Từ chuyện đoán "trúng đề", thầy cô kiến nghị đổi mới cách ra đề thi Ngữ văn

11/07/2022 10:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên thay đổi cách ra đề, không áp theo đề minh họa trước kì thi, đặt ra những vấn đề mới mẻ, những góc nhìn độc đáo để học sinh không thể học theo mẫu.

Vừa qua, sau khi kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022, đã có những phản ánh liên quan đến đề thi môn Ngữ văn khi một số tài khoản mạng xã hội đã dự đoán đúng tác phẩm trong đề thi chính thức trước ngày thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng khẳng định không có chuyện lộ đề thi môn Ngữ văn.

Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng thông tin rằng, số lượng tác phẩm văn học ít nên xác suất đoán trúng tác phẩm trong đề thi cũng là điều bình thường.

Dù không có chuyện lộ đề thi, nhưng câu chuyện này một lần nữa dấy lên lo ngại đối với vấn đề “học tủ”, ôn thi “trúng tủ” đối với môn Ngữ Văn.

Nhiều thầy cô cũng bày tỏ băn khoăn vì sao đến nay, đề thi Ngữ văn của chúng ta vẫn chưa thực sự có nhiều đổi mới, sáng tạo?

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội), hiện là giáo viên môn Ngữ Văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, hiện tượng có ai đó đoán đúng tác phẩm trong bài thi chỉ là sự ngẫu nhiên.

Lý do vì câu nghị luận văn học trong đề thi chỉ yêu cầu học trò “trả bài” cho thầy cô với những tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa mà thầy cô đã giảng, đã ôn luyện. Với số lượng tác phẩm hữu hạn và ít ỏi thì sự trùng hợp giữa phỏng đoán và thực tế là ngẫu nhiên cũng dễ hiểu.

Bên cạnh đó, một tác phẩm văn học có thể mở ra hàng chục kiểu dạng đề khác nhau, ví dụ như: phân tích đoạn nào/ nhân vật nào/ giá trị nào/ vấn đề nào… mà đưa đến những khoảng cách khá lớn giữa “trúng bài” và “trúng đề”.

Chính vì vậy, chỉ nên nghĩ tới sự “lộ đề” nếu có hiện tượng dự đoán đúng vấn đề trong tác phẩm, vấn đề ấy thể hiện trong cả trích đoạn ngữ liệu và yêu cầu của câu lệnh.

Theo cô Thu Tuyết, năm học tới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thực hiện tới lớp 10 bậc trung học phổ thông, trong đó đặt ra hướng hoàn toàn mới trong hoạt động kiểm tra đánh giá: học sinh được cung cấp cả kiến thức và kĩ năng, nhưng khi thi, sẽ dùng những kĩ năng đã được dạy, được luyện để tự mình khám phá giá trị của một tác phẩm ngoài chương trình sách giáo khoa.

Nếu hướng thi cử đó được thực hiện thì sẽ là cách triệt tiêu cơ bản việc dạy tủ, học tủ, dạy kiểu đọc chép, học theo văn mẫu…

Còn từ nay tới khi đó, khi các kì thi vẫn yêu cầu học sinh phân tích lại những điều thầy cô đã phân tích trong số các tác phẩm ít ỏi của sách giáo khoa, muốn hạn chế phần nào hiện tượng đồn đoán, học tủ và văn mẫu, nên thay đổi cách ra đề, không áp theo đề minh hoạ trước kì thi, đặt ra những vấn đề mới mẻ, những góc nhìn độc đáo để học sinh không thể học theo mẫu.

Bàn luận về vấn đề trên, thầy Ngô Văn Tuyến - giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đổi mới ra đề thi Ngữ văn.

Thầy Ngô Văn Tuyến - giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thầy Ngô Văn Tuyến - giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thực tế trong chương trình Ngữ văn, đặc biệt là chương trình Ngữ văn 12 thì hầu hết các tác phẩm văn học đã được ra trong đề thi các năm, có tác phẩm đã ra đến 3 lần qua các năm, điều đó cũng chứng tỏ một điều: ngữ liệu cho đề thi đã cạn nên mới có sự lặp lại như vậy.

Trong số lượng những tác phẩm ít ỏi đó thì việc nhận định đề thi vào tác phẩm văn học nào cũng là điều dễ hiểu.

Cấu trúc đề thi cũng đã cũ, không có sự sáng tạo nhiều nên cũng không thể có nhiều cơ hội để học sinh sáng tạo theo nét riêng của mình.

Thực tế các quốc gia khác trên thế giới, đề thi môn Ngữ văn là đề mở, rất hay và hấp dẫn, chính vì thế, học sinh có cơ hội được thể hiện quan điểm riêng, tiếng nói của mình.

Thiết nghĩ, đề thi môn Ngữ văn thời gian tới cần có sự đột phá trong cấu trúc đề thi, đột phá trong cách đưa ra đề bài, một đề thi hay khi đề thi đó đáp ứng được sự sáng tạo của học sinh, cho học sinh nói lên suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống.

“Trao đổi về vấn đề đổi mới trong đề thi môn Ngữ văn của chúng ta, tôi bỗng nhớ đến đề thi văn ấn tượng của một quốc gia nổi tiếng trên thế giới như sau: Một người mẹ đưa hai cô con gái của mình đến vườn hoa hồng. Cô con gái thứ nhất nói với mẹ rằng: "Ở đây nguy hiểm lắm mẹ, vì có gai dưới mỗi bông hoa!", cô con gái còn lại nói: "Thật đẹp, có bông hoa mọc trên mỗi chiếc gai!

Như vậy, đề thi đã đưa ra một vấn đề rất hay, đó là cách nhìn nhận về cuộc sống thông qua một câu chuyện, và từ câu chuyện ấy học tự suy nghĩ chiêm nghiệm về cuộc sống để viết, để chia sẻ, học sinh không bị gò bó về ý tưởng và được tự do về suy nghĩ.

Tôi chắc chắn một điều: học sinh sẽ rất hào hứng để viết, để nói lên suy nghĩ, quan điểm riêng của mình trước những vấn đề trong cuộc sống", Thầy Tuyến chia sẻ.

Cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ, Hà Nội cũng chia sẻ, để tránh việc ra đề thi chỉ xoay quanh một vài tác phẩm, đề thi có thể ra theo hướng mở, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh.

Học sinh không nhất thiết phải phân tích 1 đoạn trích/ 1 vấn đề trong tác phẩm mà có thể sử dụng tác phẩm để làm dẫn chứng cho bài viết.

Phạm Minh