Nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD trong năm 2022-2023

12/08/2022 09:26
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”.

Sáng nay 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ trưởng, thủ trưởng các Ban, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Hội nghị cũng có sự tham dự của các nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số chuyên gia, đại diện trường đại học.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ảnh: Doãn Nhàn

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ảnh: Doãn Nhàn

Chú trọng bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng; chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh nhiệm vụ bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; Quan tâm bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị Ảnh: Doãn Nhàn

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị Ảnh: Doãn Nhàn

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chỉ đạo tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo. Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đối với cấp bậc mầm non, chú trọng củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai dạy học với khối lớp 3, lớp 7, lớp 10; Đặc biệt lưu ý tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023.

Với chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng triển khai xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và phương án đến năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được chú trọng triển khai trong năm học mới.

Thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.

Tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; Triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2030.

Hoạt động tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo cũng được nêu cao; Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông.

Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục đào tạo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học mới các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng việc thanh tra trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường; kiểm tra các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; kiểm tra công tác tuyển sinh trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, điều kiện đảm bảo chất lượng,...

Vấn đề hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác song phương, đa phương cũng được đề cao; tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài, khuyến khích hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo từ các quốc gia phát triển; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chỉ đạo chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.

Doãn Nhàn