung tạo ra sự phân biệt giữa học sinh điểm thấp nhưng được cộng điểm ưu tiên ở mức cao và học sinh giỏi, thi đạt điểm cao lại được cộng mức điểm ưu tiên rất thấp, thậm chí là không được cộng.

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Với học sinh nghèo, ở vùng khó khăn, thuộc đối tượng ưu tiên có sự cố gắng trong học tập và thi đạt điểm cao thì các em không có lỗi gì để chúng ta "lấy" đi điểm ưu tiên của các em cả. Đáng lẽ, điểm ưu tiên cần phải xem xét lại ở chỗ phân chia khu vực và phân chia đối tượng sao cho hợp lý, bởi tình hình kinh tế, xã hội hiện nay đã thay đổi rất nhiều, sự chênh lệch về điều kiện học tập cũng đang dần thu hẹp nhưng điểm ưu tiên vẫn còn nhiều bất cập.

Đơn cử có địa phương áp dụng chung một chính sách ưu tiên khu vực cho toàn tỉnh hay học sinh dân tộc thiểu số nhưng ở tỉnh đó lại có điều kiện kinh tế, điều kiện học tập hơn rất nhiều tỉnh khác… đây mới chính là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm về điểm ưu tiên. Hơn nữa, các trường đại học đã bắt đầu tự chủ trong tuyển sinh, việc ưu tiên như thế nào nên chăng hãy để các trường đại học tự quyết định", vị giáo viên này nêu quan điểm.

Cũng theo quy chế, từ năm 2023, thí sinh sẽ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, thí sinh chỉ nên được cộng điểm ưu tiên một lần duy nhất, trừ các trường hợp đặc biệt không thể tham dự kỳ thi và xét tuyển đại học ngay tại năm tốt nghiệp như chịu ảnh từ hưởng thiên tai, ốm đau, tai nạn, phục vụ trong quân đội…

Bởi lẽ, thứ nhất, với cơ chế xét tuyển đại học hiện nay, thí sinh có rất nhiều lựa chọn, việc đỗ một trường đại học nào đó không khó khăn, khó ở đây là vào trường "top", các thí sinh cũng có thể chọn học nghề nếu thấy phù hợp.

Thứ hai, đối với thí sinh tự do, việc lựa chọn thi lại hay không nằm ở chính thí sinh. Khi thi lại đại học, các em có thời gian ôn tập dài hơn, có kinh nghiệm hơn, không phải chịu áp lực điểm số từ nhiều môn học như khi còn trong trường trung học phổ thông, các em hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn nơi ôn thi, thời gian ôn thi, vì vậy, để tạo sự công bằng thì chỉ nên cộng điểm ưu tiên một lần.

Cũng chia sẻ về vấn đề cộng điểm ưu tiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Quy định mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất rắc rối và có thể tạo ra sự bất bình trong xã hội.

Học sinh nỗ lực học tập thì chúng ta lại càng phải khuyến khích, ghi nhận sự cố gắng đó của các em. Việc giảm điểm ưu tiên đối với những em có điểm thi cao là rất vô lý.

Còn với những thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực là vì các em sống ở nơi có điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, không phải địa phương nào cũng có điều kiện học tập tốt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi chính sách giáo dục đều có ý nghĩa và chính sách cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh sống ở vùng khó khăn, thí sinh là người dân tộc thiểu số... cũng là để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong giáo dục".

Thiên Nhi