Từ khi giao cao đẳng về Bộ LĐ khiến hệ thống GDNN không chủ động được đầu vào

07/09/2022 06:53
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ khi các trường cao đẳng nghề chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chủ động được đầu vào.

Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm về việc tuyển sinh và đào tạo của một số trường cao đẳng y, dược. Theo đó, thông tin "dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược" được báo chí đăng tải có nêu: học viên đăng ký và nộp học phí tại một trường, dự thi tốt nghiệp của tại một trường khác, cuối cùng lại nhận được bằng dược chính quy của một trường khác với 2 trường kia. Đáng chú ý, học viên “bận” sẽ không cần học, chỉ cần nộp học phí, cuối kỳ đến lấy đề thi và đáp án về chép và nộp lại.

Đây là sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh và đào tạo, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xử lý nghiêm và xem xét thật kỹ trách nhiệm của các bên liên quan, chức năng quản lý đối với các trường cao đẳng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, đây là một hiện tượng đáng buồn vì xảy ra trong đào tạo ngành y dược - ngành trực tiếp liên quan đến sức khỏe con người.

“Cấp bằng y, dược mà không qua đào tạo sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dân. Những người bán thuốc mà không có trình độ, kiến thức nhưng lại ngang nhiên tư vấn cho người bệnh thì sẽ rất nguy hiểm. Hơn hết, việc không cần học nhưng vẫn được tốt nghiệp, vẫn có bằng cao đẳng sẽ làm giảm chất lượng đào tạo, giảm chất lượng nguồn nhân lực của đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.

Người học sai vì như thế là gian lận, người quản lý tạo ra cái sai đó còn vi phạm nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, với những sự việc vi phạm đạo đức, vi phạm quy định về pháp luật liên quan đến giáo dục và đào tạo, để lại nhiều hệ lụy tới xã hội như vậy cần phải lên án và có hình thức xử lý mạnh, mang tính răn đe để tránh những tình huống, sự tha hóa tương tự xảy ra.

Từ vụ việc này, nhiều người đặt ra băn khoăn về vai trò quản lý, giám sát của cơ quan quản lý các trường cao đẳng nghề nghiệp, trong đó có khối cao đẳng y, dược của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở đâu?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, sai phạm trong đào tạo của các trường cao đẳng y, dược cũng đã cho thấy sự chưa hợp lý khi trao quản lý nhà nước về đào tạo hệ cao đẳng cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

“Chuyển việc quản lý trường cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc làm cần thiết để sửa sai cho quyết định trước đây. Theo tôi, không chỉ cao đẳng mà cả trung cấp nghề cũng nên chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo để hình thành hệ thống quản lý thống nhất về tất cả mọi cấp học. Điều này không chỉ giúp hạn chế đầu mối quản lý mà còn giúp việc hướng nghiệp, đào tạo, phân luồng hiệu quả hơn từ cấp trung học đến đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, từ khi các trường cao đẳng nghề chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chủ động được đầu vào. Trong khi giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nên dễ dàng và chủ động trong việc tuyển sinh hơn thì các trường cao đẳng khi tuyển sinh bị rối về dữ liệu, không có đầu mối nên không chủ động quy hoạch, làm chính sách phát triển nhân sự cũng như phân luồng.

“Cùng thuộc hệ thống giáo dục nhưng lại chia một bên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, một bên do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý dẫn tới việc chương trình xây dựng khác nhau, người học khó khăn khi muốn liên thông, học lên cao hơn.

Từ lùm xùm về tuyển sinh của một số trường cao đẳng y, dược, chúng ta thấy rằng sự hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế lỏng lẻo dẫn tới việc mở ngành tràn lan nhưng không kiểm soát được chất lượng đào tạo. Theo tôi, rõ ràng, sự quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về mặt giáo dục chưa chặt chẽ bằng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý từ cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học, cao học và tiến sĩ với tất cả các ngành nghề nên tạo ra sự thống nhất, xuyên suốt, liên thông, bảo đảm chất lượng của toàn hệ thống giáo dục và đào tạo. Hơn hết, trong quá trình quản lý, giám sát luôn có sự đối sánh qua lại giữa các trường trong hệ thống. Mặt khác các trường cũng luôn luôn cạnh tranh và góp phần giám sát lẫn nhau”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần phải đưa việc quản lý trường cao đẳng về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo để tập trung nguồn lực lại, khai thác hiệu quả hơn cả cơ sở vật chất cùng lực lượng quản lý và giảng dạy.

“Bản chất của cao đẳng là một phần của giáo dục hậu trung học và có tính liên thông với đại học. Vì vậy, tôi cho rằng Luật Giáo dục không cho trường đại học dạy cao đẳng là sai lầm. Bởi vì, có những học sinh muốn vào trường đại học học cao đẳng, sau khi tốt nghiệp sẽ liên thông lên đại học thuận lợi hơn, hoặc những sinh viên trúng tuyển đại học nhưng sau một quá trình học thấy không đáp ứng được thì có thể xuống học cao đẳng trong cùng một trường để phù hợp với năng lực mình có. Đây là sự liên thông nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo của cả sinh viên lẫn nhà trường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống bày tỏ quan điểm.

Hiện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang quản lý hơn 100 trường cao đẳng được cấp mã ngành đào tạo y dược, sức khoẻ.

Tại Hà Nội có nhiều trường hoặc cơ sở tuyển sinh, thực hành, đào tạo mang tên tương đối giống nhau như: Trường Cao đẳng Y Hà Nội; Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội; Trường Cao đẳng Dược Hà Nội; Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội; Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội; Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội; Trường Cao đẳng Y dược Pasteur; Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN; Trường Cao đẳng Y dược Cộng Đồng...[1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://suckhoedoisong.vn/doi-tra-trong-dao-tao-cao-dang-y-duoc-9-bo-ld-tbxh-lap-doan-thanh-tra-bo-cong-an-vao-cuoc-169220905231049412.htm

Anh Trang