LTS: Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.
Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập để phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%
Để có thêm góc nhìn sau 3 năm triển khai Nghị quyết này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Là chuyên gia về giáo dục đại học lâu năm, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập hiện nay và những đóng góp của nó trong tổng thể hệ thống giáo dục đại học?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Từ đường lối đổi mới của Đảng, ý tưởng về sự ra đời của loại hình trường đại học ngoài công lập được hình thành ở một số tổ chức và cá nhân.
Tháng 12/1988, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xây dựng thí điểm Trung tâm đại học dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long) tại Hà Nội.
Năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó khuyến khích mở các trường lớp dân lập và cho phép mở trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học.
Điều này chứng tỏ phát triển hệ thống trường đại học ngoài công lập không chỉ vì nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục bị hạn hẹp mà chủ yếu vì xét về mặt kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống trường ngoài công lập hoạt động có phần hiệu quả hơn. Do đó trong điều kiện cụ thể nước ta, Nhà nước nên có quan điểm xem giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân; cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì Giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương) |
Một số trường do có hướng đầu tư đúng nên sau một số năm hoạt động, đã xây dựng được cơ sở riêng rất khang trang (Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Phương Đông, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Văn Lang,…). Phần lớn các trường đều tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, giảng dạy và học tập.
Phần lớn cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đã tập trung đầu tư để có được những chương trình hợp tác quốc tế hiệu quả.
Việc thiết lập mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, trước hết là các doanh nghiệp, bước đầu đã được nhiều trường ngoài công lập chú ý. Ở những trường có quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp thì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo khá cao, có trường đạt tỷ lệ trên 90%.
Kể từ 1988 đến nay, hệ thống trường ngoài công lập tuy chưa phát triển như mong muốn của Đảng và Nhà nước là đến cuối năm 2020 có khoảng 40% sinh viên học tập trong các trường đại học ngoài công lập (theo Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ) nhưng đã có những nỗ lực vượt khó khăn, tìm tòi cách đi, cách hoạt động, gánh vác một phần tải trọng giáo dục đại học của cả nước, mở rộng cơ hội học đại học, học nghề nghiệp của nhân dân.
Nhìn chung giáo dục đại học ngoài công lập đã và đang đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Mặc dù có sự phát triển về số lượng nhưng các trường đại học ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế chính sách của Nhà nước khi phải cạnh tranh “không cân sức” giữa một bên là các trường đại học ngoài công lập có tuổi đời còn non trẻ, nguồn lực hạn chế với một bên là các trường đại học công lập có bề dày lịch sử, đã và đang được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực về đất đai, tài chính, trang thiết bị và nguồn lực con người.
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP (năm 2019) đến nay (năm 2022), tổng số sinh viên cũng như số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng lên không đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả nói trên từ khung khổ pháp lý và chính sách của Nhà nước; môi trường hoạt động và nội lực của các trường đại học ngoài công lập; tâm lý của xã hội đặc biệt là người học đối với các trường đại học ngoài công lập...
Như vậy, từ một Trung tâm đại học dân lập Thăng Long nhỏ bé với một vài nhà giáo-nhà khoa học tâm huyết, không một tấc đất cũng như một đồng góp vốn, được thành lập dưới hình thức thí điểm vào năm 1988, cho tới nay Việt Nam đã có một hệ thống gồm vài chục trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm khoảng 13-14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước, ước tính đã gánh đỡ cho ngân sách nhà nước khoảng vài chục nghìn tỉ đồng.
Nói như vậy để thấy, chủ trương về xã hội hóa giáo dục thể hiện qua Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và gần đây nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP là rất chính xác.
Phóng viên: Theo ông, cần làm gì để giáo dục đại học ngoài công lập phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Để giúp cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phát triển mạnh, đúng quy luật và đúng hướng, tôi đề xuất một số kiến nghị sau:
Về quản lý nhà nước:
Thứ nhất, nhà nước cần tiếp tục khẳng định và đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, tạo những điều kiện thuận lợi có thể được cho giáo dục đại học ngoài công lập tiếp tục phát triển không ngừng nhằm huy động được tiềm năng to lớn của xã hội phục vụ cho sự nghiệp đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo mà Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và được cụ thể hoá tại Nghị quyết số 35/NQ-CP.
Trong hoàn cảnh hiện nay Nhà nước không thể đầu tư tràn lan cho giáo dục đại học mà chỉ nên tập trung ngân sách quốc gia cho các trường đại học trọng điểm, các khoa, ngành trọng điểm. Những việc mà xã hội có thể đảm nhận được thì nên khuyến khích xã hội hóa, tức là phát triển giáo dục đại học ngoài công lập là xu hướng tất yếu.
