Xây dựng tổ hợp môn theo khối thi ĐH là trái với tinh thần của chương trình mới

16/08/2022 06:40
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường THPT có xu hướng xây dựng tổ hợp môn theo khối thi đại học, điều này trái với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, môn Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc.

Cùng với đó, điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự điều chỉnh này, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên chương trình môn Vật lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng: trước đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định cũng như kỳ vọng học sinh được lựa chọn 5 môn học trong 3 nhóm môn (nhóm Khoa học xã hội, nhóm Khoa học tự nhiên, nhóm Công nghệ và Nghệ thuật). Dù học sinh lựa chọn 3 môn trong một nhóm thì 2 môn còn lại phải chọn trong 2 nhóm kia, mỗi nhóm 1 môn.

Nghĩa là, đặt ra một khung để mỗi học sinh được giáo dục đúng tính chất phổ thông, định hướng nhưng vẫn mang tính giáo dục toàn diện; học phổ thông trước hết là hình thành, phát triển nhân cách rồi mới đến thi cử, chọn ngành nghề,... Thế nhưng, với những điều chỉnh này, kỳ vọng đó khó có thể thực hiện được.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Khánh. Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Khánh. Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: chương trình giáo dục phổ thông 2018 không phải là dạy học phân ban mà là định hướng nghề nghiệp. Về ngôn ngữ tiếng Việt, thì “định hướng” và “phân ban” là khác nhau.

“Điều quan trọng là khi triển khai, các cấp lãnh đạo quản lý giáo dục và các trường phổ thông cần hiểu rõ tính định hướng chứ không phải phân ban của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, khi xây dựng tổ hợp và hướng dẫn học sinh lựa chọn tổ hợp môn học, nhà trường cần thoát được tư duy “học để thi”.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cấp quản lý của nhiều trường trung học phổ thông có xu hướng xây dựng các tổ hợp môn mà trường dự kiến là các khối thi đại học cho học sinh chọn, có trường phân thành 2-3 ban. Làm như vậy là trái với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là hình thành nhân cách người học. Từ khi nào mà mục tiêu giáo dục phổ thông lại chỉ là để thi vào các trường đại học?”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Khánh nói.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư đề xuất, để thực hiện quyền lựa chọn môn học "đáp ứng nguyện vọng, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi học sinh", nhà trường có thể tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng học các môn học/hoạt động giáo dục, bằng hình thức phiếu đăng ký giấy hoặc phiếu điện tử. Sau đó, trường có thể điều chỉnh số lượng học sinh ở các môn sao cho "phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường".

Cần tránh việc, nhà trường tự chọn và đề ra các tổ hợp môn học theo ý mình rồi cho học sinh chỉ được lựa chọn một trong số các tổ hợp ấy.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:

“Thực tế ở nhiều trường phổ thông, lãnh đạo nhà trường đã xếp sẵn tổ hợp cho học sinh lựa chọn, nhiệm vụ của học sinh là chọn một trong những tổ hợp môn nhà trường có. Kiểu xây dựng tổ hợp phân ban theo khối thi đại học như này sẽ dẫn tới tình trạng đi chệch xu hướng cũng như tính chất phát triển năng lực theo Nghị quyết 29 và không cẩn thận sẽ xảy ra câu chuyện phát triển lệch, khó mà toàn diện được”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, mục tiêu hướng tới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cách xếp tổ hợp môn theo khối thi đại học hiện nay của nhiều trường phổ thông chỉ thể hiện được một phần tính chất hướng nghiệp. Vì thực tế, chỉ có khoảng 2/3 học sinh có nhu cầu học đại học, còn 1/3 học sinh có xu hướng vào trường nghề hoặc đi làm. Nếu theo đuổi mục tiêu vào đại học, thì học sinh chọn học một trong số các tổ hợp môn để thi chứ không phải là năng lực, sở trường của các em.

“Chúng ta vẫn có xu hướng học để thi, dạy để thi nên giáo dục vị thi cử cũng ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo.

Cái khó của các nhà trường là nếu không xếp tổ hợp sẵn mà để học sinh tự chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn thì liệu rằng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhà trường có đáp ứng được? Ở nhiều địa phương, đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới còn "eo hẹp”, điều này liên quan đến vấn đề biên chế, tài chính. Một điều quan trọng nữa để giải quyết được tình trạng này là cần có kế hoạch với kỳ thi tốt nghiệp những năm tới.

Theo tôi, thi tốt nghiệp và thi, tuyển sinh đại học phải rạch ròi vì vai trò mỗi kỳ thi khác nhau nên khi gộp chung sẽ rất phức tạp”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.

Anh Trang