3 năm qua, số công bố quốc tế và ngành học mới được mở ra tăng mạnh

13/08/2022 06:49
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực hiện tự chủ về tự chủ học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học, từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, đã có thêm 818 ngành đào tạo được mở ra.

Trong đó, nhiều ngành học đã đáp ứng nhu cầu nhân lực cấp thiết trong các lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing…

Thống kê tình hình mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo thẩm quyền tại các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm điều kiện tự chủ đại học. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thống kê tình hình mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo thẩm quyền tại các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm điều kiện tự chủ đại học. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời; đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, bảo đảm đầu tư công bằng, khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Tính đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%; trong đó, 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.

Từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, đã có đến 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, đã có đến 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Tổ chức bộ máy và nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính;

Đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục.

Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ; bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.

Thực hiện tự chủ đại học cũng giúp các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tính riêng các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng dần qua các năm; nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.

Số lượng công bố quốc tế 5 năm qua có sự gia tăng rõ rệt. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Số lượng công bố quốc tế 5 năm qua có sự gia tăng rõ rệt. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm phát triển. Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động.

Ngoài ra, vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng được các cơ sở đào tạo đại học đặc biệt quan tâm. Cụ thể, có tới khoảng 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các lớp kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; hình thành các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án cũng ngày càng tăng: chỉ trong 4 năm tổ chức đã thu hút được hơn 1.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó giáo sư Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế khẳng định, hoạt động đổi mới sáng tạo là một vấn đề quan trọng trong giáo dục dục đại học. Tuy nhiên theo ông, hiện nay việc triển khai còn rời rạc, chưa có sự đồng bộ.

Do đó, Giám đốc Đại học Huế đề nghị trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm nhiều quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn. Đặc biệt, Phó giáo sư Lê Anh Phương nhấn mạnh cần phải có kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong môi trường đại học.

Đồng thời, thầy Phương cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm giải quyết các vấn đề về chồng chéo, thiếu đồng bộ của các chính sách pháp luật nhằm giúp hoạt động tự chủ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học được triển khai thuận lợi hơn.

Doãn Nhàn