Để có được sự phát triển “hài hòa” ở giáo dục đại học giữa các khu vực công lập và ngoài công lập thì cần có các giải pháp phù hợp để “tăng tỉ lệ trường ngoài công lập”. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2020 cũng đặt mục tiêu cụ thể trong đó có giáo dục đại học.
Tôi nói điều này bởi vì những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học, cao đẳng được tự xác định thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh dẫn tới tổng số lượng chỉ tiêu chính quy của tất cả các trường công lập rất lớn đã làm hẹp cửa tuyển sinh cho các trường thuộc khu vực ngoài công lập.
Ngoài ra, dưới một góc nhìn khác, việc tăng thoải mái số trường và quy mô tuyển sinh cho các trường công lập trong khi nguồn nhân lực đầu tư cho khối trường này lại tăng hầu như không đáng kể, trên thực tế đã làm giảm chất lượng đào tạo của khu vực này, đi ngược lại mục tiêu của xã hội hóa giáo dục.
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách phù hợp để từng bước xóa dần sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và trường ngoài công lập, giữa sinh viên công lập và sinh viên ngoài công lập. Thí dụ như, học bổng không cấp cho trường mà chỉ cho các đối tượng chính sách, không phân biệt đối tượng đó học ở trường công hay trường tư. Nhà nước cũng nên nghiên cứu để miễn, hoãn thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trường ngoài công lập.
Thứ ba, đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, cả công lập lẫn ngoài công lập không thể chỉ căn cứ vào chất lượng của nguồn tuyển, bề dày truyền thống của nhà trường, như quan niệm của xã hội lâu nay. Bởi lẽ, ví như trường Đại học Duy Tân cũng góp mặt trong nhiều bảng xếp hạng, với vị trí sánh ngang thậm chí cao hơn so với một số trường công lập top đầu.
Thứ tư, cần sớm thành lập Vụ Giáo dục ngoài công lập tại Bộ Giáo dục và Đào tạo để giúp Bộ trưởng quản lý lĩnh vực giáo dục ngoài công lập. Không khoán gọn quản lý khối cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cho các địa phương như hiện nay.
Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập:
Để các cơ sở giáo dục đại học học ngoài công lập có bước đi vững chắc, tôi đưa ra một số khuyến cáo sau :
Một là, nội bộ nhà trường cần xử lý vấn đề tài chính với tầm nhìn dài hạn, biết lấy ngắn nuôi dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các loại lợi ích, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong các nhà đầu tư, trước hết là các cổ đông lớn. Điều cần tránh đối với nhà đầu tư là không được chạy theo “cầu đơn thuần” của người học theo tư duy kinh tế thị trường ở mức sơ khai. Khi đó chỉ cần một bộ phận cổ đông gây sức ép với nhà quản lý và nhà giáo dục để tối đa hóa lợi nhuận là có thể đưa trường ngoài công lập vào tình trạng đen tối.
Hai là, phải tập trung xây dựng đội ngũ và môi trường sư phạm. Việc xây dựng đội ngũ đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đòi hỏi công sức và trí tuệ không những của các nhà lãnh đạo và quản lý cấp trường mà cả cấp khoa và bộ môn và phải được thực thi thống nhất và lâu dài.
Một số trường đại học ngoài công lập có thuận lợi khi mời được sự cộng tác của một số nhà giáo, nhà khoa học và quản lý có uy tín nhưng không thể yên tâm với điều đó vì qua năm tháng, đội ngũ này sẽ bị hao hụt khá nhanh về nhiều phương diện và kinh nghiệm lâu năm của họ không tránh khỏi trở nên hạn chế, còn đội ngũ trẻ thì vẫn mỏng, vẫn chưa thật sự gắn bó với trường và đôi khi mong muốn của họ lại chưa được quan tâm đúng mức.
Việc xây dựng đội ngũ phải đi liền với việc xây dựng môi trường sư phạm, vì chính điều đó đảm bảo vững chắc cho việc tập hợp đội ngũ. Thực tế cho thấy có rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến việc xây dựng một đội ngũ mạnh đủ sức thực hiện nhiệm vụ của trường nên mỗi trường phải có chính sách phù hợp và nhất quán, cũng như cần cả sự hỗ trợ của chính sách nhà nước, như việc đào tạo trên đại học ở nước ngoài cho đội ngũ trẻ.
Ba là, phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khi bắt đầu hoạt động và từng bước phải được nâng lên ngang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
Bốn là, phải từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu cho trường một cách bài bản và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Rõ ràng là khi mới ra đời các trường đại học ngoài công lập chưa thể có ngay uy tín và thương hiệu vì chưa đủ bề dày năm tháng, còn thiếu địa điểm chính thức, cơ sở vật chất hạn chế, đội ngũ mỏng... Trong những cái thiếu này thì thiếu địa điểm với diện tích hoạt động phù hợp là cái khó nhất. Vì thế ở đây rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến.