Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, nhiều đại biểu chia sẻ niềm phấn khởi khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đã được tổ chức thành công, là dấu hiệu tích cực của nền giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến chia sẻ lo ngại về một số bất cập trong giáo dục phổ thông hiện nay.
Một kỳ thi tốt nghiệp nhận được sự đồng thuận cao của xã hội
"Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 nhận được nhiều sự đồng thuận từ xã hội. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 có 989.863 thí sinh tham dự, đạt 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có một số điều chỉnh mới. Cụ thể, đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai cho các thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi.
Đại diện tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau bày tỏ sự ấn tượng của mình về kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, ông cho biết:
“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay chúng ta đã đạt được thắng lợi rất lớn. Ấn tượng của tôi về kỳ thi năm nay không phải là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, mà đó là một kỳ thi tạo được sự đồng thuận rất cao, áp lực giảm lắm.
Thứ hai là việc Bộ chủ trương đăng kí dự thi trực tuyến, đây là một chủ trương rất hay, đối với xã hội tạo được sự đồng thuận rất cao. Mặc dù bước đầu thực hiện một số cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn nhưng được sự chỉ đạo của Bộ và sự ủng hộ đồng tình của xã hội đã đạt nhiều hiệu quả cao”.
Trước thành quả này, ông Luân đề xuất mong muốn Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành, “trọng tâm là giáo dục, để địa phương không bị động và không bị trùng lặp. Năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau xác định việc chuyển đổi số là đột phá của ngành”.
Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Doãn Nhàn |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đổi mới giáo dục năm qua:
“Chúng tôi thấy rằng giáo dục phổ thông đã hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, vượt khó trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Qua đó cho thấy những nỗ lực đổi mới của Bộ trong kỳ thi, nhất là khâu ra đề thi; đặc biệt với môn Lịch sử, giúp chúng ta có những nhìn nhận đánh giá về việc học Lịch sử của học sinh khách quan hơn. Phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã phản ánh thực chất việc dạy học. Tôi mong Bộ tiếp tục phát huy và cải tiến khâu kiểm tra, ra đề và đánh giá trong dạy – học".
Băn khoăn việc thí sinh đăng kí gần 100 nguyện vọng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chia sẻ nhiều trăn trở liên quan tới việc đổi giáo dục, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng một nền giáo dục "thực chất".
"Có đau cũng phải nói, tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử, kiểm tra, học thêm, dạy thêm, rồi hệ lụy nữa là sách tham khảo,... bởi vì rất đơn giản, đó là chúng ta chưa thật sự trung thực ngay trong giáo dục.
Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở câu chuyện tuyển sinh đại học, qua nhiều năm, đến nay đã nhẹ đi rất nhiều...."
Cũng bàn về hoạt động giáo dục ở bậc trung học phổ thông, Phó giáo sư Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho rằng việc thí sinh đăng kí gần 100 nguyện vọng là không nên, thực tế này phản ánh công tác hướng nghiệp, phân luồng ở các trường trung học phổ thông chưa hiệu quả.
“Tôi nghĩ trong thời gian tới, chúng ta nên đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh”, Phó giáo sư Lê Anh Phương đề xuất ý kiến.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thể hiện quyết tâm hoàn thành sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. |
Trước những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thể hiện sự tiếp thu và nghiêm túc lắng nghe, mong muốn phát triển nền giáo dục hiệu quả:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo trong ngày hôm nay đã lắng nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến của các đại biểu, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét thấu đáo các ý kiến trao đổi để chỉ đạo công việc được sát với thực tế và hiệu quả hơn”.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn nhận được sự phối hợp của các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của giáo dục trong thời gian tới.
Người đứng đầu ngành giáo dục thể hiện quyết tâm trước thềm năm học mới: ngành giáo dục sẽ “ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo để không ngừng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có một kết quả năm học mới tốt nhất, là món quà chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, một dịp đặc biệt của ngành Giáo dục và Đào tạo”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin về những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục phổ thông trong năm học mới:
“Trong 12 tháng tới, nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt đối với ngành giáo dục phổ thông, chỉ trong 12 tháng tới, các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7, lớp 10. Cũng trong 12 tháng tới, tiến hành thẩm định, in ấn sách giáo khoa mới cho các lớp 4, lớp 8, lớp 11; và triển khai biên soạn sách cho các lớp 5, lớp 9 và lớp 12”.