Khi tôi đương nhiệm, không có việc người học cử tuyển xong đi làm lao động tự do

04/08/2022 06:42
Lê An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, công tác phân công công việc cho những đối tượng đi học cử tuyển của tỉnh khá tốt. 

Chính sách cử tuyển tại một số tỉnh, khu vực miền núi nhằm tuyển học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (dưới 22 tuổi) là dân tộc thiểu số, ở vùng có điều kiện khó khăn, tạo điều kiện cho các em đi học đại học, cao đẳng và sau khi tốt nghiệp được phân công công tác, trở thành nhân lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên vẫn còn những bất cập trong vấn đề bố trí công việc cho đối tượng cử tuyển, khiến nhiều người đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng thất nghiệp, phải đợi chờ thêm, hoặc phải xin làm những việc hợp đồng, không đúng chuyên ngành được cử đi học. Nguyên nhân của bất cập có nhiều: trong thời gian đối tượng đi học đại học diện cử tuyển, những người phụ trách vấn đề liên quan của chính quyền sở tại hết nhiệm kì, hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập thiếu biên chế phải bổ sung ngay để đảm bảo hoạt động của đơn vị... Đến khi người học cử tuyển tốt nghiệp, họ không còn vị trí phù hợp để được sắp xếp nữa.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Trần Xuân Hưng (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái - nghỉ hưu năm 2018).

Ông Trần Xuân Hưng cho hay, những năm còn ở vị trí công tác, ông Hưng đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các huyện, thị: để tránh sự lãng phí nguồn nhân lực từ đối tượng cử tuyển phải có quy hoạch đào tạo, tuyển dụng theo từng ngành nghề địa phương thiếu.

"Tất cả các huyện, thị đều phải lập kế hoạch triển khai trong vòng 5 năm, đồng thời phải có cam kết đảm bảo quy hoạch và tuyển dụng đúng đối tượng. Việc này được triển khai khá tốt tại tỉnh Yên Bái", ông Hưng chia sẻ.

Ông Trần Xuân Hưng (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái - ở bên phải ảnh) trong sự kiện của Hội Cựu Giáo chức tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái)

Ông Trần Xuân Hưng (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái - ở bên phải ảnh) trong sự kiện của Hội Cựu Giáo chức tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái)

Về chính sách cử tuyển, ông Hưng chia sẻ, những năm trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, chính sách cử tuyển được làm tốt do địa phương thiếu nguồn cán bộ. Tuy nhiên sau này, nhiều trường đại học đào tạo chính quy nên chỉ tiêu cử tuyển cũng được rút bớt.

"Trong những năm tôi công tác, rất ít chuyện người học cử tuyển không được phân công. Bởi những đối tượng cử tuyển tốt nghiệp đại học xong không chuyển cho ngành này cũng chuyển cho ngành khác. Không có chuyện về đi làm nông nghiệp, lao động tự do. Chúng tôi khi đó phân công công tác đối với người đi học cử tuyển tương đối tốt", ông Hưng cho hay.

Thông tin về công tác tuyên truyền, tuyển sinh đối tượng cử tuyển, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho hay, trong thời gian ông đương nhiệm, việc này được đơn vị thực hiện rất công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Đơn vị cũng kết hợp với cơ quan công an để đảm bảo thí sinh đúng hộ khẩu, nếu có nghi ngờ về trường hợp gian lận để được đi học là công an vào cuộc xác minh. Cũng từng có những trường hợp địa phương khác gửi chỉ tiêu để được cử tuyển, không đúng với quy định pháp luật.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong công tác cử tuyển, ông Hưng cho hay, trường hợp dư thừa chỉ tiêu cử tuyển, nếu cứ đào tạo sẽ rất lãng phí. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phải tham mưu điều chỉnh chuyển bớt chỉ tiêu sang đào tạo tín chỉ nguồn nhân lực y tế. Những đối tượng học ngành y cũng được địa phương chi từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Về tiêu chí trúng tuyển đối với các đối tượng trên là không thấp quá 2 điểm so với điểm chuẩn của các trường đại học y.

"Chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực y tế dựa trên thực tế đang bị thiếu, hoạt động này được liên kết với các trường đại học y ở phía Bắc. Sau đó, các sinh viên ra trường tốt nghiệp đã đáp ứng được nguồn nhân lực cho địa phương. Có những người đã về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái", ông Hưng chia sẻ.

Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái)
Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái)

Theo nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, nếu không có đào tạo về lực lượng y tế này thì sau đó địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác tuyển chọn nhân viên, cán bộ y tế.

Thực tế, địa phương đã có quãng thời gian 15 năm không có một dược sĩ nào về Yên Bái để công tác. Những người đào tạo ngành này sẽ tìm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... Với mức lương ổn định, họ sẽ không về quê vì vừa khó khăn vừa lương thấp.

Phân tích thêm về chính sách dành cho đối tượng cử tuyển, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân (nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho hay, việc đối tượng cử tuyển tốt nghiệp về địa phương không được bố trí công việc là sự lãng phí nguồn nhân lực, đồng thời tốn kém ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này.

Từng được tham gia dự án khảo sát về các đối tượng học cao đẳng diện cử tuyển, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân nhận thấy các sinh viên sau khi tốt nghiệp được bố trí công việc là rất ít, thậm chí rất khó xin được việc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết thêm, nhiều sinh viên diện cử tuyển không được bố trí việc làm vừa lãng phí ngân sách đào tạo vừa lãng phí nhân lực.

"Có nhiều nguyên nhân khiến các đối tượng cử tuyển không được bố trí việc làm. Địa phương có thể cũng muốn đối tượng cử tuyển sau này về công tác. Tuy nhiên, trong 5 năm học của đối tượng cử tuyển, có nhiều sự thay đổi trong sắp xếp bố trí nhân lực nên khi các em ra trường không có, hay không còn chỉ tiêu công việc nữa", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân cho rằng một nguyên nhân nữa cũng cần lưu ý khi nói đến phân công công việc của đối tượng cử tuyển: cũng có trường hợp không muốn về địa phương làm việc, do mức lương, điều kiện sống còn thấp. Các địa phương cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này để có những hướng khắc phục trong thời gian tới.

Lê An